8 tiếng nằm lạnh lẽo trong nhà xác và tiếng khóc thay đổi cuộc đời cô gái Quảng Trị

Trần Trà My |

Chúng ta sinh ra không một ai có quyền được chọn lựa số phận. Nhưng chúng ta sẽ có quyền chọn lựa một thái độ sống và có cách nhìn tích cực trước những biến cố cuộc đời.

Chương trình Điều ước thứ 7 vừa qua chia sẻ câu chuyện về gia đình diễn viên kiêm đạo diễn Quốc Tuấn đã khiến hàng triệu khán giả rơi nước mắt cảm phục về hành trình 15 năm chiến đấu cùng bệnh tật với cậu con trai duy nhất của mình.

Và chắc hẳn "cuộc hành trình" ấy – với những cha mẹ nào đã không may sinh ra những đứa con kém may mắn như chúng tôi (tức Bôm, tôi và hơn bảy triệu người khuyết tật tại Việt Nam) mới thấu hiểu đến tận xương tủy những nỗi đau xé lòng...

Vậy nên sáng thứ 7 đó sau khi xem xong chương trình Điều ước thứ 7, đúng lúc tôi gọi điện về cho ba tôi, thì ông đã vội chia sẻ ngay với tôi rằng: "Sáng nay ba mới coi chương trình Điều ước thứ 7 chia sẻ về câu chuyện cha con diễn viên Quốc Tuấn."

Nghe đến đó tự nhiên tôi thấy nghẹn nghẹn ở trong lòng vì tối trước đó tôi có đọc một bài báo chia sẻ về câu chuyện này. Và có lẽ hơn ai hết, ba tôi là người thấu hiểu những nỗi đau cùng diễn viên Quốc Tuấn từ quá khứ khi không may sinh ra một đứa con như vậy.

Một đứa trẻ mới ba tháng tuổi đã phải nằm lạnh lẽo trong nhà xác chỉ vì sự sơ xuất của bác sĩ, còn đôi vợ chồng trẻ ngồi trơ trọi ở ngoài nhà xác, đau điếng người không hiểu điều gì đã xảy ra với con mình.

Sau 8 giờ đồng hồ nằm lạnh lẽo trong nhà xác thì đứa bé đó đã khóc ré lên, tiếng khóc xé ngang không gian đau khổ của đôi vợ chồng trẻ. Và tiếng khóc ấy cũng báo hiệu một cuộc sống đầy chông gai của gia đình họ.

Niềm vui sướng không trọn vẹn khi chứng kiến con mình chỉ nằm một chỗ, người mềm như cọng bún, bởi vì hệ thần kinh vận động của tôi bị tổn thương rất nặng. Chỉ nằm một chỗ, ăn cơm phải xay ra và cho vào cổ họng tôi mới nuốt được.

8 tiếng nằm lạnh lẽo trong nhà xác và tiếng khóc thay đổi cuộc đời cô gái Quảng Trị - Ảnh 1.

Nhà văn trẻ Trần Trà My đã trải qua những năm tháng ấu thơ đầy khó nhọc nhưng bên cạnh cô luôn có sự chăm sóc, cổ vũ của gia đình.

Khoảng 4,5 tuổi tôi vẫn cứ nằm, như may sao não tôi không chết hẳn, vẫn biết đi vệ sinh, vẫn biết nói chuyện dù không nói rõ, biết coi đồng hồ, đọc thơ, đánh vần chữ cái tên người thân, vẫn thích chơi đồ hàng như bao đứa trẻ, thậm chí còn phá hết đồ chơi ba mua về. 

Đơn giản là tôi chỉ muốn khám phá thế giới, dù lúc đó thế giới của tôi chỉ vẻn vẹn trên chiếc giường gỗ mà thôi.

Cứ vậy tôi lớn lên ở hai thái cực khác nhau, một bên mẹ tôi đối xử với tôi theo kiểu truyền thống, nghĩa là sinh ra nó như vậy thì đành chấp nhận nuôi nó suốt đời, không hơn không kém. 

Còn ba tôi thì ngược lại, dù công việc tài xế buôn ba khắp nơi những hễ ở đâu có thầy hoặc bác sĩ giỏi là đều tìm cách đưa tôi đến chữa, ở đâu thấy người ta sử dụng dụng cụ phục hồi chức năng hay là chạy đến xin chụp hình mẫu, về ba sẽ tự tay làm y chang như vậy để tập vật lý trị liệu cho tôi.

Mỗi lần đi công tác thấy đồ chơi gì hay là nhất quyết phải mua về cho con dù có mắc tiền cỡ nào. Mọi người hay cho tôi là thông minh dù không đi học đã biết chữ nhưng ít ai biết rằng từ nhỏ tôi đã được ba mua cho những bộ đồ chơi thông minh, xếp hình, xếp chữ cái, làm toán. 

Vậy nên khi em gái tôi đi học lớp một, nó về dạy lại là tôi nhớ liền. Bởi đơn gian thời gian vàng cho bộ não con người phát triển sẽ rơi vào độ tuổi từ 0 cho tới 7 tuổi. Và tôi may mắn được tiếp xúc với từ ngữ trong khoảng thời gian đó.

8 tiếng nằm lạnh lẽo trong nhà xác và tiếng khóc thay đổi cuộc đời cô gái Quảng Trị - Ảnh 2.

Ba của Trà My luôn nỗ lực giúp chị sống như một đứa trẻ bình thường.

