6 giải pháp hạn chế tiêu cực thi THPT quốc gia

NGUYỄN QUYÊN |

“Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định phương thức thi THPT quốc gia nhưng sẽ có những điều chỉnh, giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực trong kỳ thi”.

Ông Mai Văn Trinh , Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng , Bộ GD&ĐT, đã khẳng định như trên tại buổi gặp mặt báo chí vào ngày 29-9.

Nói kỳ thi 2 trong 1 là chưa đầy đủ

Tuần rồi, tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết kỳ thi năm tới sẽ không phải để phục vụ mục tiêu “2 trong 1” mà chủ yếu để xét tốt nghiệp.

Các trường đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển hay dùng các phương thức khác.

Ông Mai Văn Trinh cho rằng: “Cách nói kỳ thi 2 trong 1 là chưa trọn nghĩa, chưa đầy đủ sứ mệnh của kỳ thi THPT quốc gia.

Tôi khẳng định kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng dựa trên cơ sở của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 44.

Tôi vẫn phải nhắc lại Nghị quyết 29 nói đổi mới hình thức thi xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh đại học và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp”.

Ông Trinh cho biết thêm tại sao lại để xét tốt nghiệp THPT.

Bởi Luật Giáo dục quy định rõ các em học sinh khi kết thúc 12 năm học phải dự một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục cũng quy định các trường đại học phải tự chủ trong tuyển sinh.

Vì thế, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức kỳ thi đại học là phạm luật.

“Với tinh thần của Nghị quyết 44, chúng tôi tổ chức kỳ thi chung lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở, căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh” - ông Trinh nhấn mạnh.

Theo ông Trinh, ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các trường đại học tuyển sinh thì kỳ thi THPT quốc gia những năm qua đã điều chỉnh việc dạy và học theo hướng tích cực.

Việc thí sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước và việc đưa môn giáo dục công dân vào tổ hợp các môn thi có ý nghĩa lớn trong việc giảm quan niệm môn chính, môn phụ.

6 giải pháp hạn chế tiêu cực thi THPT quốc gia - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh: Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định phương thức thi THPT quốc gia. Ảnh: PV

Vai trò của các trường đại học được tăng lên

Với tất cả lý do trên, Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định phương thức thi THPT quốc gia nhưng sẽ có những điều chỉnh, giải pháp để hạn chế những mặt tiêu cực trong kỳ thi với sáu nhóm giải pháp:

Thứ nhất: Bộ sẽ rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý.

Thứ hai: Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, đảm bảo các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh.

Thứ ba: Hoàn thiện, củng cố ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của các kỳ thi. Trong đó sẽ hoàn thiện phần mềm kỳ thi, tăng cường bảo mật, hỗ trợ phát hiện gian lận.

Thứ tư: Nghiên cứu, xem xét tổ chức việc chấm thi. Bộ đang xem xét theo hướng cán bộ chấm thi sẽ không chấm bài của thí sinh tỉnh mình.

Thứ năm: Việc lựa chọn nhân sự tham gia công tác kỳ thi sẽ được xem trọng. Đồng thời sẽ tập huấn kỹ hơn về công tác thi cho đội ngũ nhân sự.

Thứ sáu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát tại các cụm thi, địa điểm thi và tất cả phòng thi. Đặc biệt, trong kỳ thi năm 2019 sẽ nâng cao vai trò tham gia của các trường đại học.

Những điểm khác biệt của chương trình GDPT mới

Chương trình hiện hành chủ yếu cung cấp kiến thức cho học sinh, trả lời câu hỏi, học xong học sinh biết những gì. Còn với chương trình mới, đây là chương trình phát triển năng lực, sau khi học xong học sinh sẽ biết làm gì.

Chương trình mới mang triết lý dân cử, có tính mở:

Thứ nhất, mở với người học. Người học có quyền lựa chọn nội dung học tập, phù hợp với sở trường, nguyện vọng của mình.

Thứ hai, mở với giáo viên. Giáo viên phải có quyền sáng tạo, có quyền chủ động lựa chọn sách giáo khoa, không bắt buộc phụ thuộc vào sách giáo khoa. Thứ ba, mở với người biên soạn sách giáo khoa.

Lần này chương trình chỉ quy định những vấn đề chung nhất, chủ yếu là những nhu cầu cần đạt, còn chọn bài nào, chọn ví dụ nào, viết như thế nào là quyền của người viết.

Thứ tư, mở cho cơ sở giáo dục. Đây là lần đầu tiên chương trình không quy định chi tiết thời lượng học từng môn ở từng tuần mà chỉ quy định thời lượng học của từng năm. Một năm học môn này có bao nhiêu tiết.

Quyền sắp xếp thời khóa biểu là của ban giám hiệu, phụ thuộc vào điều kiện của địa phương.

Cuối cùng, chương trình giáo dục mở ra quyền chủ động cho địa phương. Chương trình lần này đưa vào nội dung giáo dục ở địa phương.

Ở bậc tiểu học tích hợp với hoạt động trải nghiệm, THCS trở lên mỗi năm dành 35 tiết để giáo dục về địa phương. Nhưng cách làm khác với chương trình hiện hành.

Nội dung này do UBND cấp tỉnh lựa chọn, chỉ đạo xây dựng, thẩm định. Và Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt chương trình và sẽ dạy làm sao phù hợp nhất với nhu cầu đào tạo của địa phương.

Ông NGUYỄN MINH THUYẾT, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại