Kiếm tiền từ nghề đi rừng
Những ngày này, anh Lê Thành (sinh năm 1982, TP Hạ Long, Quảng Ninh) tất bật vào rừng để thực hiện công việc tìm kiếm đặc sản tự nhiên. 3 khu rừng anh thường đặt chân đến là Ba Chẽ, Kỳ Thượng và Bình Liêu.
Trong số đó, con đường từ nhà anh Thành đến rừng Kỳ Thượng là khó khăn nhất với nhiều đường núi quanh co, để đến vào được cửa rừng cần mất khoảng 2 tiếng.
Tâm sự về công việc thú vị này, anh kể: "Mình ra khỏi nhà lúc 5h sáng để bắt đầu công việc lang thang đi tìm đặc sản theo mùa đến 4h chiều sẽ trở về. Đặc sản chủ yếu mình tìm kiếm ở đây là mật ong thì cần đi quãng đường dài và cần nhiều sự may mắn. Với các loại nấm, nho rừng..., nhờ kinh nghiệm 6 năm đi rừng nên mình nhớ được địa điểm nào có và căn thời điểm để đi tới".
Công việc chính từ nghề đi rừng của anh Thành là săn mật ong.
Ngoài mật ong rừng, anh Thành tìm nhặt thêm nấm linh chi rừng, nấm lim rừng, nho rừng, na rừng, quả máu chó, trám rừng, nấm ngọc cẩu, nấm đỏ... Tất cả các loại đặc sản rừng này đều chỉ có theo mùa, riêng nấm chỉ đặc biệt tốt khi khai thác từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch, qua quãng thời gian này, anh cũng không lấy chúng nữa.
Đi rừng từ sáng sớm đến chiều, bữa trưa của anh Thành thường là cơm nắm, lương khô, bánh mỳ hay mỳ tôm. Dọc đường đôi khi anh cũng may mắn được "tráng miệng" nhiều hoa quả rừng.
Sau khi thu hoạch những thứ mật ngon, quả lạ, anh Thành thường về bán lại cho người dân quanh hoặc đăng tải lên mạng xã hội cho bạn bè khắp nơi có nhu cầu.
Với mật ong rừng, anh bán khoảng 500 nghìn đồng mỗi lít nhưng bên cạnh những ngày may mắn nhặt được tổ mật lớn khoảng 15kg thì cũng có những ngày anh trở về tay không.
Một số loại đặc sản anh Thành thu hoạch được trong các chuyến xuyên rừng.
Với 8x này, dù công việc vất vả, phải lặn lội đường rừng cả ngày nhưng những trải nghiệm mang đến lại vô cùng quý giá. Mỗi ngày anh đều có những "thu hoạch" rất khác nhau và cũng chẳng thế quên được việc vắt, ong đốt như... cơm bữa những khi cả đàn ông đuổi theo phải chạy trốn, lao cả xuống suối như trong phim... Thỉnh thoảng, anh tổ tức tour 0 đồng để các bạn có nhu cầu có thể trải nghiệm thực tế cùng mình đi rừng lấy mật.
Đưa khách leo núi "chữa lành"
Năm 2016, anh Thành mở tour đưa khách đi trekking các đỉnh núi. Công việc này giúp anh có cơ hội khám phá thường xuyên 15 đỉnh núi cao của nước ta như: Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Pu Ta Leng, Lùng Cúng, Ngũ Chỉ Sơn... Thời điểm thích hợp nhất để leo núi từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm khi thời tiết mát mẻ, khô ráo.
Anh Thành và vợ trong một cung leo núi.
Mỗi tháng, anh Thành tự tổ chức 4 tour trekking và trực tiếp dẫn đoàn, đồng hành cùng khách hàng. Mỗi cung đường, anh và các bạn đồng hành sẽ có 1 hành trình dài từ chân núi lên đỉnh, đi bộ xuyên rừng khoảng 8-10km/ngày để thả lỏng, thư giãn, cảm nhận và hưởng thụ.
Anh Thành bộc bạch: "Bắt nguồn từ đam mê của bản thân nên mình tổ chức hoạt động này. Khi chúng ta kết nối thực sự với thiên nhiên thông qua mọi giác quan, thật sự hoà mình vào mẹ thiên nhiên về thể xác lẫn tâm hồn sẽ nhận lại sự cân bằng, mở ra nguồn cảm hứng và tạo ra năng lượng tích cực. Yếu tố "chữa lành" với mình là như vậy, chỉ đơn giản là "bình tĩnh sống".
Công việc này giúp anh Thành có thêm nhiều người bạn mới. Anh hài hước nói thêm, còn thu nhập mang lại từ nó đủ để các "khách hàng" luôn coi mình là bạn.
Thêm một số hình ảnh trên cung đường leo núi của anh và những người bạn đồng hành.
Ảnh: NVCC