Theo công ty theo dõi tàu Kpler, khoảng 93 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ của Iran hiện đang được lưu trữ trong các bồn chứa trên bờ và tàu chở dầu ngoài khơi đang chờ vận chuyển. Một công ty khác – Vortexa - ước tính rằng, dầu thô của Iran vào khoảng 60-70 triệu thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) ước tính vào đầu tháng này rằng, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ đạt mức bình quân khoảng 105 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giải phóng khẩn cấp 180 triệu thùng dầu ra thị trường trong vòng 6 tháng từ nguồn dự trữ dầu chiến lược.
Và lô dầu này của Iran cũng đủ làm "hạ nhiệt" giá dầu cao ngất ngưởng trên thị trường toàn cầu hiện tại.
Sớm nhưng không phải ngay lập tức
Tuần trước, Mỹ đã có phản hồi đối với đề xuất hạt nhân mới nhất của Iran. Và Iran cho biết họ sẽ xem xét phản hồi của phía Mỹ về thỏa thuận hạt nhân trong tuần này và tiếp tục thúc đẩy trong tháng 9. Nếu mọi việc suôn sẻ, dầu Iran có thể quay trở lại thị trường toàn cầu trong những tuần sắp tới.
Mặt khác, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thắt chặt các hạn chế đối với dầu thô của Nga từ tháng 12 và việc chính phủ Mỹ giải phóng lượng lớn dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của nước này cũng sẽ kết thúc vào tháng 10. Tuy nhiên, sự gia nhập thị trường theo dự kiến của dầu Iran sẽ giúp giảm đáng kể lo ngại về nguồn cung dầu, đặc biệt là tại các thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận hạt nhân, việc xuất khẩu dầu của Iran sẽ phải sang năm 2023 mới có thể bắt đầu.
John Driscoll - chiến lược gia trưởng tại JTD Energy Services - giải thích rằng, Iran đã thiết lập một đội tàu lớn để có thể nhanh chóng xuất khẩu dầu, nhưng do các vấn đề về bảo hiểm và vận chuyển, cũng như đàm phán về ý định bán dầu, vẫn sẽ mất một khoảng thời gian để dầu có thể xuất kho.
Chiếm lĩnh cả thị trường Âu, Á
Theo nhà phân tích Emma Li của Vortexa, xuất khẩu dầu của Iran vẫn ở mức khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran vào năm 2018, với Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Iran.
Nhưng với việc các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, có thể sẽ có một số thay đổi trong mục tiêu của Iran.
Theo chuyên gia Driscoll, mục tiêu của Iran có thể sẽ là lấp đầy khoảng trống của Nga ở châu Âu, với các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp... Tuy nhiên, ông cũng nói rằng, Iran sẽ không từ bỏ thị trường châu Á và có thể hình thành cuộc cạnh tranh mới với Nga.
"Việc Iran muốn cung cấp dầu cho châu Âu để giành lấy thị phần của Nga là điều hiển nhiên, nhưng về lâu dài, Iran vẫn sẽ duy trì các thỏa thuận dài hạn ở châu Á", ông Driscoll nói.
Theo số liệu của Kpler, trong năm 2017 và 2018, châu Âu tiêu thụ bình quân lần lượt 748.000 thùng và 528.000 thùng dầu thô Iran mỗi ngày, trong khi thị trường châu Á tiêu thụ 1,2 triệu và gần 1 triệu thùng dầu thô Iran mỗi ngày.