Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra nhiều thay đổi khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân ở nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới.
Trong những năm qua, con người đang tìm kiếm những giải pháp để ứng phó hay hướng đến phát triển bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, châu Á – Thái Bình Dương được cho là khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, với khoảng 70% thảm họa thiên tai trên thế giới xảy ra tại đây.
Do đó, vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu cũng là một chủ đề được thảo luận trong những hội nghị cấp cao của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong nhiều năm qua với các tuyên bố chung.
Biến đổi khí hậu: Mối quan tâm hàng đầu của APEC
Mối quan tâm về biến đổi khí hậu được các nhà lãnh đạo APEC thể hiện trong báo cáo Tầm nhìn Kinh tế, năm 1993.
Cụ thể là thông qua việc bảo vệ chất lượng không khí, nước, quản lý các nguồn năng lượng và năng lượng tái tạo để đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bảo cho một tương lai an toàn hơn cho người dân trong khu vực.
Tiếp đó, biến đổi khí hậu được thảo luận lần đầu tiên trong hội nghị cấp cao của APEC là vào năm 2007.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứu 15 tại Australia năm 2007. Ảnh: AP
Theo đó, vào tháng 9/2007, hội nghị cấp cao APEC lần thứ 15 tại Sydney (Australia), thông qua "Tuyên bố Sydney" đề cập đến vấn đề cụ thể có thể có tác động trực tiếp đến các mục tiêu của APEC gồm biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch.
Tại hội nghị năm 2007, APEC đã đề xuất mục tiêu là đến năm 2030 giảm ít nhất 25% mức tiêu thụ năng lượng và tăng độ che phủ rừng trong khu vực thêm ít nhất 20 triệu hecta vào năm 2020.
"Tuyên bố Sydney về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển sạch" được coi là một cột mốc quan trọng trong tiến trình thống nhất toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu.
Các năm sau đó, APEC tiếp tục đổi mới những cam kết với mục tiêu cụ thể để giải quyết và ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu thông qua các hội nghị liên Bộ trưởng. Một số mục tiêu quan trọng có thể kể đến dưới đây.
1. Tăng gấp đôi lượng năng lượng tái tạo
Vào ngày 2/9/2014, các vị bộ trưởng tại Hội nghị liên Bộ trưởng Năng lượng APEC tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và đưa ra Tuyên bố Bắc Kinh cam kết mục tiêu là tăng gấp đôi số lượng các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực vào năm 2030.
Năng lượng tái tạo được APEC chú trọng. Ảnh: PennEnergy
Ngoài ra, trong năm 2011, các nhà lãnh đạo APEC cũng đã thỏa thuận giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong khu vực thêm 45% vào năm 2035.
2. Tăng cường bảo vệ rừng
Tháng 10 năm 2013, các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại APEC khẳng định lại cam kết mạnh mẽ về việc tăng độ che phủ rừng trong khu vực APEC lên 20 triệu hecta vào năm 2020.
Tăng độ che phủ rừng trong khu vực lên 20 triệu hecta vào năm 2020. Ảnh minh họa.
Các Bộ trưởng cũng cam kết quản lý rừng bền vững, tăng cường quản lý thông qua khung pháp lý, tham gia, và tăng cường các nỗ lực chống lại tình trạng khai thác và buôn bán trái phép.
3. Bảo vệ biển
Trong "Tuyên bố Hạ Môn" vào năm 2014, Hội nghị Bộ trưởng của APEC đã xác định bốn ưu tiên quan trọng trong việc bảo vệ biển:
- Bảo tồn hệ sinh thái biển, hải đạo và khả năng phục hồi thảm họa.
- Vai trò của đại dương đối với an ninh lương thực và thương mại
- Khoa học biến, công nghệ và đổi mới
- Kinh tế xanh
Ngoài ra, hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của APEC diễn ra tại Lima (Peru) năm 2016 cũng thảo luận về vấn đề an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước.
Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của APEC diễn ra tại Lima (Peru) vào năm 2016. Ảnh: Reuters
Diễn biến thất thường của biến đổi khí hậu khiến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bề vững để thích ứng với biến đổi khí hậu đang là chủ đề mà các thành viên APEC quan tâm.
Trong Tuần lễ An ninh lương thực APEC diễn ra tại thành phố Cần Thơ vào tháng 8/2017, các nhà lãnh đạo trong khu vực đã thông qua Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững và các kế hoạch hành động.
Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy những nỗ lực liên kết khu vực để giải quyết các thách thức liên quan đến an ninh lương thực, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Tham khảo nguồn: Apec.org, TTXVN