Trong ấn phẩm này nêu rõ, năm 2022 là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể năm 2022 cũng tăng khoảng 38,7% so cùng kỳ năm 2021.
Quy mô doanh thu bình quân của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm mạnh, trong khi tổng tài sản bình quân tăng mạnh, chủ yếu do tăng nợ. Cùng với sự suy giảm mạnh của doanh thu trong khi nợ gia tăng, khả năng sinh lời của doanh nghiệp bất động sản đã sụt giảm mạnh trong 5 năm qua.
Kết quả nghiên cứu một số doanh nghiệp phát triển bất động sản điển hình trên thị trường cho thấy, chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt 11% năm 2022, giảm mạnh so với mức 14,95% năm 2021. Hiệu quả sinh lời trên mỗi đồng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản chỉ cao hơn mức 10,14% năm 2017 và thấp nhất kể từ năm 2018.
Tương tự như vậy, với hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản, chỉ số ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) của doanh nghiệp bất động sản trong mẫu phân tích đạt 4,03% năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 6,45% năm 2021, và đồng thời là mức hiệu quả sinh lời thấp nhất kể từ năm 2018. ROA của doanh nghiệp nhóm bất động sản cũng thấp hơn mức bình quân toàn ngành (quy mô mẫu trên 1000 doanh nghiệp) là 5,15%.
Nhóm tác giả Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán đảm bảo khả năng thanh toán trong ngắn hạn (1,65 lần, lớn hơn mức cảnh báo là 1 lần), thanh toán nhanh (0,76 lần, lớn hơn mức cảnh báo là 0,5 lần).
Về khả năng trả nợ lãi vay của các doanh nghiệp phát triển bất động sản, chỉ số ICR (Hệ số thanh toán lãi nợ vay) vẫn duy trì ở mức 7,21 lần, thấp hơn nhiều so với mức 9,13 lần năm 2021. Trong nhóm doanh nghiệp niêm yết có 8% doanh nghiệp mất khả năng trả nợ lãi vay và 18% doanh nghiệp có dấu hiệu khó khăn trong việc trả nợ lãi vay.
Nhóm tác giả Đại học kinh tế Quốc dân nhận định: “Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong năm 2022 gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như: tái cơ cấu nợ; tái cơ cấu hoạt động kinh doanh; thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất - kinh doanh; tinh giản tối đa bộ máy; giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO,… để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
"Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án".