8 học sinh gặp nạn sinh sống cùng tuyến phố
Chiều 21/3, tại bãi Thịnh Minh, thuộc sông Đà, phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 8 học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở Hữu Nghị tử vong.
Tất cả các học sinh gặp nạn đều sinh sống dọc hai bên phố Phạm Hồng Thái thuộc phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình.
Đêm cùng ngày, có mặt tại phường Hữu Nghị, không khí tang thương bao trùm dọc tuyến phố Phạm Hồng Thái.
Nhiều cụ cao niên sinh sống ở đây nói rằng, đã mấy chục năm qua chưa bao giờ phường lại chịu cảnh đau đớn, tang thương đến vậy.
Tất cả các em mất chiều nay đều là những học sinh chăm ngoan, học giỏi là niềm hi vọng của gia đình, khu phố và phường Hữu Nghị.
Theo chia sẻ của nhiều học sinh đang theo học tại trường Tiểu học và Trung học Hữu Nghị thời điểm gặp nạn có tất cả 10 học sinh ra bãi Thịnh Minh chơi và tắm, 2 em may mắn thoát nạn.
Sự việc khiến cho nhiều học sinh trên địa bàn phường Hữu Nghị sợ hãi, các em nói rằng từ nay trở đi sẽ không dám ra bãi sông Đà tắm nữa.
Là 1 trong 2 học sinh thoát nạn sau vụ việc, em Sa Đinh H. (học sinh theo học khối Tiểu học trường Hữu Nghị) cho biết: Vào chiều nay (21/3), khi đang ở nhà chơi thì một nhóm 9 bạn khác đang theo học tại trường Hữu Nghị rủ nhau ra khu vực bãi Thịnh Minh để tắm và đá bóng.
Đến khoảng 15h, khi cả nhóm đá bóng mệt thì xuống sông Đà tắm và mang theo quả bóng xuống sông để chơi đùa. Trong lúc đang tắm, quả bóng bị trôi ra xa cách bờ khoảng gần 10 mét nên một học sinh lớn tuổi trong nhóm đã bơi ra để lấy bóng.
Trong lúc ra lấy bóng nam sinh này đuối nước và kêu cứu. Thấy vậy, những học sinh khác cùng bơi ra để cứu nhưng bị đuối nước.
"Lúc đó, cháu và bạn khác tên L. (học lớp 6, khối trung học trường Hữu Nghị) cũng bị đuối nhưng cả 2 cố gắng vùng vẫy rồi bơi được vào bờ.
Vào đến bờ cháu chạy đi gọi người cứu còn bạn L. lấy điện thoại về cho gia đình. Khi người lớn đến thì mấy bạn đi cùng đều đã mất...", em H. sợ hãi kể.
Theo trí nhớ của H., sự việc xảy ra quá nhanh và những học sinh đang tắm dưới sông không kịp phản ứng gì.
Thời điểm trước khi xuống tắm, nước sông Đà tại bãi Thịnh Minh rất trong và yên ắng vì đập thuỷ địện không xả nước.
Khi xảy ra sự việc, tại khu vực bãi Thịnh Minh không có người lớn. Cách đây một thời gian, H. và nhiều học sinh khác đang sinh sống tại phố Phạm Hồng Thái cũng đã ra bãi Thịnh Minh để tắm và đá bóng.
Ngày hôm nay (21/3) trời bắt đầu nắng nóng thấy bãi Thịnh Minh nước trong và nông nên cả nhóm mới rủ nhau ra đây đá bóng rồi tắm.
Bãi tắm Thịnh Minh thường có dòng nước xoáy
Chị Đinh Thị Vân (sinh sống tại phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình) chia sẻ: Hầu như năm nào dọc hai bên bờ sông Đà cũng có người đuối nước nhưng trong vòng mấy chục năm qua chưa có vụ nào thương tâm như chiều nay (21/3).
