Ngày 22/6, bác sỹ Nguyễn Hữu Toàn - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc Bệnh viện Phổi Nghệ An cho biết, sau nhiều ngày nhập viện cấp cứu và điều trị, hiện bé Nguyễn Gi. Kh. (21 tháng tuổi, trú xã Nghi Liên, TP. Vinh, Nghệ An) đã ổn định sức khoẻ và cho xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.
Theo bác sỹ Toàn, trước đó bé Kh. bị hóc dị vật là thạch rau câu. Tưởng chừng như mạng sống của bé Kh. sẽ không thể cứu chữa vì khi đưa vào viện đã bị ngừng tim, ngừng thở, ngừng tuần hoàn. Thế nhưng may mắn khi sau 7 phút cấp cứu, bé Kh. đã hồi tỉnh, tim đập trở lại bình thường.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Toàn kể về 7 phút cứu sống bé hóc thạch đã ngừng tim, ngừng tuần hoàn.
"Hôm đó tôi đang làm việc, khoảng 10h30’ ngày 14/6, mẹ cháu Kh. cùng mấy bác xe ôm đưa cháu Kh. vào. Lúc đó, cháu bé đã ngừng tìm, ngừng tuần hoàn. Khai thác nhanh thì mẹ nói 15 phút trước cháu ăn thạch và bị hóc nên lập tức đưa vào viện", bác sỹ Toàn nhớ lại.
Đã quá quen với các trường hợp hóc dị vật nên bác sỹ Toàn lập tức huy động thêm các nhân viên hỗ trợ. Đầu tiên, bác sỹ Toàn đặt nội khí quản để thông đường thở. Sau đó, bác sỹ Toàn ép tim để cứu tim cháu bé.
Sau khi làm 2 công việc được cho là mấu chốt giành lại sự sống cho cháu bé, bác sỹ Toàn mới đưa các thiết bị chuyên dụng, máy hút ra hút để kéo cục thạch rau câu trong họng cháu bé ra ngoài.
Bác sỹ Toàn chế cho mình một số thiết bị cấp cứu khi bệnh nhân hóc dị vật bịt đường thở.
"Thạch rau câu rất khác với các dị vật thông thường khác. Bởi khi hóc các dị vật khác thì nó sẽ rơi vào khí quản và vẫn có thời gian để gắp ra ngoài chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống. Còn thạch rau câu thì nó rất trơn, mềm, đàn hồi và khi hóc thì nó sẽ bít hoàn toàn đường thở khiến bệnh nhân tử vong nhanh nên không kịp thời cấp cứu.
Mấu chốt của việc cấp cứu này đầu tiên là thông đường thở cho cháu bằng cách đặt nội khí quản. Thứ 2 là phải ép tim ngoài lồng ngực để tạo nhịp đâm tim cho cháu bé, bơm máu lên não. Sau đó mới tiến hành gắp dị vật ra ngoài.
Còn nếu cứ loay hoay gắp dị vật ra ngoài mà không làm 2 nhiệm vụ trên thì khả năng cao bệnh nhân sẽ tử vong vì quá chậm trễ", bác sỹ Toàn nói.
Bé Kh. thời điểm được cấp cứu.
Sau 7 phút đồng loạt thực hiện nhiều thao tác cấp cứu, tim và tuần hoàn của cháu bé hoạt động trở lại. Cùng lúc này thì dị vật là khối thạch rau câu lớn cũng được bác sỹ Toàn gắp ra ngoài thành công, cứu sống được tính mạng bé Kh. khỏi "lưỡi hái tử thần".
Sau khi cấp cứu thành công, bé Kh. tiếp tục được giữ lại viện để các bác sỹ theo dõi, chăm sóc. Sau 5 ngày điều trị, bé Kh. đã ổn định sức khỏe và được xuất viện về nhà.
Khối thạch được đưa ra ngoài.
"Cứu người hóc dị vật không khó nhưng phải biết cách và phải thực hiện những điều thiết yếu là thông đường thở, ép tim để tạo nhịp đập, xong đó mới gắp dị vật ra ngoài", bác sỹ Toàn nói và cho biết, vì phải thường xuyên cứu người hóc dị vật nên đã tự chế ra một bộ đồ nghề danh riêng cho việc cứu người bị hóc dị vật khi tắc đường thở.
Được biết, bác sĩ Nguyễn Hữu Toàn là người đầu tiên thực hiện phương pháp nội soi phổi, phế quản tại Nghệ An từ năm 2005. Với 14 năm kinh nghiệm bác sĩ Toàn đã gặp không ít trường hợp hóc dị vật và đã cứu sống trên 30 trường hợp hóc dị vật các loại.