"Ác mộng ngoài tầm nhìn" của Không quân Mỹ

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị |

Ưu điểm về tầm bắn và khả năng cơ động khiến tên lửa R-77 trở thành loại vũ khí cực kì nguy hiểm trong không chiến.

Tên lửa không đối không đối không tầm trung (Advanced Medium-Range Air-to-Air Missile - AMRAAM) R-77 có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết và là vũ khí hàng không đầu tiên được lựa chọn cho máy bay tàng hình Su-57 đầu tiên của Nga.

Tên lửa này có những ưu điểm vượt trội so với đối thủ "đồng cân, đồng lạng" của Mỹ là AIM-120 AMRAAM.

Lịch sử phát triển

Tên lửa R-77 được Liên Xô bắt đầu nghiên cứu phát triển từ những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, như một câu trả lời dành cho tên lửa AIM-120 AMRAAM của Mỹ. Chương trình buộc phải dừng lại do sự sụp đổ của Liên Xô (năm 1991) nhưng đã tiếp tục được Nga hoàn thiện vào năm 1994.

Ác mộng ngoài tầm nhìn của Không quân Mỹ - Ảnh 1.

Tên lửa không đối không tầm trung R-77

R-77 là loại tên lửa không đối không tầm trung, dẫn đường bằng radar do Tổng công ty sản xuất tên lửa chiến thuật Nga JSC sản xuất. Đây là loại vũ khí đi kèm với máy bay chiến đấu dòng Su-27/30/35 và MiG-29.

Vừa qua, số máy bay tiêm kích Su-27/30/33/35 và MiG-29 của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga đang hoạt động chống khủng bố tại Syria đều được trang bị tên lửa loại này để bảo vệ an toàn cho máy bay của lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga.

Hiện nay Nga đang tiến hành nâng cấp tên lửa R-77 để trang bị trên loại máy bay tiêm kích tàng hình tiên tiến Su-57. Nâng cấp bao gồm trang bị cho tên lửa một radar mảng pha điện tử AESA thế hệ mới, đây là công nghệ cao, hiện chỉ có trên tên lửa không đối không AAM-4B của Nhật Bản.

R-77: Tên lửa đánh dấu bước thu hẹp về công nghệ với đối thủ Mỹ

Về mặt công nghệ dẫn đường, trong pha đầu sau khi được phóng, tên lửa R-77 bay theo quán tính với dữ liệu về mục tiêu được cập nhật từ radar của máy bay phóng (và trong tương lai có thể do một máy bay khác nhờ được liên kết đường truyền dữ liệu). Đến pha cuối, R-77 sẽ chuyển sang dùng radar chủ động của chính nó.

Tên lửa R-77 và R-77-1 sử dụng radar doppler, những biến thể trong tương lai sẽ sử dụng radar mảng pha điện tử AESA, trong đó chùm tia radar có thể được dẫn với độ chính xác và tốc độ cao hơn, đồng thời nâng cao khả năng kháng nhiễu của tên lửa.

Về mặt khí động học, tên lửa R-77 là một trong số ít tên lửa không đối không sử dụng cánh lái dạng "vây lưới"; với thiết kế cánh kiểu như vậy, giúp tên lửa giảm tiêu hao sức đẩy động cơ hơn cánh lái dạng thường và còn có tác dụng giảm tín hiệu phản xạ radar (RCS) so với các cánh lái truyền thống.

Tiếp nữa, tên lửa còn có khả năng chuyển hướng cực tốt, tối đa lên tới 150° mỗi giây. Điều này cho phép tên lửa R-77 phóng ở những độ cao lớn, mang lại lợi thế trong tấn công.

Những cánh lái này có thể gập lại gọn gàng, rất thuận tiện cho những máy bay cất giữ ở trong khoang kín của máy bay tàng hình. R-77 sử dụng ngòi nổ laser cận đích và chạm nổ, trong khi đối thủ AIM-120 sử dụng ngòi nổ vô tuyến.

Các biện pháp đối phó điện tử (ECM) sẽ là vô dụng với ngòi nổ laser. Đối thủ AIM-120 mặc dù sử dụng ngòi nổ vô tuyến nhưng cũng có các giải pháp đối phó hữu hiệu với các biện pháp đối phó điện tử của đối phương.

Tên lửa R-77 hiện đại, tính năng kỹ chiến thuật tốt nhưng nó chỉ mới được triển khai hoạt động trên các loại máy bay dòng Su-27/30/35 trong thời gian gần đây dù đã chính thức gia nhập biên chế quân đội Nga từ năm 1994.

Một trong những lý do chính là vào thời điểm Liên Xô tan rã, máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không của Không quân Nga khi đó là Su-27S, không được thiết kế để sử dụng tên lửa R-77.

Trong thời điểm đó, chỉ có tiêm kích MiG-29S mới có thể sử dụng được loại tên lửa này. Tuy nhiên, radar trên chiếc MiG-29S kém xa so với radar của chiếc Su-27S. Do vậy, dù trang bị tên lửa R-77 nhưng MiG-29S cũng không thể phát huy hết khả năng kỹ chiến thuật của loại tên lửa này trong chiến đấu không đối không.

Ác mộng ngoài tầm nhìn của Không quân Mỹ - Ảnh 2.

Tên lửa R-77 trên cánh MiG-29

Từ năm 2004, không quân Nga bắt đầu tiến hành hiện đại hóa máy bay Su-27S lên chuẩn Su-27SM; lúc này những tên lửa R-77 mới được trang bị cho loại máy bay dòng Su-27. Từ những chiếc Su-30 trở đi, tên lửa R-77 trở thành vũ khí không đối không ngoài tầm nhìn tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, còn có một một loại máy bay cũng được trang bị R-77, đó là MiG-31BM.

Tên lửa R-77 từ khi ra đời đến khi trang bị hàng loạt cho lực lượng không quân Nga là gần 20 năm. Điều này có thể lý giải bởi hai lý do:

Thứ nhất, sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga của Boris Yeltsin lâm vào khủng hoảng kinh tế, do vậy Nga thiếu kinh phí để nâng cấp máy bay cũng như trang bị hàng loạt loại tên lửa công nghệ cao này

Thứ hai, thời điểm đó, trong thập niên 1990 và 2000, nước Nga không phải đối đầu với những kẻ thù tiềm tàng. Các cuộc xung đột mà Nga tham gia, chủ yếu là chiến tranh chống nổi dậy, hoặc chống lại những quốc gia có lực lượng không quân yếu kém như Gruzia.

Vì cả hai lý do trên nên tên lửa R-77 ít được sử dụng rộng rãi trong lực lượng Không quân - vũ trụ Nga. Nó chỉ được trang bị rộng rãi khi quân đội Nga tiến hành hiện đại hóa quân đội năm 2008 và tiến hành Chương trình hiện đại hóa vũ khí cho quân đội Nga giai đoạn 2011-2020 (State Armament Programme - SAP 2020).

Trong giai đoạn đầu mới đưa vào biên chế, tên lửa R-77 cũng không được sản xuất với số lượng lớn. Theo tuyên bố, chỉ khoảng 300 tên lửa R-77 được sản xuất, chủ yếu để dùng huấn luyện và thử nghiệm. Chỉ có loại tên lửa R-77-1 sau này mới được sản xuất với số lượng lớn. Đây là tên lửa đã được nhìn thấy trên máy bay Su-35S ở Syria.

Mặc dù quân đội Nga chỉ đặt hàng với số lượng nhỏ tên lửa R-77 để trang bị cho những chiếc Su-35S trong năm 2009, tiếp theo là một hợp đồng lớn hơn vào năm 2012. Cuối cùng, vào năm 2015, một hợp đồng mua sắm loại tên lửa này có trị giá 13 tỷ rúp đã được ký kết. Đây là hợp đồng mua sắm lớn nhất tên lửa loại này của lực lượng không quân Nga.

