Bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc mới đây đã công bố thành lập hai nhóm nghiên cứu 6G. Đây là nỗ lực đầu tiên của chính phủ nhằm đẩy nhanh phát triển công nghệ. Một nhóm gồm các bộ, ban, ngành của chính phủ, đảm nhiệm việc triển khai công nghệ 6G, trong khi nhóm còn lại gồm 37 chuyên gia đến từ các trường đại học, viện khoa học, và các tập đoàn, đảm nhiệm vai trò cung cấp các lời khuyên kỹ thuật đối với các quyết định quan trọng của chính phủ về 6G.
5G và 6G được nhắc đến ở đây chính là mạng di động không dây thế hệ 5 và 6. Nếu 5G có tốc độ truyền tải dữ liệu ít nhất cũng gấp 10 lần so với 4G (ra mắt năm 2009), thì đến lúc này chúng ta vẫn chưa nói được gì về 6G, hoặc những lợi công nghệ nào mà nó sẽ tận dụng.
Trên thực tế, chúng ta còn chưa biết cuộc sống với mạng 5G sẽ ra sao nữa. Các nhà mạng viễn thông Trung Quốc vừa mới tung ra các gói cước 5G thương mại trong tháng qua - gói rẻ nhất chỉ dưới 20 USD mà thôi. Trung Quốc còn có kế hoạch kích hoạt hơn 130.000 trạm phát sóng 5G vào cuối năm nay, từ đó tạo dựng nên một trong những mạng 5G lớn nhất trên toàn cầu - một thành tựu mà chính phủ nước này đã đặt làm ưu tiên hàng đầu. Hàn Quốc đã tung ra dịch vụ 5G vào tháng 4, và cũng đang là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển 5G. Về phía Mỹ, họ vẫn đang cố gắng đuổi kịp trong cuộc chơi mới này.
Người dùng - chủ yếu là các game thủ - có thể sẽ để ý thấy tốc độ mạng nhanh hơn trong giai đoạn đầu triển khai 5G, nhưng phải mất cả thập kỷ chúng ta mới có thể thấy được những thay đổi lớn lao mà các doanh nghiệp đang trông chờ, vượt xa khỏi khuôn khổ những thiết bị di động cá nhân.
Những dự đoán về công nghệ 6G
Cuộc chiến địa chính trị xoay quanh 5G cũng chưa được giải quyết - ví dụ như cuộc chiến để xác định vai trò của Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, sẽ như thế nào trong quá trình cải tiến công nghệ toàn cầu. Huawei là nhà cung ứng chính cho các trạm phát sóng 5G thế giới, có hợp đồng với nhiều quốc gia nhằm giúp họ triển khai các mạng của chính mình mặc cho phía Mỹ đang ra sức cảnh báo những nguy cơ tiềm tàng từ việc sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Mỹ nói rằng sự hiện diện của Huawei trong hạ tầng viễn thông là một mối nguy về mặt an ninh, bởi hãng này có thể chia sẻ những dữ liệu trọng yếu cho chính phủ Trung Quốc - tất nhiên Huawei luôn phủ nhận cáo buộc này. Mỹ còn đưa Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5, ngăn cản không cho công ty giao dịch mua bán linh kiện và phần mềm từ Mỹ - có thể những thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa hai bên sẽ phần nào nới lỏng lệnh cấm này.
Chính sự đối đầu này đã khiến nhiều người lo ngại rằng công nghệ 5G trong tương lai có thể bị xẻ nhánh, khiến việc sử dụng những thiết bị dựa vào các mạng này không được liền lạc như mong đợi.
Dẫu vậy, Bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc vẫn nói rằng họ đã quyết định sẽ đặt nền móng cho phát triển 6G. Công nghệ này sẽ được xem như một ưu tiên trong "giai đoạn quan trọng" của quá trình phát triển đất nước - theo lời Wang Xi, Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ. Bộ này sẽ bắt đầu soạn thảo một lộ trình phát triển 6G, cũng như khám phá những ứng dụng tiềm năng của công nghệ trong thời gian tới.
Bằng cách công bố chính thức về việc phát triển công nghệ 6G, Trung Quốc càng khiến cộng đồng an ninh quốc gia Mỹ thêm phần lo lắng trước những khả năng công nghệ của đối phương, và buộc họ phải tăng cường dò xét Huawei hơn nữa. Bộ khoa học và công nghệ Trung Quốc không nêu tên bất kỳ công ty nào sẽ tham gia vào phát triển 6G, nhưng ai cũng đoán được gã khổng lồ công nghệ quốc gia Huawei sẽ nằm trong danh sách!
Tham khảo: Quartz