7 lời đúc kết Phật dạy mỗi người, nếu biết nắm bắt cuộc sống tất sẽ viên mãn đủ đầy

Thanh Hương |

Đây là 7 lời đúc kết cô đọng được viết trong cuốn Kinh Sabbasava Sutta, và là kim chỉ nam cho bất cứ ai mong muốn mình sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chẳng có gì bảo đảm thế giới ngày mai sẽ vẫn giống như hôm nay. Có những bất ổn xảy ra mà ta không thể lường được hết. Mỗi người lại phải đối mặt với những thử thách khác nhau, và do đó, cách giải quyết những vấn đề này cũng không giống nhau. 

Thế nhưng, theo giáo lý của nhà Phật, tựu chung lại, mọi đau khổ, bất hạnh trên thế giới này, đều do một số căn nguyên nhất định gây ra. 

Chính vì thế, thấu hiểu được 7 điều liệt kê trong cuốn Kinh Sabbasava Sutta dưới đây, là bạn đã có thể giải quyết những vấn đề của mình, từ đó thay đổi thực tại, kiến tạo cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.

1. Tri thức

Con người không thể tồn tại mà không có tri thức. Tri thức sẽ giúp chúng ta bước ra khỏi đêm tối, tự tin và mạnh mẽ để bảo vệ lẽ phải, chống lại những cổ hủ, lạc hậu và những điều bất công trong xã hội.

7 lời đúc kết Phật dạy mỗi người, nếu biết nắm bắt cuộc sống tất sẽ viên mãn đủ đầy - Ảnh 1.

Trong xã hội hiện tại, tri thức không chỉ giúp bạn có sự hiểu biết, mà còn giúp bạn tạo ra tiền bạc, của cải. Do vậy, phải luôn cập nhật và tìm kiếm tri thức mới mong có được một cuộc sống tốt đẹp. 

2. Sự kiềm chế/Sự thay thế

Nếu không biết kiềm chế, lúc nào cũng chỉ muốn thỏa mãn những ý thích và nhu cầu cá nhân, vậy thì bạn có gì khác so với những động vật khác?

7 lời đúc kết Phật dạy mỗi người, nếu biết nắm bắt cuộc sống tất sẽ viên mãn đủ đầy - Ảnh 2.

Con người khác loài vật ở chỗ biết kìm lại những dục vọng thấp hèn, những ý muốn ích kỷ của bản thân. Mọi đau khổ và mất mát của nhân loại, phần nhiều đều bị gây ra bởi những kẻ chỉ biết nghĩ đến bản thân mà vượt qua quy tắc đạo đức của xã hội.

Bên cạnh đó, để giúp bạn thực hiện tốt hơn sự kiềm chế trước những thói quen xấu, thì phải biết tới "sự thay thế".

Ví dụ, muốn bỏ việc hút thuốc, hãy tập vẽ tranh để không còn thời gian hay tâm trí nghĩ đến thói quen cũ. Muốn bỏ việc ăn đồ ăn vặt, hãy chuyển sang việc chế biến và ăn các món ăn tốt cho sức khỏe.

3. Sự tiêu dùng hợp lý

Tiêu dùng ở đây mang nghĩa rộng: Từ ăn, uống, mặc cho tới uống thuốc… đều mang nghĩa tiêu dùng.

Con người ta, lúc thì tiêu dùng quá nhiều, khi lại tiêu dùng quá ít. Mọi sự mất cân bằng này đều dẫn tới hệ lụy.

7 lời đúc kết Phật dạy mỗi người, nếu biết nắm bắt cuộc sống tất sẽ viên mãn đủ đầy - Ảnh 3.

Khi thích thì ăn thật no, khi buồn bã lại chẳng động đến một hạt cơm.

Mỗi khi có bệnh đều dùng rất nhiều thuốc, trong khi hàng ngày lại chẳng chú ý tới việc dành thời gian để tập luyện, giữ gìn sức khỏe. Tất cả đều bị nhà Phật coi là sự tiêu dùng thiếu hợp lý.

Vì vậy, trước khi chưa quá muộn, bạn hãy điều chỉnh ngay thói quen tiêu dùng của mình để có một cuộc sống cân bằng.

4. Sự kiên nhẫn/Kiên quyết

Đừng nói đến những việc đao to búa lớn ngoài xã hội, hãy tự hỏi bản thân xem, mình đã kiên nhẫn làm được những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày chưa?

7 lời đúc kết Phật dạy mỗi người, nếu biết nắm bắt cuộc sống tất sẽ viên mãn đủ đầy - Ảnh 4.

Hoặc cũng có lúc, bạn có thể kiên nhẫn, nhưng là kiên nhẫn "có mục đích". Bạn quyết tâm tán tỉnh một cô gái, có thể đứng nhiều giờ trước cổng trường để đợi nàng.

Nhưng khi lấy nhau rồi, nghe cô ấy nói 10 phút cũng là quá dài.

Kiên nhẫn thôi chưa đủ, còn phải kiên quyết.

Nếu đã xác định được mục tiêu của mình, thì nhất định phải kiên quyết cố gắng đạt cho được. Có như vậy, con đường bạn đã đi từ trước đến nay mới không hoài phí.

5. Biết tránh né đúng lúc

Trong cuộc đời này, lúc nào cũng sẽ có những sự việc, những con người hoặc nơi chốn gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho bạn. Cách tốt nhất là hãy biết né tránh chúng để không làm tổn thương người, cũng không làm hại bản thân mình.

Ví dụ, ở chỗ làm luôn có một đồng nghiệp khó chịu, hãy hạn chế giao tiếp với họ. Nếu vợ của bạn chỉ thích xem phim tình cảm ướt át, bạn có thể đọc sách khi cô ấy xem phim, chứ đừng căng thẳng tranh cãi hay đòi chuyển kênh.

Đôi khi sẽ có những việc cần bạn đối đầu, nhưng cũng sẽ có lúc có những việc cần bạn né tránh. Nên nhớ, người thông minh sẽ luôn biết khi nào cần phải rút lui về phía sau.

6. Buông bỏ

Dù bạn cố gắng, vẫn sẽ có lúc mối quan hệ của bạn xấu đi và phải kết thúc. Một tình bạn vun đắp bao năm, một cuộc hôn nhân đầu gối tay ấp. Hãy tự nhủ rằng, đó đều là do chữ DUYÊN.

7 lời đúc kết Phật dạy mỗi người, nếu biết nắm bắt cuộc sống tất sẽ viên mãn đủ đầy - Ảnh 5.

Một khi DUYÊN đã hết, hãy để nhau ra đi một cách nhẹ nhàng, đừng dằn vặt hay hối tiếc, vì cũng chẳng ích gì, chỉ khiến bản thân và đối phương thêm tổn thương.

Hãy nhớ rằng, trong cuộc đời này, một con người có rất nhiều nghĩa vụ và trọng trách. Cứ coi rằng họ rời đi để làm những việc họ phải làm, vậy thôi, và hãy chúc họ lên đường bình an. Hãy cứ an nhiên tự tại, bạn sẽ cảm thấy mọi chuyện hóa ra đều nhẹ nhàng biết mấy.

7. Lối sống lành mạnh

Lối sống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự thịnh vượng cũng như các mối quan hệ của bạn. Chính vì thế, duy trì một lối sống lành mạnh là bạn sẽ có được tất cả.

7 lời đúc kết Phật dạy mỗi người, nếu biết nắm bắt cuộc sống tất sẽ viên mãn đủ đầy - Ảnh 6.

Rất nhiều người coi đây là câu nói sáo rỗng. Nhưng thực tế cho thấy, những bất hạnh, đau khổ của cuộc đời này, ít nhiều đều xuất phát từ lối sống mà ra.

Bạn ham chơi, lười học, chỉ thích xài đồ sang: Chẳng mấy chốc, tiền tài tiêu tán, bản thân chẳng thu nạp được điều gì quý giá, sống đến cuối đời vẫn nghèo hèn khổ sở.

Bạn ngoại tình, hoặc quá đam mê công việc, bỏ mặc gia đình: Con cái hư hỏng, sa ngã, hoặc nếu không cũng chẳng thèm nhìn mặt cha mẹ, vợ chồng bất hòa, đến cuối đời chẳng còn ai ở bên.

Bạn rượu chè tối ngày, la cà quán xá: Sức khỏe giảm sút, tình thân sứt mẻ, chẳng vượt qua được tuổi trung niên, chứ đừng nói gì đến việc an hưởng tuổi già bên con cháu.

Theo Uplift Connect

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại