Việt Nam hiện được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nhân Hàn Quốc. Luỹ kế đến tháng 9/2018, Hàn Quốc đã rót 61,4 tỷ USD vào 7.242 dự án, đứng số 1/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Ông Ban Won Ik, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp tiềm năng cao của Hàn Quốc (AHPEK) cho biết đã có sự chuyển hướng đầu tư của dòng vốn nước này từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Về mặt chính sách, đất nước hơn 90 triệu dân đang được xem là trọng tâm của chính sách "Làn gió phương Nam mới" cuả Hàn. Phía Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) nhận định doanh nghiệp Hàn đang có chiến lược đầu tư bài bản.
Tuy nhiên, khẩu vị của các doanh nghiệp trong tương lai sẽ thay đổi. "Xu hướng trong 30 năm qua chủ yếu vào bất động sản, cơ sở hạ tầng, sản xuất phục vụ xã hội, tuy nhiên, dự báo xu hướng đầu tư sẽ có chuyển biến rõ rệt", ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết nhân Hội nghị nhìn lại 30 năm FDI.
Để chuẩn bị cho tương lai của dòng vốn FDI, ông Ryu Hang Ha đưa ra 5 đề xuất cho phía Việt Nam nhằm "đóng góp vào sự phát triển cũng như mang lại hạnh phúc cho nhân dân đất nước này trong 30 năm tới.
Chủ tịch Kocham cho rằng thu hút đầu tư mới là quan trọng nhưng việc xây dựng môi trường đầu tư cũng quan trọng không kém. "Phải xây dựng môi trường tốt để các nhà đầu tư hiện tại có thể tiếp tục mở rộng làm ăn", ông nói.
Theo đó, thứ nhất, ông Ryu Hang Ha đề xuất việc các doanh nghiệp quan tâm đến tính linh hoạt trong sử dụng nguồn lao động. Ông đề nghị Luật Lao động cần giữ được vai trò kiến tạo môi trường kinh doanh mang tính thân thiện.
Thứ hai, ông Ryu Hang Ha nhận xét Việt Nam cần phải mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng để có được những hoạt động đầu tư chất lượng mang tính bổ sung.
Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nếu được duy trì, ông Ryu Hang Ha đặc biệt lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng thiếu điện – vốn là yếu tố vô cùng cần thiết để nhà máy hoạt động ổn định. Không chỉ nguồn điện, việc khai thác địa điểm xây dựng nhà máy và giá đất hợp lý cũng là một yếu tố quan trọng.
Theo đó, Việt Nam cần phải duy trì được mức giá mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực.
Cơ sở hạ tầng khác, ông Ryu Hang Ha cho biết cần phải nỗ lực trên nhiều góc độ như đường bộ, cảng, nước thải, môi trường lao động… "Nếu không thực hiện được cơ sở hạ tầng như kế hoạch đề ra thì sẽ làm trì hoãn toàn bộ nền công nghiệp, đồng thời có thể làm tổn hại lòng tin từ cộng đồng quốc tế", ông nói.
Thứ ba là vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực về khoa học, kỹ thuật. Năng lực người lao động được ông Ryu Hang Ha nhìn nhận như "hòn đá" ngăn cản chuyển giao công nghệ dù doanh nghiệp Hàn Quốc muốn thực thi.
"Theo một kết quả điều tra, nhóm các trường đại học trong top 20 của Việt Nam chủ yếu là quân đội, cảnh sát, kinh tế xã hội… các trường chuyên ngành kỹ thuật đang cho thấy tình trạng học sinh không mấy quan tâm", lãnh đạo Kocham chỉ ra hiện trạng.
Hiện Samsung, theo ông, đã có một số phương án đối phó. Công ty này đã và đang tiến hành đào tạo tập trung năng lực quản lý và kỹ thuật cho các công ty nhà cung cấp (Vendor) thông qua chương trình đào tạo cố vấn trong 12 tuần.
Khi chương trình học này kết thúc, cố vấn người Việt Nam sẽ lựa chọn phương pháp để truyền đạt lại chính xác nội dung đã được chuyển giao từ các kỹ sư trong công ty.
Một số kết quả tốt đã được ghi nhận, trong đó, ở một vài lĩnh vực, đặc biệt là năng suất đã được nâng cao trên 80%. Theo đó, ông Ryu Hang Ha cho rằng cần thu hút thêm các sinh viên vào các ngành khoa học, kỹ thuật trong tương lai.
Thứ tư, ông Ryu Hang Ha nói rằng ưu đãi về thuế là chưa đủ cho một môi trường đầu tư tốt. Thuế chỉ là một phần, theo đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và các doanh nghiệp ngoại nói chung quan tâm đến hạ tầng công nghệ thông tin được xây dựng, đáp ứng cho việc xử lý thủ tục hành chính nhanh, minh bạch.
Thứ năm chính là sự ổn định của pháp luật. Sự thay đổi Luật thường xuyên sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp rắc rối cũng như thủ tục hành chính không cần thiết.
"Chúng tôi mong rằng trước khi một luật nào đó được ban hành thì công tác chuẩn bị phải thực sự cụ thể và rõ ràng để loại bỏ các tranh cãi", ông nói và nhấn mạnh đến các chính sách ưu đãi thuế như thuế môn bài, thuế GTGT…cần được duy trì ổn định.