Lớn hơn một chút khi tôi biết đọc thì mỗi lần ba tôi đi công tác lại mua cho tôi rất nhiều cuốn sách, hay tới nhà ai thấy có sách báo cũ là ba lại xin về cho tôi đọc. Tôi được đối xử công bằng như bao đứa trẻ bình thường khác, chứ ba không hề bỏ xó tôi nơi góc nhà, đi đâu chơi cũng bế tôi theo và chỉ cho tôi biết thế giới bên ngoài ra sao.

Dù lúc ấy, nhà tôi có thêm ba đứa em nhỏ, hai trai và một gái. Chúng rất bình thường và hễ em gái tôi có cái gì là tôi cũng có cái đó, những bộ đầm váy đẹp, giày dép, kẹp tóc, vòng đeo tay, đeo cổ đều được ba tôi mua giống nhau để về hai chị em làm điệu.

Thậm chí, dù lúc ấy miệng lưỡi thiên hạ đã nói với ba mẹ tôi rằng sẽ phải nuôi tôi suốt đời, khi cha mẹ nằm xuống thì liệu anh, em nó có nuôi nổi không? Hay có người còn độc miệng bảo: "Kiếp trước ăn ở thế nào mà kiếp này sinh ra nó vậy?"

Nhưng với ba tôi, ông luôn coi tôi là một đứa con gái bình thường. Tôi cũng bị la mắng mỗi khi làm điều gì sai và đặc biệt ông sẽ không cho phép bất kỳ ai xem thường hay thương hại đứa con gái đặc biệt này, dạy nó phải tự đứng trên đôi chân của chính mình và dạy nó sự gan lì ngay từ nhỏ.

Đến mức giờ đây ba tôi vẫn nhắc khéo chuyện chồng con của tôi và những lúc như vậy mẹ tôi sẽ phản đối và bảo tôi như vậy sao lấy chồng sinh con được. Nhưng với một người cha dũng cảm như ba tôi thì chắc chắn tôi sẽ làm được tất cả.

8 tiếng nằm lạnh lẽo trong nhà xác và tiếng khóc thay đổi cuộc đời cô gái Quảng Trị - Ảnh 3.

Bôm và tôi chỉ là số ít những đứa trẻ may mắn có được người cha dũng cảm

Chúng ta sinh ra không một ai có quyền được chọn lựa số phận. Nhưng chúng ta sẽ có quyền chọn lựa một thái độ sống và có cách nhìn tích cực trước những biến cố cuộc đời. 

Có thể tôi và em Bôm là những đứa trẻ may mắn có được những người cha dũng cảm để cùng con chiến đấu với bệnh tật, chiến đấu với sự kỳ thị khinh rẻ của xã hội.

Nhưng có những người cha, người mẹ đã bỏ rơi con mình khi nhìn thấy một hình hài không trọn vẹn hoặc nuôi cho nó lớn lên theo kiểu "cục nợ từ kiếp trước" nên kiếp này phải trả. 

Việt Nam có hàng triệu gia đình không may sinh ra những đứa con khuyết tật và trong đó đã có những người thành tài như diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, doanh nhân Nguyễn Thị Thảo Vân, nhạc sĩ Hà Chương, hiệp sĩ CNTT Khúc Hải Vân… Họ đã thành công và tạo rất rất nhiều giá trị cho đất nước và còn lan tỏa ra thế giới.

Vậy nhưng, tôi chứng kiến có nhiều hoàn cảnh mà họ không những đáng thương về thể xác mà còn đáng thương về tinh thần, họ bị bao bọc đến mức đâm ra ỷ lại, mặc dù những khiếm khuyết của họ chẳng đáng là bao.

Tôi từng chứng kiến cảnh một cô gái chỉ bị khuyết tật nhẹ ở tay nhưng bị ông bố cấm thi đại học vì sợ người như vậy khó xin việc làm

Hay thậm chí cạnh nhà tôi ở quê có một gia đình khá giả cũng không may sinh ra một đứa con trai bị sốt bại liệt khiến người co rút nên đi đứng nói năng khó khăn. Tuy nhiên giờ đã hơn 40 tuổi, nhưng thế giới của anh ấy chỉ thu lại bên chiếc máy tính để chơi game, dù tư duy của anh rất bình thường.

Tất cả chỉ tại bố mẹ đã cho anh một thái độ khác, sự chăm sóc quá đà và họ bám chặt với ý nghĩ cái số vậy đành phải chịu!

8 tiếng nằm lạnh lẽo trong nhà xác và tiếng khóc thay đổi cuộc đời cô gái Quảng Trị - Ảnh 4.

Hình ảnh hiện tại của chị Trà My - một người phụ nữ mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống, công việc.

Thú thật chúng tôi sẽ là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội nếu như những người tạo ra chúng tôi biến chúng tôi thành gánh nặng, thành cục nợ ôm vác cả đời.

Bôm tương lai sẽ là một nghệ sĩ chơi đàn nổi tiếng vì từ bé chú Quốc Tuấn đã để em tiếp xúc với âm nhạc, Bôm đã được cha dạy không bao giờ bỏ cuộc, chỉ tập trung vào từng phím đàn và bỏ mặc tất cả mọi thứ xung quanh.

Cũng như cha tôi ngày xưa luôn dạy tôi sự gan lì dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Và qua bài viết này đã phần nào lý giải vì sao một cô gái khuyết tật như tôi dám một mình sống ở Sài Gòn bởi từ nhỏ tôi đã được dạy rằng: "Nếu làm một người đàng hoàng tử tế thì con không việc gì phải sợ ai."

Đó là câu mà từ bé ba tôi vẫn hay răn dạy. Và cứ thế tôi lớn lên bằng một niềm tin bất diệt dù thế nào cũng phải làm một con người Tử Tế…!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại