Dưới đây là 5 hệ thống vũ khí "cao tuổi" nhất của quân đội Mỹ.
1. M2 (1933)
Browning M2 là một loại súng máy lừng danh của Mỹ do nhà thiết kế John Browning tạo ra. Được phát triển khi Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt vừa mới nhậm chức (1933), Browning M2 đã được sử dụng ở gần như tất cả các cuộc chiến với tư cách là loại súng chống máy bay, chống bộ binh.
Khẩu súng nặng 38 kg với chiều dài 1,656 mm, vận tốc bắn 485- 635 viên/phút. Phiên bản được cải tiến M2A1 có kính ngắm đêm.
"Đã mắt, sướng tai" khi xem súng máy hạng nặng Browning M2 nhả đạn
2. B-52 (1954)
Máy bay ném bom B-52 được thiết kế bởi hãng Boeing và được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 1952 với tổng số lượng máy bay được chế tạo lên tới 744 chiếc.
Đây là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, sử dụng 8 động cơ phản lực cho phép nó bay với tốc độ cận âm. Mỗi chiếc B-52 có thể mang theo tổng cộng 32 tấn bom các loại và có tầm bay lên tới 14.800 km liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu trên không.
B-52 có phi hành đoàn 5 người, dài 48,5 mét, sải cánh rộng 56,4 mét, tốc độ tối đa 1047 km/h, tốc độ hành trình 844 km/h, bán kính chiến đấu 7200 km, tầm bay 16000 km và trần bay lên tới 15000 mét.
Trải qua hơn nửa thế kỷ phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ với vai trò như một cỗ máy chiến tranh hủy diệt đối phương, chiếc B-52 đã từng tham chiến ở rất nhiều mặt trận và chứng tỏ được sức mạnh của mình.
3. C-130 (1954)
Lockheed Martin C-130 Hercules là loại máy bay vận tải hạng trung hoạt động trong Không quân Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. C-130 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 23/8/1954, chính thức đưa vào trang bị ngày 9/12/1957, tính đến năm 2009 đã có trên 2.300 chiếc C-130 xuất xưởng.
Nhờ khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn từ các sân bay dã chiến nên ban đầu C-130 được thiết kế để làm máy bay vận tải, cứu thương và chuyển quân. C-130 Hercules có thời gian chế tạo dài nhất so với bất kỳ loại máy bay quân sự nào khác trong lịch sử hàng không thế giới.
Thông số kỹ thuật cơ bản của C-130 Hercules: Kíp lái 4 - 6 người; chiều dài 29,8 m; sải cánh 40,4 m; cao 11,6 m; trọng lượng rỗng 38.000 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 70.300 kg; tải trọng tối đa 20.000 kg hoặc 92 lính dù.
C-130 (phiên bản H) được trang bị 4 động cơ cánh quạt Allison T56-A-15 công suất 4.300 3.210 kW mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 610 km/h, tầm hoạt động 3.800 km, trần bay 10.000 m.
Phần thân C-130 có khả năng tùy biến khá linh hoạt khiến loại máy bay này đáp ứng được nhiều vai trò bao gồm máy bay yểm trợ hỏa lực hạng nặng, tìm kiếm cứu hộ, nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không và máy bay cứu hoả.
4. KC-135 (1956)
Boeing KC-135 Stratotanker là một loại máy bay tiếp nhiên liệu trên không của Mỹ được phát triển từ mẫu thử Boeing 367-80.
Máy bay chở dầu KC-135 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 31 tháng 8 năm 1956 và được đưa vào trang bị trong tháng 6 năm 1957.
Kể từ khi ra đời đến nay, KC-135 đã được hiện đại hóa rất nhiều lần với rất nhiều các biến thể như KC-135A, NKC-135A-B-C-D-E, NKC-135E, KC-135Q, KC-135R, KC-135R, KC-135T và EC-135Y. Đã có hơn 800 chiếc KC-135 cùng các biến thể được chế tạo và đi vào phục vụ trong không quân các nước.
KC-135 có khối lượng cất cánh tối đa 146.000 kg, chiều dài 41,53 m và sải cánh 39,88 m. Máy bay được trang bị 4 động cơ CFM International CFM56 (F108-CF-100) kiểu turbofan công suất 96,2 kN mỗi chiếc, cho phép nó đạt tốc độ tối đa 933 km/h và tốc độ hành trình 853 km/h trên độ cao 9 km.
KC-135 có thể mang tối đa 90.719 kg nhiên liệu và tầm bay đạt 2.419 km với 68.039 kg nhiên liệu. Trần bay của máy bay là 15.200 m.
5. U-2 (1956)
Lockheed U-2 Dragon Lady (hay còn có tên gọi TR-1) là loại máy bay trinh sát tầm cao, một động cơ phản lực thuộc biên chế Không lực (USAF) và Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).
Chiếc phi cơ này có khả năng hoạt động bất kể ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết ở độ cao rất lớn (trên 25.000 m) nhằm thu thập thông tin tình báo trong lãnh thổ đối phương.
Cùng với B-52, U-2 là một trong số ít máy bay đã phục vụ Quân đội Mỹ trên nửa thế kỷ, khi chính thức được giới thiệu từ năm 1954 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 1/8/1955.
Có tổng cộng 86 chiếc U-2 đã được sản xuất, mặc dù cả Không quân lẫn Hải quân Mỹ đều sử dụng U-2 nhưng CIA vẫn nắm quyền kiểm soát dự án. U-2 gây ấn tượng mạnh đến nỗi Không lực Mỹ quyết định thông qua CIA để mua sắm 31 chiếc cho riêng lực lượng mình.