Có người từng bảo, cơ thể con người là một cỗ máy thực sự rất hoàn hảo. Từng bộ phận đều có chức năng riêng, tất cả phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, giúp chúng ta vượt qua những trở ngại trong cuộc sống hàng ngày.
Có điều khi soi vào gương, có lẽ bạn đôi lúc cũng phải tự hỏi về mục đích của một vài chi tiết trên cơ thể mình. Lông để làm gì? Nốt ruồi có tác dụng ra sao? Tại sao chúng lại tồn tại?
Nhưng nhắc lại lần nữa, mọi bộ phận trên cơ thể ít nhiều đều có chức năng của riêng mình.
1. Nốt ruồi
Tùy vị trí và kích thước, nốt ruồi có thể là một nét chấm phá đầy duyên dáng, nhưng cũng có thể trở thành thảm họa thẩm mỹ đối với chúng ta. Nhưng câu hỏi là, nốt ruồi có tác dụng gì?
Về mặt khoa học, nốt ruồi xuất hiện khi các tế bào da phát triển tập trung thành một nhóm, thay vì trải đều ra trên bề mặt. Đa số các trường hợp nốt ruồi không gây hại gì, tuy nhiên khoa học đã chỉ ra rằng những nốt ruồi mới xuất hiện có thể là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn trong cơ thể bạn, thậm chí liên quan đến ung thư.
Trong y học, theo dõi sự phát triển của nốt ruồi là biện pháp thường thấy để xác định khả năng ung thư da ngay từ giai đoạn đầu, qua đó tăng được tỷ lệ sống sót của bệnh nhân.
2. Lông nách
Với các loài động vật và loài người cổ xưa, bộ lông là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sinh tồn, nhằm bảo vệ cơ thể trước những thay đổi đột ngột từ môi trường. Qua thời gian, bộ lông ở loài người dần biến mất, duy chỉ một số bộ phận là vẫn còn - điển hình như nách.
Nếu là phụ nữ, bạn hẳn cảm thấy hết sức bức bối khi phải thường xuyên giải quyết "vio-lông" phần nách. Nhưng tại sao con người phải giữ lại túm lông này cơ chứ?
Lý do nằm ở hormone, mà cụ thể là pheromone - hóa chất thu hút cá thể khác giới. Các nhà khoa học đã xác định được rằng tuyến lông vùng nách có tác dụng tiết ra hóa chất này nhằm tăng nét quyến rũ để thu hút đối tác tiềm năng cho riêng họ.
3. Răng khôn
Qua 20 tuổi, nhiều người sẽ bắt đầu trải nghiệm cảm giác kinh khủng bậc nhất: mọc răng khôn. Tên là "khôn", nhưng chiếc răng này mọc chẳng khôn tý nào. Nó mọc đè vào chân những chiếc răng sẵn có, gây ra cảm giác đau đớn khôn xiết.
Nguồn gốc của những chiếc răng khôn lại đến từ thời xưa rất xưa, khi con người vẫn còn phải nhai những loại thực phẩm cứng như rễ cây, thịt tảng, hạt... và chưa có phương pháp bảo vệ răng cần thiết. Răng người xưa vì thế rất dễ bị tổn thương, và tạo hóa bù đắp lại cho họ bằng những chiếc răng khôn.
Hay nói cách khác, răng khôn có thể xem là răng dự phòng của mỗi chúng ta. Chỉ có điều khi xã hội tiến bộ, loài người cũng ăn uống chuẩn chỉnh hơn, khiến răng khó mà rụng được. Răng dự phòng thì vẫn mọc, vậy mới gây ra thảm cảnh mà nhiều người phải chịu đựng.
4. Lông mày
Nhắc đến lông mày, nhiều người đơn giản chỉ nghĩ mục đích tồn tại của nó là vì công dụng thẩm mỹ thôi. Nhưng thực ra, vai trò của lông mày lớn hơn như vậy.
Các chuyên gia cho biết, lông mày thường mọc hướng ra ngoài, với mục đích bảo vệ mắt khỏi mồ hôi và nước mưa, qua đó giữ cho thị lực của bạn luôn ổn định. Ngoài ra, cặp lông mày còn có tác dụng biểu hiện cảm xúc, trở thành công cụ quan trọng khi giao tiếp.
Theo một nghiên cứu vào năm 2003, lông mày là thứ hỗ trợ cho con người khi ghi nhớ khuôn mặt của người khác. Bởi lẽ, các ứng viên trong nghiên cứu chỉ nhận ra được 46% gương mặt họ nhìn thấy trước đó nếu gỡ bỏ đi lông mày.
5. Móng tay - móng chân
Vài ngày, chúng ta lại phải cắt móng tay, móng chân. Quả là phiền phức đúng không?
Nhưng nếu không có chúng thì bạn sẽ rắc rối to đấy. Các bộ móng có nhiệm vụ bảo vệ đầu ngón tay/ngón chân của chúng ta khỏi bị chấn thương. Ngoài ra, móng cho phép con người bám chắc hơn, cầm nắm mọi vật dễ dàng, và là công cụ rất tiện lợi khi cần... gãi.
Tình trạng của móng tay cũng có thể cho biết những gì bất ổn trong cơ thể bạn. Nếu móng tay xuất hiện những đường kẻ sọc, nứt nẻ, đổi màu... hãy đến gặp bác sĩ để có chẩn đoán chuẩn xác hơn về bản thân mình.
6. Lưỡi gà
Lưỡi gà là phần "thịt" có hình dạng giống giọt nước trong cổ họng. Mục đích của nó là để bạn uống nước một cách dễ dàng hơn, đồng thời điều khiển tốc độ phát âm nữa. Thử mất nó xem, bạn sẽ rắc rối to đấy.
7. Lông chân
Tương tự như lông nách, lông chân cũng là thứ khiến nhiều chị em phụ nữ cảm thấy bực mình. Tuy nhiên khác với lông nách, lông chân tồn tại chỉ đơn thuần là sản phẩm còn sót lại của quá trình tiến hóa thôi, với mục đích giữ ấm cho con người thời xưa.
8. Ruột thừa
Đã từ rất lâu rồi, ruột thừa (đoạn ruột nhỏ khu vực tiếp xúc giữa ruột non và ruột già) luôn bị xem là một thứ thừa thãi, bởi nó không phục vụ bất kỳ mục đích gì, mà nguy cơ viêm nhiễm lại cao.
Nhưng qua thời gian, khoa học dần có cái nhìn khác về khúc ruột thừa thãi ấy. Nhiệm vụ của nó là lưu trữ và bảo vệ đội quân lợi khuẩn, tạo thành khu vực dự trữ cho cơ thể trong trường hợp khẩn cấp. Chẳng hạn như khi bị tiêu chảy, vi khuẩn trong ruột thừa sẽ lập tức ra tay, giữ cho cơ thể bạn không quá nguy hiểm.
9. Tàn nhang
Tàn nhang luôn là một thảm họa về mặt thẩm mỹ. Nguyên nhân gây ra tàn nhang chủ yếu là do gene và do da tiếp xúc với Mặt trời.
Nhưng tại sao chúng lại xuất hiện? Thực ra đây là một cơ chế bảo vệ của da khỏi tác hại của tia UV từ Mặt trời, tương tự như cách chúng ta bị rám nắng. Nó giống như một lớp kem chống nắng tự nhiên vậy, dù... hơi xấu một tí.
Tham khảo: BS, VT.co