50 người giàu nhất nước Mỹ hiện nắm giữ gần một nửa tổng tài sản quốc gia, sau khi Covid-19 làm biến đổi nền kinh tế theo hướng chênh lệch có lợi cho một tầng lớp nhỏ các tỷ phú.
Số liệu mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cung cấp cái nhìn toàn diện về tài sản nước Mỹ trong nửa đầu 2020, cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các chủng tộc, tuổi tác và tầng lớp xã hội. Theo đó, 1% người Mỹ giàu nhất có tổng tài sản trị giá 34.200 tỷ USD, còn 50% nghèo nhất – khoảng 165 triệu người – chỉ nắm giữ 2.080 tỷ USD, tương đương 1,9% tổng tài sản hộ gia đình.
Trong khi đó, theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, 50 người giàu nhất nước Mỹ giữ khối tài sản 2.000 tỷ USD, tăng 339 tỷ USD kể từ đầu năm 2020.
Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong nước Mỹ, khi người lao động thu nhập thấp đối mặt với tình trạng thất nghiệp nặng nề và virus tiếp tục lây lan, lấy đi sinh mạng của nhiều người da màu. Trong khi đó, nhiều chuyên gia tầng lớp trung lưu đang làm việc tại nhà, chứng kiến tài khoản hưu trí tăng lên sau khi Bộ Ngân khố Mỹ và Fed bơm các gói kích thích vào nền kinh tế và thị trường.
Một nguyên nhân chính khác dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo là việc phần lớn người dân Mỹ không được hưởng lợi từ giá cổ phiếu tăng. Tỷ lệ tiếp cận với thị trường chứng khoán của 90% người dân thuộc tầng lớp dưới đã giảm trong gần 2 thập kỷ. Kể từ khi đạt đỉnh 21,4% vào năm 2002, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của tầng lớp trung thượng lưu nước Mỹ giảm 10%. Tầng lớp nửa dưới cũng chứng kiến mức giảm tương tự.
Theo số liệu của Fed, 1% những người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ hơn 50% vốn cổ phần trong các tập đoàn và cổ phiếu quỹ tương hỗ. 9% tiếp theo sở hữu 1/3 vị thế vốn sở hữu – đồng nghĩa với việc top 10% người Mỹ nắm giữ hơn 88% lượng cổ phiếu.
Số liệu của Fed cũng cho thấy thế hệ Millennial, sinh ra từ năm 1981 đến 1996, chỉ kiểm soát 4,6% tài sản của Mỹ mặc dù họ là lực lượng lao động lớn nhất với 72 triệu thành viên. Phần trăm tài sản người Mỹ da đen nắm giữ vẫn không thay đổi kể từ 30 năm trước.
Tương tự với tình hình chung toàn quốc, tài sản của giới trẻ Mỹ chỉ tập trung vào một số ít nhân vật. Cứ mỗi 40 USD thế hệ Millennial sở hữu, lại có 1 USD thuộc về mỗi người trong số 3 millennial – đồng sáng lập công ty Facebook Zuckerberg và Dustin Moskovitz, cùng với người thừa kế của Walmart Lukas Walton.
“Đại dịch đang ngày càng mở rộng sự chia rẽ trong tài sản và di chuyển kinh tế”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói vào ngày 6/9, cảnh báo rằng sự phục hồi của Mỹ sẽ bị suy yếu nếu thiếu đi viện trợ chính phủ. “Thời gian dài chậm tiến độ không cần thiết có thể sẽ làm trầm trọng thêm các chênh lệch hiện có trong nền kinh tế của chúng ta”.
Chỉ vài giờ sau tuyên bố của Powell, Tổng thống Donald Trump yêu cầu tạm dừng đàm phán với đảng Dân chủ trong Quốc hội về gói cứu trợ cho đến khi cuộc bầu cử vào tháng 11 kết thúc.
Tài sản công nghệ
Những cá nhân có tài sản gắn liền với các công ty công nghệ - hưởng lợi từ sự chuyển dịch làm việc, mua sắm, giải trí và giao lưu trực tuyến – là những người nhận được nhiều lợi ích nhất nhất từ nền kinh tế Covid-19. Đứng đầu là nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Tài sản của vị tỷ phú giàu nhất thế giới này đã tăng 64% trong năm 2020, đạt 188,5 tỷ USD. Chỉ tính riêng ngày thứ tư, Bezos thu về hơn 5 tỷ USD vào tổng tài sản ròng của mình.
Dữ liệu cho thấy người Mỹ da trắng nắm giữ 83,9% tài sản quốc gia, so với 4,1% của các hộ gia đình người da đen. Dù tỷ lệ nắm giữ tài sản của người Mỹ da trắng đã giảm phần nào khi quốc gia này trở nên đa dạng hơn, nhưng phần trăm tài sản của người da đen vẫn không hề thay đổi kể từ năm 1990.
Trong 25 cá nhân giàu nhất nước Mỹ, chỉ có duy nhất một người không phải da trắng – là ông Eric Yuan, CEO của công ty Zoom Video Communications, người có khối tài sản tăng gần 7 lần trong năm nay lên 24,2 tỷ USD.
Thế hệ Baby Boomers kiểm soát hầu hết tài sản của nước Mỹ, với 59.600 tỷ USD, gấp đôi thế hệ X 28.500 tỷ USD và gấp 10 lần Millennial 5.200 USD.
Số liệu của Fed cho thấy thế hệ X, những người sinh từ 1965 đến 1980, đã có tiến bộ trong xây dựng tài sản các năm gần đây, nhân đôi tổng giá trị tài sản kể từ giữa năm 2016.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhóm tuổi trẻ hơn nghèo hơn đáng kể so với người lớn tuổi. Nhưng dù vậy, Millennials đang thua xa các thế hệ trước khi họ ở cùng độ tuổi này. Vào năm 1989, khi độ tuổi trung bình của một Boomer là 34, thế hệ này đã kiểm soát hơn 21% tài sản nước Mỹ. Để làm được điều này, thế hệ Millennial, với độ tuổi trung bình hiện tại là 32, sẽ phải gia tăng gấp 4 lần tài sản của mình chỉ trong vòng năm tới.
Những năm gần đây, giới trẻ và lao động thu nhập thấp đã chứng kiến một tia hy vọng khi mức lương trung bình bắt đầu tăng nhanh hơn lạm phát. Nhưng năm nay, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến có nguy cơ làm chệch hướng tiến bộ này, đưa nước Mỹ trở về xu hướng của vài thập kỷ trước, khi tài sản của toàn quốc chỉ tập trung lưu động ở tầng lớp trên cùng.
Fed ước tính rằng top 10% hộ gia đình Mỹ nắm giữ 69% của cải của cả quốc gia, tương đương 77.300 tỷ USD, tăng 60,9% từ cuối những năm 1980. Những người giàu có nhất đóng góp phần lớn cho mức tăng trưởng này. Vào tháng 6, top 1% những người giàu nhất nắm giữ 30,5% tài sản nước Mỹ, tăng từ 23,7% vào cuối năm 1989. Trong khi đó, tài sản của nửa dân số dưới cùng đã giảm từ 3,6% xuống còn 1,9%.