Đó là chia sẻ của anh Minh, một môi giới đất nền tự do sống tại Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM). Kể về giao dịch đất nền mới đây của mình, anh Minh tỏ ra xúc động khi nhớ về ngày hôm đó. Theo môi giới này, đó là một ngày đặc biệt. Trước ngày đi gặp khách hàng để chốt cọc, anh gần như không ngủ được. Anh “cầu trời, khấn phật” mong rằng khách hàng không đổi ý. Chỉ khi cầm tiền cọc trên tay anh mới tin đó là sự thật.
Theo cách chia sẻ của anh Minh, suốt 8 tháng qua, dù tìm đủ mọi cách để kiếm khách hàng và kiên trì với nghề nhưng không có kết quả. Anh gần như chán nản nhưng không thể bỏ nghề vì không biết kiếm việc gì phù hợp ở thời điểm khó khăn. Vì thế, khi có giao dịch, anh vừa xúc động, vừa có động lực để tiếp tục với nghề môi giới.
Trường hợp của anh H, là môi giới kiêm nhà đầu tư bất động sản cũng tương tự. Sau nửa năm không có giao dịch, anh đã nghỉ nghề đi tìm công việc thay thế. Thế nhưng, mới đây có khách đầu tư quen liên hệ đi xem mảnh đất trước đó anh rao bán. Sau nhiều lần đi xem các mảnh đất của môi giới khác, nhà đầu tư này tìm đến anh H và đồng ý cọc 30 triệu chốt nền đất giá 2.5 tỉ đồng/54m2 tại Tp.Thủ Đức. Quá bất ngờ, anh H quyết định trở lại nghề cũ bằng hành động liên tục đăng tải các thông tin bất động sản rao bán. Trong đó, đa phần là các bất động sản ngộp.
Thực tế cho thấy, không ít môi giới bất động sản vì không có giao dịch trong thời gian dài đã tỏ ra chán nản, bỏ nghề hoặc tạm nghỉ nghề. Những giao dịch xuất hiện trong thời điểm này được xem là “của hiếm”, tạo động lực khá lớn cho những môi giới yêu nghề tiếp tục trụ lại với thị trường.
Ghi nhận cho thấy, khá nhiều môi giới đất nền đang tìm mọi cách sống được qua mùa khó. Họ có thể linh hoạt đi làm công việc khác, hoặc chuyển sang mảng môi giới cho thuê. Mục đích của các môi giới là chờ thị trường bất động phục hồi, tiếp tục nghề của mình. Thế nhưng, khó khăn của thị trường đang “đe doạ” đến miếng cơm manh áo hàng ngày của các môi giới. Nhiều môi giới bất động sản không có thu nhập nhiều tháng, đi vay mượn bạn bè để trang trải các chi phí cuộc sống. Điều này dẫn đến việc các môi giới tự nghỉ hoặc bị thị trường đào thải.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời kỳ thị trường bất động sản sôi động, đặc biệt giai đoạn “sốt” đất đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng. Việc kiếm tiền có phần dễ dàng nên nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới bất động sản. Nhân sự ngành môi giới tăng nhanh và nhiều cũng không hẳn là tốt, thiếu đi tính chuyên nghiệp và không qua những khóa đào tạo bài bản.
Khi thị trường trầm lắng, khó khăn, ngành bất động sản có biến động lớn thì một bộ phận môi giới không trụ được nghỉ việc, bỏ nghề. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự, các đơn vị tuyển dụng có những kế hoạch dài hơi, bài bản hơn.