Trên thị trường xuất khẩu, tên lửa R-77 thực sự là một vũ khí đắt hàng của Nga. Phiên bản R-77 xuất khẩu được gọi là RVV-AE (tất cả các loại tên lửa xuất khẩu do Tổng công ty tên lửa chiến thuật sản xuất đều mang ký hiệu RVV: RVV-AE cho R-77, RVV-SD cho R-77-1, RVV-BD cho R-37M và RVV-MD cho R-74).

Những quốc gia có sở hữu máy bay dòng Su-27 và các biến thể của nó như Su-30, Su-35 và MiG-29S/ MiG-35; đặc biệt là các quốc gia sở hữu nhiều Su-30 như Ấn Độ với Su-30MKI và Algeria với Su-30MKA, đều đã sở hữu nhiều tên lửa R-77 với phiên bản RVV-AE.

Phiên bản xuất khẩu R-77-1 là RVV-SD cũng đang thu được thành công trong xuất khẩu vì loại máy bay MiG-35 và Su-35S cũng đang được chào bán rộng rãi, cả hai loại tiêm kích hiện đại trên đều có thể trang bị tên lửa loại cải tiến này.

Ác mộng ngoài tầm nhìn của Không quân Mỹ - Ảnh 3.

Tên lửa R-77 dưới cánh Su-30 MKI

Phiên bản kế tiếp

Vậy phiên bản tiếp theo của tên lửa R-77 là gì? Câu trả lời đó chính là phiên bản R-77M sắp tới sẽ được sử dụng trên máy bay tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Nga Su-57.

Với những thay đổi có tính cách mạng như trang bị radar mảng pha, cho tên lửa và quay lại thiết kế cánh kiểu truyền thống, sử dụng những loại vật liệu mới để chế tạo tên lửa; điều này hứa hẹn mang lại những tính năng kỹ chiến thuật mới vượt trội.

Ngoài ra còn có phiên bản được trang bị động cơ phản lực R-77PD với tầm bắn lên tới 180 km (chữ PD viết tắt từ cụm từ tiếng Nga "Povyshenoy Dalnosti" nghĩa là tăng tầm).

Với phiên bản này, R-77 có thể xếp vào phân lớp tầm xa và sánh ngang với AIM-54 Phoenix của Mỹ. Phiên bản mới lần đầu xuất hiện tại Triển lãm MAKS 2001 nhưng sau đó không thấy xuất hiện nữa.

Giới quân sự cho rằng có thể chương trình bị đình trệ vì lý do nào đó hoặc có thể đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, nếu được đưa vào trang bị, đây là loại tên lửa thực sự ấn tượng. Với tầm bắn 180 km, tốc độ đạt Mach 5, nó đã vượt xa loại tên lửa không đối không tầm trung thông thường (AMRAAM thông thường có tầm bắn <100 km, tốc độ Mach 4).

Theo những tin tức rò rỉ từ Bộ Quốc phòng Nga gần đây cho thấy, chương trình phát triển tên lửa R-77PD vẫn được tiến hành nhưng có những cải tiến lớn.

Với khối lượng khoảng 225 kg, nó nhẹ hơn nhiều so với tên lửa tầm xa R-37M (nặng 748 kg). Điều này sẽ cho phép tên lửa được trang bị trong các khoang chứa vũ khí của máy bay Su-57 do khối lượng nhẹ và các cánh lái, cánh nâng của tên lửa có thể gập gọn.

Ưu điểm về tầm bắn và khả năng cơ động khiến R-77 tỏ ra là loại vũ khí cực kì nguy hiểm trong không chiến tầm xa.

Lực lượng không quân Nga sẽ có thêm một vũ khí lợi hại trong việc bắn hạ các vật thể bay trong không gian, kể cả việc đánh chặn đối thủ của nó là tên lửa AIM-120 AMRAAM hoặc AIM-54 Phoenix, tên lửa hành trình và bom thông minh. Đây thực sự là mối đe dọa "ngoài tầm nhìn" đối với lực lượng không quân Mỹ.

Mô phỏng Su-30SM đánh chặn mục tiêu bằng tên lửa R-77

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại