"9 điểm, 3 môn": Vỗ tay đi, giấc mơ của Tuyết Dung, Công Phượng đấy!

Bảo Anh |

Việc chỉ cần bình quân 3 điểm/môn là đủ đỗ ngành sư phạm khiến nhiều người sốc nặng. Riêng các VĐV dự SEA Games 29 chỉ... cười duyên một cái rồi đi nhẹ ra chỗ khác.

Điểm số, nghĩ cho kỹ, cũng vô cùng. Nó còn tùy thuộc vào từng thời điểm, từng môi trường, từng cách đánh giá khác nhau. Ví dụ trong bóng đá, cứ mỗi trận đều được 3 điểm thì chắc chắn phải là siêu nhân.

Sự kiện các trường cao đẳng sư phạm tại Bắc Ninh, Lào Cai hay Hải Dương chọn đầu vào theo mức điểm chỉ bằng "3 trận thắng trong bóng đá" có thể là chuyện lạ. Tuy nhiên, lỗi có thể không hoàn toàn thuộc về phía nhà tuyển dụng.

Vì ngoại trừ các sân bóng đá tại Việt Nam là... không cần khán giả, ngôi trường nào cũng cần có sinh viên để đảm bảo một loạt các nhu cầu, cả dễ nhìn thấy lẫn khó giãi bày.

Thiếu sinh viên đăng ký: hạ điểm. Vẫn thiếu: hạ tiếp, miễn là hoàn thành chỉ tiêu. Mà không riêng ngành giáo dục, việc hoàn thành chỉ tiêu là cực kỳ quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là thể thao.

9 điểm, 3 môn: Vỗ tay đi, giấc mơ của Tuyết Dung, Công Phượng đấy! - Ảnh 1.

Kabaddi - môn thể thao từng được đưa vào thi đấu tại SEA Games.

Cứ mỗi dịp SEA Games, các quốc gia đăng cai lại nghĩ ra đủ trò để bảo đảm chỉ tiêu HCV. Năm thì đá cầu chinh, lặn chân vịt. Năm thì bổ sung Kabaddi. Năm thì thêm Chinlone. Để đủ chỉ tiêu VĐV tham gia tranh tài tại những môn "mới khai quật", nước đăng cai sẽ thi triển đủ các chiêu trò, bao gồm việc... chiêu sinh và đào tạo cấp tốc.

Không dừng lại ở hành động hạ tiêu chuẩn đầu vào thấp đến mức không thể thấp hơn - thế nên mới có chuyện một VĐV lặn chân vịt người Campuchia suýt... chết đuối trong sự hoảng hốt tột độ của tổ trọng tài cách đây vài năm, nước đăng cai còn điều chỉnh vô tội vạ luật chơi nhằm có lợi cho mình.

Tại SEA Games lần này, tình trạng "luật rừng" đương nhiên vẫn tiếp diễn. Sau khi tự ý chọn bảng ở môn bóng đá nam, Malaysia thấy vẫn chưa yên tâm nên quyết định tái cấu trúc lịch thi đấu của bảng còn lại. Môn bóng đá nữ thì không có trận chung kết như mọi bận. Lý do là đầu vào năm nay hơi kém, chỉ có 5 thí sinh nên tiến hành đá vòng tròn tính điểm cho tiện.

Mỗi đội được đá 4 trận. Sau 3 môn đầu tiên, đội nào đạt 9 điểm thì nhẹ cũng phải giành giải nhì, không là phải đỗ thủ khoa. Đoạt ngôi cao nhất, đó chính là mục tiêu của Tuyết Dung và các cô gái dưới quyền HLV Mai Đức Chung.

9 điểm, 3 môn: Vỗ tay đi, giấc mơ của Tuyết Dung, Công Phượng đấy! - Ảnh 2.

Tấm HCV SEA Games vẫn xa vời với bóng đá nam Việt Nam.

Với lứa Công Phượng ở môn bóng đá nam, 9 điểm từ 3 môn đầu tiên với Đông Timor, Campuchia và Philippines là nhiệm vụ bắt buộc nếu không muốn trượt vỏ chuối. Và để hoàn thành chỉ tiêu HCB mà VFF đề ra, đội U22 của Hữu Thắng phải giành thêm 2-3 điểm ở 2 lượt đấu cuối với Indonesia và Thái Lan, rồi 3 điểm nữa ở trận bán kết.

Bàn chuyện điểm giả đúng là chỉ tổ mệt đầu. Tại sao cứ phải đặt nặng vấn đề điểm số với bằng cấp khi mà Việt Nam lúc nào cũng dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông và số lượng giáo sư, tiến sĩ? Trong khi đó, có mỗi một tấm HCV bóng đá nam SEA Games thôi mà đợi mãi vẫn chẳng thấy đâu...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại