1. Đừng có nghề rồi mới chọn nghề
Đừng tin vào câu nói của nhiều người rằng: "Có nghề trước rồi mới chọn nghề".
Nhiều ngôi trường hiện nay ưu tiên phát huy quan điểm này, một trong những lý do quan trọng là để đảm bảo tỷ lệ có việc sau khi tốt nghiệp của trường. Thậm chí, nếu ngành nào có tỷ lệ việc làm kém sẽ bị cắt bỏ.
Tôi có một người bạn theo học chuyên ngành sinh học và thực phẩm. Ngành này có tỷ lệ việc làm thuộc diện thấp nhất trường. Thực tế mọi người đều hiểu rằng tỷ lệ có việc sau khi ra trường của tất cả các ngành chỉ là tương đối, nhưng ngay cả khi ngành của cậu ta có tỷ lệ việc làm cao thì nó cũng không thể so với các chuyên ngành khác.
Vì vậy, nếu bạn bị tẩy não bởi câu này, rất có thể bạn sẽ lao vào kiếm việc mà không cần suy nghĩ xem sẽ làm công việc gì.
Trước khi đi làm, bạn đã nghiên cứu triển vọng việc làm của các ngành khác nhau chưa? Vị trí khác nhau thì làm những gì? Lộ trình phát triển nghề nghiệp trong tương lai là gì và nó có phù hợp với kế hoạch phát triển nghề nghiệp và mục tiêu cuộc sống của bạn không? Trên thực tế, đây là những câu hỏi chúng ta cần suy nghĩ.
Hoặc cũng có thể bạn chưa từng nghĩ đến những câu hỏi như vậy.
Hệ quả của việc này rất có thể là bạn sẽ lê lết trong một ngành không phù hợp, không yêu thích và không kiếm ra tiền. Bạn không nhận được những gì xứng đáng với nỗ lực bạn đã bỏ ra, theo thời gian khi tuổi của bạn càng ngày càng lớn, rồi bạn có gia đình, bạn làm một công việc không đúng với trình độ thật của mình nhưng vì cuộc sống mưu sinh, bạn chấp nhận thỏa hiệp với hiện thực.
Trong bộ phim The Truman Show có một câu thoại rất hay như thế này: "Tại sao Truman đến tận cuối cùng vẫn không biết mình đang sống ở thế giới nào? Bởi vì chúng ta đều như vậy, chấp nhận hiện thực, đơn giản là vậy thôi".
2. Mạnh dạn đổi ngành đổi nghề nếu không phù hợp
Khoa thực phẩm mà bạn tôi theo học có hơn 30 sinh viên. Thẳng thắn mà nói, chưa đến 10% trong số họ thực sự làm các công việc liên quan đến sinh học hay thực phẩm, hầu hết đã chuyển ngành hoặc ra trường và làm trái nghề, hiện tại cuộc sống của họ đều rất tốt.
Những ai từng làm việc trong ngành thực phẩm truyền thống chắc đều hiểu, ngành này có môi trường làm việc khá tệ, giờ làm việc ba ca, mức lương tương đối thấp, không thể học hỏi và phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, cá nhân bạn tôi vào thời điểm đó vì không muốn lãng phí 4 năm kiến thức chuyên môn nên vẫn chọn kiên trì theo ngành này.
Thực tế, ở bậc đào tạo đại học, việc nghiên cứu chưa chuyên sâu, nhiều kiến thức cơ bản. Ngoài ra, vẫn còn một vấn đề cần được suy nghĩ thấu đáo - phát triển nghề nghiệp, điều đã đề cập ở ý đầu tiên.
3. Chọn đúng ngành sẽ cứu cả cuộc đời bạn
Tôi có một người bạn tốt nghiệp muộn hơn tôi 1 năm. Cậu ta học cơ khí, sau khi tốt nghiệp thì làm quản lý dự án cho một công ty môi giới việc làm ở thủ đô. Lương khởi điểm của cậu ta là 12 triệu. Sau này cậu ta nhảy việc sang làm quản lý dự án cho một công ty về Internet. Cậu ta được tăng lương và bắt đầu có nhân viên dưới cấp. Tiếp nữa, cậu ta chuyển sang làm về công nghệ và sau cùng là đảm nhiệm vị trí kiến trúc sư cho một tập đoàn lớn với mức lương gần 900 triệu/năm. Đây mới là năm thứ 3 sau khi cậu ta ra trường.
Bản thân tôi làm nhân viên cho một doanh nghiệp nhà nước, mỗi tháng tính cả tiền làm thêm, lương của tôi cũng chỉ khoảng 7-8 triệu, bởi chúng tôi chọn ngành khác nhau. Điều này khiến tôi hiểu sự khác biệt giữa các ngành nghề lớn như thế nào.
4. Nên có người dẫn đường tư duy
Tại sao bạn cần phải tìm một vài người dẫn đường tư duy? Bởi nếu bạn không có ai định hướng, có nghĩa là bạn phải bước vào tất cả những cái hố mà người khác từng rơi vào. Nếu chọn đúng đường, bạn sẽ sống và nếu bạn chọn sai đường, có thể cái kết dành cho bạn rất thảm khốc.
Ngành nghề nào cũng có những chuyên gia hoặc những người đã làm việc lâu trong ngành đủ để hiểu rõ về ngành cũng như những cạm bẫy của nó.
Hãy nghĩ xem tại sao bạn luôn bối rối khi gặp khó khăn và lựa chọn. Lúc này bạn có thể tìm sự hỗ trợ ở đâu?
1) Bạn có thể vào các diễn đàn chuyên về hỏi đáp để tìm hiểu tình trạng phát triển của ngành bạn muốn biết
2) Bạn có thể truy cập một số nền tảng trả phí, chẳng hạn như một số trang web giáo dục trực tuyến
3) Bạn cũng có thể điều tra xem xung quanh mình có những người như vậy không và nhờ họ tư vấn
5. Bạn bè không có nghĩa vụ phải giúp bạn
Người khác giúp bạn là tình cảm, không giúp bạn là bổn phận.
Tôi có một người bạn không quá hài lòng với sự nghiệp của mình, và cậu ta tìm đến một người bạn khác đang ăn nên làm ra để hỏi han. Câu hỏi cậu ta đặt ra tương đối rộng, cậu ta nói cậu ta đang tìm việc và nhờ người bạn kia cho cậu ta lời khuyên.
Tuy nhiên, do 2 người làm 2 ngành hoàn toàn khác nhau, người bạn kia nói bạn tôi gửi CV cho mình rồi người đó sẽ nhờ HR xem xét. Sau đó, bạn tôi gửi cho người bạn một chiếc CV vô cùng đơn giản. Người bạn cũng gửi HR luôn nhưng 3 ngày sau vẫn không có tin tức gì.
Một đêm nọ đã 10 giờ tối, bạn tôi vì quá bức bối nên hỏi người bạn mọi chuyện sao rồi. Người bạn đáp mình đang phải tăng ca ở công ty và có thể phải OT. Nhưng bạn tôi vẫn nhắn tin liên tục nói rằng mình đang rất hoang mang, không biết phải làm gì.
Lần này, đến lượt người bạn cảm thấy phiền. Người này chỉ nhắn lại bạn tôi 1 câu "Tôi đang bận lắm, mai trả lời sau". Sau đó là không còn sau đó nào nữa.
Từ ví dụ này, chúng ta có thể thấy rằng bạn tôi đã làm chưa tốt ở một số điểm.
Thứ nhất, cậu ta không biết đồng cảm, không xem xét cảm xúc của đối phương và hoàn toàn không đặt mình vào vị trí của đối phương. Đối phương nói đang tăng ca, làm sao có thời gian giải quyết những rắc rối, hoang mang riêng tư của cậu ta.
Thứ hai, không có thói quen tư duy, tự nhìn nhận bản thân. Ngay cả khi có người sẵn sàng nói chuyện với bạn thì bạn cũng nên đưa ra những câu hỏi cụ thể, đã qua xem xét, suy ngẫm trước khi đến gặp người khác và yêu cầu người đó trả lời giúp mình.
Bạn bè không có nghĩa vụ phải giúp đỡ bạn. Khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, bạn có bao giờ nghĩ đến việc mình đã giúp đỡ được gì cho bạn mình hay chưa?
6. Các mối quan hệ cần được duy trì
Không có gì được coi là đương nhiên.
1) Bạn bè
Bạn có người bạn nào ở xa, lâu ngày không gặp, mất dần liên lạc rồi dần biến mất khỏi cuộc đời nhau không? Tôi đã mất rất nhiều bạn bè theo cách như thế này. Ngược lại, tôi cũng có những người bạn thường xuyên gặp gỡ, mối quan hệ luôn rất tốt.
Bạn bè cũng như mọi mối quan hệ khác, không có giao lưu, không có vun vén thì sớm muộn cũng sẽ phai nhạt.
2) Người thân
Cho dù có quan hệ huyết thống thì các thành viên trong gia đình cũng cần thường xuyên liên lạc với nhau. Trước đây tôi đi làm ở xa, đi tàu về nhà cũng mất đến 20 tiếng, cả năm có khi chỉ về nhà 1 lần. Tôi cũng hiếm khi gọi điện về nhà, trung bình 1 lần/tháng, nhiều lần còn là do người nhà chủ động gọi cho tôi.
Cha mẹ chúng ta phần nhiều đã đi qua một nửa cuộc đời, thậm chí có người đã bước qua tuổi 60. Nếu một năm, chúng ta chỉ gặp họ 1-2 lần thì ở độ tuổi của họ, liệu chúng ta còn có thể gặp họ thêm bao nhiêu lần nữa?
7. Sau khi tốt nghiệp, tình yêu trong sáng ít hơn rất nhiều
Mặc dù nhiều cặp đôi chia tay sau khi tốt nghiệp, nhưng điều này có liên quan gì đến việc tốt nghiệp không? Lý do đơn giản là có người muốn có người yêu mới thôi.
Nhưng không thể không thừa nhận rằng tình yêu tuổi học trò thường trong sáng và đơn thuần. Thích ai, crush ai thì theo đuổi người đó. Điều này sẽ thay đổi sau khi bạn ra trường. Lúc này, bạn cần cân nhắc đến nhiều yếu tố khác nữa như gia cảnh, nhà cửa, xe cộ, công việc… Thậm chí, tình yêu lúc này giống như chuyện của hai gia đình hơn chứ chẳng phải chuyện của riêng hai người nữa.
8. Vòng tròn xã hội rất quan trọng
Bạn có thể đang đánh giá thấp ảnh hưởng của vòng kết nối đối với bạn.
Khi tôi nói chuyện cùng đồng nghiệp, chúng tôi nói về công ty, xe cộ;
Khi tôi nói chuyện với bên bất động sản, chúng tôi nói về quan điểm mua nhà;
Khi tôi nói chuyện với các game thủ, chúng tôi nói về cách tung chiêu để ăn mạng cuối từ đối thủ;
Và khi tôi nói chuyện với người còn đi học, chúng tôi nói về tư duy, tủ sách, mục tiêu, thái độ và phản biện.
9. Nâng cao năng lực hành động
Cần cù bù thông minh. Ngay cả khi bạn không có được IQ siêu việt, nếu bạn làm tốt, bạn vẫn vượt qua 95% người còn lại.
Có bao nhiêu thứ đã thất bại vì sự trì hoãn của bạn? Bạn có phải tuýp người khổng lồ trong suy nghĩ nhưng lại là người lùn trong hành động không?
1 năm trước, tôi muốn nhảy việc nhưng chỉ thu thập được vài thông tin về công việc mới tôi đã nản. 2 ngày sau, tôi quên mất dự định này và tiếp tục sống vật vờ qua ngày.
1 năm sau, tôi bắt tay vào hành động thực sự. Tôi thu thập tài liệu, tìm kiếm thông tin, lên kế hoạch, bổ sung các kỹ năng mình còn thiếu và tôi đã tìm được công việc mới tốt hơn về mọi mặt.
Nguồn: Zhihu