‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM

Phùng Tiên |

‏Sở GTVT TP. HCM đề xuất xem xét áp dụng hình thức hợp đồng BOT cho 6 tuyến đường quan trọng ở khu vực cửa ngõ TP. HCM nhằm cải tạo, nâng cấp sửa chữa, mở rộng công trình hiện hữu. Tổng vốn cho 6 dự án này gần 100.000 tỷ đồng.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 1.

Là đô thị lớn nhất cả nước, thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu lớn về đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, nguồn vốn ngân sách lại chưa thể đáp ứng dẫn đến nhiều dự án quan trọng không thể triển khai. Trong bối cảnh ấy, nghị quyết 98 (được áp dụng từ ngày ⅛) sẽ góp phần giải quyết bằng cách thí điểm 6 dự án BOT trên một số tuyến đường bộ hiện hữu, thay vì trước đó chỉ được đầu tư với các dự án đường bộ mới. Dự kiến, việc thí điểm sẽ được áp dụng trên đường trục chính và đường trên cao.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 2.

Khu vực phía nam TP. HCM là nơi tập trung 4/6 dự án, chiếm gần 80% tổng mức đầu tư. Được biết, đây là khu vực cửa ngõ kết nối TP. HCM với các tỉnh ĐBSCL như Long An và Tiền Giang, với phần lớn phương tiện lưu thông trên các các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cao tốc TP. HCM - Trung Lương, đại lộ Đông Tây, QL1A và QL50. Ngoài vận chuyển hàng hóa vào các khu công nghiệp lớn như Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Tân Tạo (huyện Bình Tân) và Tân Thuận (quận 7), phía Nam thành phố còn có Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), nơi đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày và thường xuyên ùn tắc vào các dịp lễ lớn. Vì vậy, 4 dự án này được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề kẹt xe ở khu vực cửa ngõ, tăng tính kết nối liên vùng cho thành phố.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 3.

Đầu tiên, trục Đông - Tây TP. HCM (đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) sẽ được xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài về phía nam, nối ra đường Vành đai 3. Đoạn này có chiều dài 9,7 km, lộ giới theo quy hoạch là 60 m với sơ bộ tổng mức đầu tư là 13.837 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ bắt đầu tại nút giao đường Võ Văn Kiệt với QL1A (huyện Bình Chánh) và kết thúc tại điểm giao với đường Vành đai 3 (huyện Bình Chánh) được mở trong tương lai. Việc kéo dài tuyến đường Võ Văn Kiệt sẽ tạo thuận lợi cho nhu cầu chở hàng hóa từ các khu công nghiệp Long An đến Vành đai 3, các cụm cảng, công nghiệp... ở phía Đông Nam TP. HCM.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 4.

Tại nút giao Võ Văn Kiệt - QL1A còn có thêm một công trình là đường nối Võ Văn Kiệt - cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Dự án này có chiều dài 2,7 km, với tổng mức đầu tư 1.557 tỷ đồng, lộ giới 60 m với 4 làn xe. Theo hợp đồng BOT, dự án được khởi công từ tháng 10/2015 và có mốc hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, tổng sản lượng xây lắp đến nay đạt 140 tỷ đồng, tương đương 12% giá trị, nhà đầu tư cũng dừng thi công dự án. “Tôi mong rằng thành phố sớm triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng tại khu vực này để việc di chuyển của người dân trở nên an toàn, thuận lợi hơn”, chị Tuyết (21 tuổi, ngụ tại Long An) chia sẻ.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 5.

Cách dự án kéo dài trục Đông Tây chưa tới 1 km, QL1A đoạn vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) - ranh Long An sẽ được mở rộng lên 52 m, từ 4 lên 8 làn xe với tổng mức đầu tư là 12.876 tỷ đồng. Đoạn đường hiện hữu đang dài khoảng 9,5 km, rộng khoảng 23-25 m, là nút thắt cổ chai lớn ở cửa ngõ thành phố đi về miền tây khiến giao thông trong khu vực thường xuyên ách tắc cục bộ.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 6.

Mặt khác, một đường động lực song song với QL50 sẽ được xây với chiều dài 5,8 km, lộ giới theo quy hoạch 40 m, với sơ bộ tổng mức đầu tư là 3.816 tỷ đồng. QL50 hiện hữu dài khoảng 88 km, bắt đầu từ bờ nam cầu Nhị Thiên Đường (phía quận 8), đi qua huyện Bình Chánh (TP. HCM), huyện Cần Giuộc (Long An) và điểm cuối tại Lộ Dừa (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang). Đoạn qua huyện Bình Chánh nhỏ hẹp, là trục duy nhất dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông và là một “điểm đen” về giao thông của thành phố.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 7.

Bên cạnh trục Đông - Tây, trục Bắc - Nam cũng là một trục đường xuyên tâm quan trọng của TP. HCM, bắt đầu từ QL22 qua An Sương (huyện Hóc Môn), đổ xuống Trường Chinh rồi về Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Thành phố hiện đang đầu tư vào trục đường này, với đoạn Âu Cơ đến khu công nghiệp Hiệp Phước với chiều dài 26,8 km, lộ giới theo quy hoạch 40-60 m, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 54.204 tỷ đồng. Hiện khu vực cửa ngõ phía Tây Bắc này khiến nhiều người ngao ngán vì phải đi qua 2 điểm kẹt xe liên tiếp là Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám và giao lộ Trường Chinh - Âu Cơ - Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Bình).

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 8.

Ở cửa ngõ Tây Bắc, QL22 (đường Xuyên Á) có đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 sẽ được cải tạo, nâng cấp với chiều dài 9,1 km, rộng 39,5 m, gồm hai cầu vượt. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện đây tuyến quốc lộ duy nhất nối TP. HCM với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), thông thương các nước khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến này đã quá tải gấp 2 lần so với năng lực thiết kế.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 9.

Việc hoàn chỉnh trục Bắc - Nam cũng giúp cho việc lưu thông vào các khu công nghiệp, khu chế xuất an toàn hơn. Trên trục này còn có công trình hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Cụ thể sẽ có hai hầm chui được xây mới với chiều dài khoảng 480m, có tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Dự án được kỳ vọng sẽ kéo giảm ùn tắc giao thông đang gia tăng tại khu vực Nam TP. HCM.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 10.

Cuối cùng, ở cửa ngõ Đông Bắc TP. HCM, QL13 đoạn qua TP Thủ Đức sẽ được mở rộng lên 40-60m, kinh phí gần 12.200 tỷ. Trong đó, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, với tổng chiều dài 4,5 km. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 9.900 tỷ đồng. UBND TP.HCM đưa dự án mở rộng QL13 vào danh mục 34 dự án trọng điểm năm 2023. Dự kiến năm 2024 dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và khởi công công trình vào năm 2025.

‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 11.

QL13 dài 140 km, đi qua TP. HCM, Bình Dương và Bình Phước, đồng thời kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án này nằm trong dự án thành phần xây dựng cầu Bình Triệu 2 được hình thành từ 22 năm trước, tức vào năm 2001, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, một trạm thu phí BOT sẽ được đặt trên QL13 giúp thành phố có kinh phí mở rộng đoạn đường hiện hữu.


‏Cận cảnh 6 con đường có thể được đầu tư 100.000 tỷ nhờ cơ chế BOT mới ở TP. HCM - Ảnh 12.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại