Câu chuyện gia đình của cặp vợ chồng đã về hưu được đăng tải trên Toutiao (MXH của Trung Quốc) đang gây chú ý:
Tôi mua nhà cho con trai đã 4 năm rồi. Trong suốt 4 năm nay, vợ chồng chúng tôi đều đặn chuyển 4.000 NDT (khoảng 13 triệu đồng) vào thẻ ngân hàng của con trai vào ngày 15 hàng tháng để con trả tiền nợ mua nhà.
Tôi luôn cảm thấy con trai và con dâu mới bắt đầu thành gia lập nghiệp nên muốn giúp đỡ chúng. Nhưng vài ngày trước khi tôi đến nhà con trai, tôi quyết định sẽ không trả tiền mua nhà cho họ nữa. Tôi phải để dành ít tiền tiết kiệm hưu trí cho mình, khi già rồi, chúng tôi có thể vào viện dưỡng lão cùng nhau.
Tôi 59 tuổi, làm từng làm y tá, giờ tôi đã nghỉ hưu. Tổng lương hưu hàng tháng của hai vợ chồng tôi là hơn 7.000 NDT (khoảng 23 triệu đồng). Chúng tôi sống ở một thành phố nhỏ và với mức lương hưu như vậy, vợ chồng chúng tôi có thể ăn ngon, mặc đẹp và đi du lịch bất cứ nơi nào mình muốn. Nhưng chúng tôi, hai vợ chồng già, hàng ngày sống tằn tiện, dành dụm để trả nợ tiền nhà cho con trai.
Ảnh minh họa.
Vợ chồng tôi chỉ có một con trai, chúng tôi đặt hết hy vọng vào con trai mình. Con trai tôi học đại học ở thành phố Thẩm Dương, sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi muốn con về gần nhà làm một công việc ổn định. Nhưng con trai tôi chỉ làm được nửa năm, nói rằng công việc quá nhàm chán, đồng nghiệp đều lớn tuổi và không có người trẻ rồi quyết định bỏ việc.
Sau khi từ chức, con trai tôi đến Đại Liên tìm việc làm. Vài năm sau, con trai tôi nói với chúng tôi rằng nó đang yêu, gia đình cô gái xuất thân từ một vùng nông thôn gần Đại Liên và cô gái cũng là con một trong gia đình.
Lúc đầu, tôi không hài lòng, nhưng không còn cách nào khác đành phải thỏa hiệp một lần nữa và đồng ý để họ ở bên nhau. Con trai tôi và bạn gái yêu nhau hơn 3 năm, vợ chồng tôi nghĩ con trai chúng tôi không còn trẻ nữa, đã đến lúc kết hôn. Tôi cũng nói với con trai như vậy và con tôi vui vẻ đồng ý.
Nhưng sau khi nghe những lời con trai nói tiếp theo, tôi không thể vui được nữa. Con trai tôi nói rằng, gia đình bạn gái yêu cầu mua nhà ở Đại Liên và gia đình tôi phải trả toàn bộ tiền mua nhà. Đây là điều rất khó khăn đối với cặp vợ chồng già như chúng tôi, Đại Liên là nơi có giá nhà cao.
Dù vợ chồng tôi trước kia đều có việc làm nhưng chúng tôi chỉ là những người thuộc tầng lớp lao động, hàng tháng chỉ dựa vào đồng lương và cũng không tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Sẽ không có vấn đề gì nếu mua một căn nhà ở quận nhỏ của chúng tôi, nhưng số tiền này không đủ để mua một căn nhà ở Đại Liên.
Chúng tôi nhờ con trai nói với gia đình bạn gái rằng nếu vợ chồng con tôi về quận nhỏ chúng tôi đang sống, tôi sẽ trả hết tiền để mua nhà, nếu họ ở Đại Liên thì chỉ có thể mua bằng cách vay tiền, mua nhà trả góp.
Gia đình bên kia cũng đã đồng ý. Lúc đó, tôi nói sẽ mua một căn nhà rộng hơn 60m2 ở vị trí không đẹp, sau này có tiền sẽ đổi. Nhưng con trai và con dâu tôi không đồng ý, cho rằng không nên đổi nhà nhiều. Vậy nên chúng tôi mua một căn nhà hai phòng ngủ rộng hơn 80m2, tổng giá trị hơn 900.000 NDT (khoảng 3 tỷ đồng), trả trước 280.000 NDT (khoảng 939 triệu đồng).
Ngôi nhà được mua đã qua sử dụng, con trai tôi đã thuê một công ty thiết kế để cải tạo, còn mua các thiết bị và đồ nội thất, tốn hơn 110.000 NDT (khoảng 369 triệu đồng) nữa. Khi họ kết hôn, chúng tôi đưa cho con dâu món quà trị giá 88.000 NDT (khoảng 295 triệu đồng), ngoài ra chúng tôi còn mua bông tai vàng, dây chuyền vàng, nhẫn vàng và vòng tay vàng với giá hơn 50.000 NDT (khoảng 167 triệu đồng).
Chúng tôi đã bỏ ra hơn 500.000 NDT(khoảng 1,7 tỷ đồng) để mua nhà, tổ chức đám cưới cho con trai, số tiền này là tiền tiết kiệm cả đời của vợ chồng chúng tôi.
Ảnh minh họa.
Con trai đã lấy vợ, tôi nghĩ chúng tôi đã hoàn thành một "nhiệm vụ" và không cần phải lo lắng nữa. Không ngờ con trai muốn vợ chồng tôi trả tiền trả góp nhà hàng tháng. Con trai tôi lương không cao, ở Đại Liên tốn nhiều chi phí nên không có đủ tiền trả nợ tiền nhà.
Sau đó, vợ chồng tôi mỗi tháng đều chuyển cho con trai 4.000 NDT (khoảng 13 triệu đồng), chúng tôi đã trả hơn 2 năm rồi. Mấy hôm trước, cháu trai tôi ở Đại Liên mời chúng tôi đến chơi, vợ chồng tôi nghĩ nhà của con trai mua được hơn 2 năm mà chúng tôi chưa ở. Thế nên vợ chồng tôi quyết định đến Đại Liên trước để thăm con trai và ở nhà con vài ngày.
Không ngờ khi đến nhà con trai, chúng tôi cũng thấy bố mẹ vợ của con ở đó, tưởng họ đến thăm mình nhưng con trai lại nói rằng bố mẹ vợ đã ở với họ hơn 1 năm. Vợ chồng tôi không biết gì về việc này.
Con trai và con dâu tôi thường không về nhà, chỉ về vào dịp Tết Nguyên đán, nếu không có chuyện gì thì chúng tôi không liên lạc với con trai. Trước đây, con trai chúng tôi có thể gọi điện cho chúng tôi khi cần tiền.
Ảnh minh họa.
Nghe con trai nói bố mẹ vợ đã ở đây hơn 1 năm, tôi liền cảm thấy xót xa. Ở nhà con trai được 2 ngày, tôi càng tức giận hơn.
Bố mẹ vợ của con tôi tỏ vẻ là chủ nhà, họ coi chúng tôi như khách. Nửa năm không gặp, con trai cũng không nói chuyện nhiều với chúng tôi. Bất cứ khi nào không có việc gì làm, con trai sẽ nói chuyện với bố vợ và cuộc trò chuyện diễn ra sôi nổi. Mỗi lần ra ngoài đều hỏi bố mẹ vợ muốn ăn gì để mua, cũng không bao giờ hỏi chúng tôi muốn ăn gì.
Hàng ngày, họ đều mua trái cây và đồ ăn đắt tiền, quả anh đào có giá hơn 50 NDT (khoảng 168.000 đồng) một cân, nửa quả dưa hấu giá hơn 30 NDT (khoảng 100.000 đồng), họ sẵn sàng mua. Lại nghĩ đến chúng tôi, ngày nào cũng đi chợ sáng sớm xem cái gì rẻ mới mua.
Một ngày nọ, thấy bà thông gia mặc một chiếc váy đắt tiền, tôi nói: "Chiếc váy này trông đẹp đấy". Mẹ vợ của con trai tôi đáp lại: “Con gái tôi mua hết. Thỉnh thoảng lại mua quần áo cho vợ chồng tôi. Tôi cũng không đồng ý mà con gái tôi vẫn mua, tủ quần áo sắp không còn chỗ để”. Nói xong, bà ấy nhận ra nói như vậy không thích hợp, liền nói thêm: “Tôi đưa tiền mua quần áo cho con gái”.
Dù bà ấy nói vậy nhưng tôi biết, bà ấy sẽ không có đủ điều kiện kinh tế để bỏ ra nhiều tiền như vậy mua quần áo. Nhìn vào quần áo bà ấy mặc và so sánh với bản thân, tôi đã không mua bất kỳ chiếc váy nào trong 2 năm qua, lần cuối cùng tôi mua váy là khi con trai tôi kết hôn. Tôi nghĩ rằng mỗi tháng tôi cũng có tiền lương, nhưng tôi vẫn không dám tiêu tiền để dành trả tiền nhà cho con.
Tôi đã chịu đựng tất cả những điều này, điều khiến tôi tức giận là khi chúng tôi đến nhà con trai tôi, nó đã cho chúng tôi ngủ trên ghế sofa. Nhà con trai tôi có 2 phòng ngủ, vợ chồng con ở phòng ngủ chính, bố mẹ vợ của con tôi ở phòng ngủ thứ hai, chúng tôi đến đó không có chỗ ngủ.
Tối hôm đó, bà thông gia bảo rằng, vợ chồng bà ấy sẽ ngủ trên sofa còn nhường phòng ngủ cho chúng tôi. Thấy vậy, con dâu nói với mẹ ruột rằng: "Mẹ, lưng mẹ không ổn, ngủ sofa được không? Đừng để mai mẹ không thể dậy, nếu thế thì chúng con ngủ sofa đi!". Lúc đó, con trai nói với tôi: "Mẹ, vậy mẹ và bố nên ngủ sofa đi!". Nghe con trai nói như vậy, tôi lúc đó cảm thấy rất buồn và tức giận. Con dâu biết rằng mẹ mình có vấn đề về lưng, không thể ngủ sofa, thì tại sao con trai tôi không biết, mẹ mình cũng có vấn đề về lưng. Nhưng khi con trai nói như vậy, tôi và chồng tôi chỉ có thể nói là chúng tôi sẽ ngủ sofa.
Chúng tôi ở nhà con trai 2 ngày, nhìn họ giống như một gia đình còn chúng tôi là người ngoài. Càng ở lâu, tôi càng tức giận. Theo dự định, chúng tôi sẽ ở đây lâu hơn nhưng 2 ngày sau đó, chúng tôi quyết định ra ngoài thuê khách sạn, đợi công việc của cháu tôi xong thì về.
Chuyến đi lần này đến nhà con trai, tôi hiểu rõ, chúng tôi không thể tiếp tục hy sinh mọi thứ cho họ nữa. Ở nhà, chúng tôi kiên nhẫn tiết kiệm tiền để trả tiền mua nhà cho các con, nhưng họ lại ăn tiêu thoải mái, mua sắm xa xỉ. Tôi đã hiểu, trong tương lai không còn hy vọng vào con trai chăm sóc mình khi về già. Vậy nên chúng tôi phải tiết kiệm tiền để tự chăm sóc cho tuổi già của mình.
Trước khi bỏ về, tôi đã gửi tin nhắn cho con trai, bảo con trai tự trả nốt tiền mua nhà, chúng tôi muốn đi du lịch và cần tiết kiệm tiền cho tuổi già của mình. Con trai nói rằng họ kiếm ít tiền và áp lực trả tiền mua nhà rất lớn. Nhưng lần này tôi đã không quan tâm nữa, tôi nói thẳng rằng họ nên tự tìm cách lo liệu, chúng tôi còn phải để tiền lo cho cuộc sống của bản thân.
Theo: Toutiao