Chị Đinh Thị Vân chia sẻ với PV.
Theo chia sẻ của chị Vân, nhà chị nằm ngay cạnh chân đê sông Đà, bần bãi sông Thịnh Minh.
Chị nhận xét, bãi sông Thịnh Minh là bãi đẹp, nước trong không quá sâu nên vào mùa hè có rất nhiều người ra đây tắm. Tại khu vực cũng có biển cảnh báo tắm sông nguy hiểm nhưng cách đây một thời gian đã bị nước cuốn trôi.
"Tôi và nhiều người lớn khác khi đến mùa hè cũng ra bãi Thịnh Minh để tắm, bơi.
Thậm chí nhiều người còn đưa con nhỏ ra tập bơi. Bãi tắm này nước trong nhưng lại thường xuyên có dòng nước xoáy nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm đặc biệt là với trẻ nhỏ...", chị Vân kể.
Ngay trong đêm 21/3, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em đã có mặt tại TP Hoà Bình và đi từng nhà các nạn nhân gửi lời hỏi thăm, động viên gia đình.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em gửi lời chia buồn, động viên đến gia đình các học sinh gặp nạn.
Chia sẻ với PV vào khuya cùng ngày sau khi đi thăm hỏi gia đình các nạn nhân, ông Nam cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Trẻ em đã ủy quyền cho ông cùng một số thành viên xuống chia buồn, động viên gia đình các học sinh gặp nạn.
Theo ông Nam: Đây là một vụ đuối nước rất tang thương và là bài học chua xót. Tất cả các gia đình, nhà trường, cộng đồng nhất là các cơ quan quản lý nhà nước khác phải nhìn thấy trách nhiệm của mình trong vụ việc đau lòng này.
"Chúng tôi cũng khuyến nghị cần tăng cường hơn nữa việc truyền thông, nhắc nhở thường xuyên các cháu trong mỗi giờ học, mỗi giờ sinh hoạt chào cờ nhất là các vùng ven sông nước các em cần tuyệt đối tránh đi tắm, đi bơi ở các vùng nước nguy hiểm.
Tất cả nhà trường và gia đình cần tích cực giám sát các cháu hơn nữa để xem các học sinh đang ở đâu vào mỗi ngày nghỉ...", ông Nam nói.
Khu vực các học sinh gặp nạn.
Vị Cục trưởng Cục trẻ em cho hay, tại nhà trường, địa phương cần triển khai việc dạy bơi và kĩ năng an toàn dưới nước cho học sinh.
Trong số các nạn nhân gặp nạn hôm nay cũng có những cháu trước đây đã từng đi bơi ở các khu vực có bể bơi nhưng do thiếu các kĩ năng về an toàn nên đã tắm ở vùng nước xoáy nguy hiểm, tai họa xảy ra.
Những nắm hương được thắp vội bên bờ sông Đà nơi 8 học sinh gặp nạn tử vong.
"Tôi kêu gọi các địa phương không chỉ riêng tỉnh Hòa Bình cần phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn về việc mở lớp dạy bơi, bể bơi, kĩ năng thoát nạn dưới nước để giữ gìn tính mạng của trẻ em.
Từ vụ việc đau lòng này, chúng tôi cũng đề nghị đến UBND TP Hòa Bình cũng như các địa phương khác cần rà soát vùng nước, vùng ao hồ nguy hiểm để cắm biển cảnh báo, kể cả những nơi có đông trẻ em thường xuyên qua lại vui chơi cũng cần cắt cử người giám sát tránh xảy ra những vụ việc tương tự...", ông Nam nói.
Ông chia sẻ, khi nghe thông tin về việc 8 học sinh đuối nước ở Hoà Bình lãnh đạo, nhân viên của Cục trẻ em đã rất sốc.
Khi về tận địa phương lại càng đau buồn hơn vì các em gặp nạn đều sinh sống trung cùng khu phố.