Vừa qua, trong một chương trình xoay quanh chủ đề quấy rối tình dục trên CNN, tiến sĩ – bác sĩ Rachel Jewkes, giám đốc chương trình toàn cầu về ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và bé gái "What Works to Prevent Violence Against Women and Girls", đã cảnh báo về nạn lạm dụng tình dục đã trở nên quá phổ biến tại nhiều quốc gia.
Biểu đồ tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối tại một số quốc gia châu Á - ảnh: CNN
Trong các số liệu bà Jewkes đưa ra, Ai Cập và Papua New Guinea có tỉ lệ phụ nữ bị quấy rối đáng giật mình nhất, lần lượt là 99% và 90%. Luật pháp nới lỏng đối với tội phạm tình dục là một trong những nguyên nhân chính.
Châu Á cũng là một "điểm nóng" của nạn quấy rối tình dục. Bà Jewkes cho rằng các quy tắc xã hội của hầu hết các quốc gia tại khu vực này vô tình cho phép nam giới chiếm thế thượng phong ở hầu hết các không gian xã hội và tự cảm thấy có quyền sở hữu quá cao đối với mọi thứ.
Đường phố trở nên không còn an toàn với các cô gái và điều này khiến xã hội càng mặc nhiên quan niệm chỗ của phụ nữ là trong nhà.
Khảo sát tại một số quốc gia châu Á cho thấy tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối dưới các hình thức – từ lời nói khiếm nhã đến hành vi hiếp dâm – là rất cao. Cụ thể, ở Việt Nam, tỉ lệ này là 87%, Ấn Độ là 79%, Campuchia là 77%, Bangladesh là 57%.
Tình hình ở Châu Phi cũng không khả quan. Khảo sát tại khu vực Nam Phi, có đến 3/4 phụ nữ cho biết mình từng bị quấy rối. Trong khi đó, quốc gia Mỹ La tinh là Brazil cũng là điểm nóng với 86% phụ nữ than phiền về nạn quấy rối.
Các quốc gia phát triển tình hình có vẻ khá hơn, nhưng vẫn là các con số đáng xấu hổ. Ở Mỹ, tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối ở nơi công cộng lên đến 65%, trong khi ở Anh là 64%.
Nhiều quốc gia châu Âu cũng nằm trong "danh sách đen, ví dụ như 52% đối với Đan Mạch, ở Phần Lan là 47%, Thụy Điển 46%, Pháp là 44%.
Biểu đồ nạn quấy rối tình dục tại Châu Âu, với màu đậm hơn cho tỉ lệ cao hơn - ảnh: CNN
Cũng bình luận về chủ đề này trên CNN, bà Yeliz Osman, Điều phối viên Chương trình An toàn phụ nữ của Liên Hiệp Quốc tại Mexico, cho biết ở nhiều nơi bà đến, cảnh sát và người xung quanh thậm chí cười phá lên khi một phụ nữ cố cầu cứu vì bị quấy rối.
Các chuyên gia tham gia tọa đàm cùng CNN đều cho rằng quấy rối tình dục đã thành "vấn đề toàn cầu". Để ngăn chặn nó, cách duy nhất là sự phân phối quyền lợi giữa hai giới cũng như nhận thức của nam giới cần được thay đổi.
Quấy rối tình dục được định nghĩa gồm nhiều hành vi tình dục không được đồng thuận ở mức độ từ nhẹ đến nặng, ví dụ như các lời nói khiếm nhã, khiêu khích, hành vi đụng chạm vào cơ thể... cho đến nghiêm trọng nhất là hiếp dâm.
A. Thư (Theo CNN)