Cơ thể người là một bộ máy phức tạp, nhưng không hoàn hảo. Các cơ quan đều có chức năng riêng, phối hợp với nhau thành một cỗ máy nhịp nhàng, nhưng bên cạnh đó có những bộ phận chẳng ai hiểu tác dụng của chúng là gì.
Nói một cách chính xác, thì không phải lúc nào những bộ phận ấy cũng là vô dụng. Hầu hết đều có vai trò nhất định trong quá khứ, nhưng quá trình tiến hóa qua thời gian đã đào thải và khiến chúng trở nên thừa thãi vào ngày hôm nay.
Ví dụ như ruột thừa. Dù có nhiều nghiên cứu cho rằng ruột thừa là nơi dự trữ lợi khuẩn, nhưng tất cả đều chưa thể khẳng định. Chỉ biết rằng, quan niệm từ xưa đến nay đều xem đây là một bộ phận cực kỳ thừa thãi, dễ viêm nhiễm gây nguy hiểm nên thường bị cắt bỏ.
Và không chỉ có ruột thừa đâu. Chúng ta còn có 8 bộ phận khác cũng vô dụng không kém đâu.
1. Sợi cơ chỉ 10% dân số sở hữu
Trên cổ tay của chúng ta có một bộ phận rất kỳ lạ mà không phải ai cũng có đâu. Để kiểm chứng, hãy thử nắm ngửa tay ra và kéo căng phần cổ tay theo hình dưới đây xem bạn có bộ phận này không nhé!
Nó được gọi là "cơ gân tay" (palmaris longus) - sợi cơ kéo dài từ cổ tay hướng đến cùi chỏ. Và chỉ có khoảng 10% dân số "may mắn" sở hữu nó thôi.
Tuy nhiên đừng vui quá làm gì. Gọi là may mắn vì nó hiếm thôi, chứ thực ra đây là sợi cơ chẳng mang lại tác dụng gì cho cơ thể bạn cả. Theo Dorsa Amir - chuyên gia nhân chủng học tại ĐH Boston, sợi cơ này là những gì còn sót lại từ quá khứ, khi tổ tiên chúng ta sử dụng chi trước để leo trèo.
Tuy nhiên ngày nay, có hay không có bộ phận này cũng không khiến lực nắm hay cơ bắp của chúng ta yếu đi. Nói cách khác, ngoài việc là bằng chứng củng cố thuyết tiến hóa của Darwin, bộ phận này... vô dụng.
2. Răng khôn - chiếc răng gây hận thù
Biết bao người ngày nay phải khổ sở vì răng khôn - những chiếc răng cuối mọc ra sau tuổi trưởng thành. Chúng mọc xen vào hàm răng vốn đã không mấy chuẩn chỉnh của bạn, gây đau đớn vô kể.
Nhưng lý do chúng tồn tại là gì? Thực ra, đây cũng lại là sản phẩm lỗi của quá trình tiến hóa thôi.
Thời xa xưa, con người cần đến một bộ hàm to lớn để xử lý các loại thực phẩm trong tự nhiên, và vì thế cần nhiều răng hơn. Nhưng dần dần, loài người chuyển hướng sang các loại thực phẩm mềm hơn, được nấu chín, nên hàm cũng nhỏ hơn và không thể chứa hết được toàn bộ số răng có khả năng mọc ra.
Đó cũng là nguồn gốc của răng khôn. Vô dụng kinh khủng, nhưng vẫn tồn tại.
3. Nổi da gà
Phản ứng nổi da gà của chúng ta là do những sợi cơ mang tên Arrector pili. Khi những sợi cơ này co lại, làn da sẽ có những nốt nhỏ nổi lên, lông tóc cũng theo đó mà dựng đứng.
Thời xưa, khi con người sở hữu rất nhiều lông tóc trên cơ thể thì đây là một phản ứng cần thiết cho sinh tồn. Nhờ nó mà cơ thể được giữ ấm, lại tạo ra được ảo thị khiến cơ thể to lớn hơn trong mắt kẻ thù.
Nhưng với việc ngày nay lông tóc đã không còn dày, thì đây chỉ còn là những sợi cơ vô dụng, thi thoảng tạo ra cảm giác "nổi da gà" thôi.
4. Xương cụt
Ngoài việc là bằng chứng cho thấy con người từng... có đuôi, thì xương cụt quả thực cũng chẳng có ý nghĩa gì trong cơ thể của chúng ta cả.
Thực chất thai nhi có hình thành đuôi vào giai đoạn 5 - 6 tuần tuổi, nhưng sau đó biến mất, để lại xương cụt.
Trong quá khứ, đuôi là thứ giúp tổ tiên của chúng ta giữ thăng bằng và cải thiện khả năng di chuyển. Tuy nhiên khi con người bắt đầu đi lại bằng 2 chân, chiếc đuôi cũng biến mất luôn vì nó không còn trợ giúp gì cho cơ thể được nữa.
5. Ngọ nguậy tai - chỉ 15% sở hữu
Bạn có thể cử động tai không? Chỉ có khoảng 15% dân số thế giới có khả năng này mà thôi.
Nhưng không làm được cũng chẳng có gì đáng buồn, vì đây cũng chỉ là một trong những chức năng vô dụng khác trên cơ thể thôi.
Việc cử động tai của bạn phụ thuộc vào một nhóm cơ tên Auricular. Đây là phần cơ phía ngoài tai. Trước kia, nó đóng vai trò xoay và điều chỉnh đôi tai để tập trung thính giác về phía những âm thanh đặc biệt - giống như loài mèo thường vểnh tai để nghe mồi.
Nhưng Amir cho biết kể từ khi chúng ta có cơ cổ linh hoạt hơn, thì bó cơ này cũng không còn tác dụng gì nữa.
6. Nhóm cơ vô dụng, chỉ 20% sở hữu
Đó là nhóm cơ hình tháp (pyramidalis muscle) có dạng tam giác, nằm ở phía bụng dưới. Không phải ai cũng có bó cơ này. Người có 2 cơ, người có 1, người chẳng có. Nhưng dù sao cũng không quan trọng, vì nó không có tác dụng gì.
Về cơ bản, chẳng ai biết mục đích tồn tại của bó cơ này, kể cả các nhà sinh học tiến hóa.
7. Núm vú của nam giới
Trong giai đoạn thai nhi, nam hay nữ đều có quá trình phát triển giống nhau. Rồi testosterone xuất hiện tùy theo nhiễm sắc thể, khiến bộ phận sinh dục phát triển khác biệt, và nhờ vậy chúng ta mới có 2 giới tính nam và nữ.
Nhưng trước giai đoạn này, núm vú đã hình thành rồi. Với phụ nữ, chiếc núm sau này sẽ là công cụ để nuôi con. Còn với nam giới, chẳng ai hiểu nó có tác dụng gì.
8. Mí mắt thứ 3
Trong mắt của chúng ta có một vùng màu đỏ trên khoé mắt. Nó được gọi là "nhú tuyến lệ" - một sản phẩm vô dụng khác còn sót lại trong quá trình tiến hóa.
Theo Amir, nhú tuyến lệ là dấu vết của mí mắt thứ 3. Với các loài động vật như chim, bò sát và một số loài thú, mí mắt thứ 3 có khả năng bao trùm cả lên mắt, giúp chúng giữ ẩm và loại bỏ bụi. Nhưng với con người thì chức năng này đã biến mất, chỉ còn một ít dấu vết mà thôi.
9. Lỗ tai siêu hiếm, chỉ 1% có
Hãy ra gương và thử ngắm nghía đôi tai của mình xem, nếu phát hiện một lỗ nhỏ ở vành tai thì xin chúc mừng, bạn là một trong 1- 10% người trên thế giới sở hữu điểm đặc biệt này.
Rò luân nhĩ thường xuất hiện ở những người gốc châu Á hoặc Phi.
Theo các chuyên gia, lỗ nhỏ ở vành tai này có tên khoa học là rò luân nhĩ (preauricular sinus). Đây là một dị tật bẩm sinh, thường xảy ra ở tuần thứ 6 của bào thai, tạo một lỗ nhỏ vùng trước vành tai đi sâu vào trong để bám vào màng sụn.
Các hồ sơ hóa thạch cho thấy, tai người phát triển từ cấu trúc tương tự như mang cá. Trong giai đoạn phát triển ban đầu, phôi thai người và cá tồn tại cấu trúc gọi là vòm họng.
Nếu ở cá, các biến thể biến thành mang thì ở người, chúng phát triển thành tai. Tuy nhiên, đôi khi các yếu tố không thực đan xen lại với nhau, tạo thành lỗ nhỏ vùng vành tai.
Tham khảo: Science Alert, Business Insider