5 trực thăng độc nhất vô nhị trên boong tàu của Liên Xô và Nga

Thùy Linh |

Từ lâu, trực thăng đã “định cư” một cách vững vàng trên các boong tàu và ngày càng có vai trò quan trọng trong các trận hải chiến. Hiện nay, hầu hết các tàu tối tân đều được trang bị sàn đáp dành cho trực thăng. Nhưng để có thể làm được điều này, hàng nghìn nhà thiết kế, kỹ sư và phi công đã nỗ lực trong nhiều năm.

Cố gắng đầu tiên

Trực thăng Ka-10 là xuất phát điểm để Liên Xô phát triển sơ đồ đồng trục cho máy bay trực thăng. Ngoài ra, Ka-10 cũng là tiền đề của phi đội trực thăng trên boong tàu Liên Xô và nước Nga sau này.

5 trực thăng độc nhất vô nhị trên boong tàu của Liên Xô và Nga - Ảnh 1.

Trực thăng Ka-10 đáp xuống boong tàu tuần dương Maksim Gorky vào ngày 7-12-1950. Nguồn: tvzvezda.

Về thiết kế, Ka-10 có khung thân dài được tạo ra bởi các đường ống. Thay vì sở hữu các thiết bị hạ cánh, K-10 được trang bị hai ống khí bằng cao su, 1 động cơ phản lực cường độ thấp cùng cabin mở "đón" gió. Trực thăng Ka-10 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 30-8-1949. Và chính chiếc trực thăng này đã hạ cánh xuống boong tàu tuần dương Maksim Gorky vào ngày 7-12-1950.

Tháng 12-1952, chỉ huy Hạm đội Biển Đen và chỉ huy Không quân thuộc Hạm đội này đã ký văn bản đề nghị tiếp nhận Ka-10 vào trang bị của lực lượng không quân thuộc Hải quân.

Tuy nhiên, trong văn bản vào tháng 1-1953, Tư lệnh Không quân Liên Xô cho rằng, dù cho Ka-10 đã vượt qua được các đợt thử nghiệm nhưng vì loại trực thăng này có trọng tải hạn chế và thành phần kíp lái (chỉ có 1 phi công), không đủ để giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu nên việc đưa Ka-10 vào trang bị cho lực lượng không quân thuộc Hải quân là không thích hợp.

Sự khởi đầu

Mẫu trực thăng tiếp theo, hao hao giống các trực thăng trên boong tàu hiện đại, là trực thăng chạy bằng động cơ piston 2 chỗ ngồi - Ka-15. Loại trực thăng này có các đặc tính bay được chấp nhận và vượt trực thăng đa nhiệm Mi-1 ở một vài thông số (trọng tải, công suất lắp đặt).

Kích thước nhỏ gọn cho phép vận hành trực thăng Ka-15 từ boong tàu. Các đặc tính kỹ thuật-bay thu được trong quá trình thử nghiệm vượt xa so với lúc thiết kế.

Với trọng lượng cất cánh 1.410kg và công suất động cơ 280 mã lực, chiếc trực thăng nhỏ Ka-15 mang theo phi công và hành khách có thể chở 210kg hàng hóa. Tuy nhiên, trực thăng Ka-15 không có thiết bị dò tìm tàu ngầm và vũ khí thông thường.

5 trực thăng độc nhất vô nhị trên boong tàu của Liên Xô và Nga - Ảnh 2.

Ka-15 hạ cánh xuống sàn đáp dành cho trực thăng của tàu tuần dương Grozny. Nguồn: militaryrussia.

Từ năm 1957, Ka-15 bắt đầu tham gia phục vụ Hải quân Liên Xô. Do các sai sót về thiết kế nên trực thăng Ka-15 thường xuyên bị cấm bay. Tháng 5-1963, các chuyến bay của trực thăng Ka-15 đều bị đình chỉ. Để thông qua quyết định này, Hải quân Liên Xô đã đưa ra một vài lý do như Ka-15 có công suất lắp đặt thấp, không hiệu quả và độ tin cậy thấp.

Tuy nhiên, trong thời gian phục vụ ngắn ngủi, Ka-15 đã kịp đến thăm nhiều khu vực của Đại dương thế giới, trở thành "người tiên phong" trong phi đội trực thăng hải quân.

Người bảo vệ vùng biển đầu tiên

Trực thăng K-25 lần đầu cất cánh vào mùa xuân năm 1961 và trở thành minh chứng cho "sự trưởng thành" của Phòng thiết kế Kamov nói riêng và ngành hàng không Liên Xô nói chung. K-25 là máy bay trực thăng chiến đấu chuyên dụng đầu tiên và duy nhất của Liên Xô cho đến trước năm 1969.

Được chế tạo theo sơ đồ đồng trục 2 cánh quạt, trực thăng Ka-25 có 2 động cơ tuabin khí công suất lớn và 4 chân đỡ. Trực thăng Ka-25 được thiết kế để làm nhiệm vụ chống tàu ngầm nguyên tử của đối phương.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ chiến đấu và đảm bảo cho các chuyến bay trên biển, Ka-25 được trang bị radar Iniciativa-2M, một phần của hệ thống tìm kiếm mục tiêu Baikal. Ka-25 mang theo ngư lôi chống ngầm AT-1 và 4-8 quả bom chống ngầm nặng từ 50 đến 250 kg. Các máy bay trực thăng Ka-25 đã trung thành phục vụ trong Hải quân trong khoảng 30 năm.

5 trực thăng độc nhất vô nhị trên boong tàu của Liên Xô và Nga - Ảnh 3.

Ka-25 được thiết kế để làm nhiệm vụ chống tàu ngầm nguyên tử của đối phương. Nguồn: tvzvezda.

Tuy nhiên, các tính toán và thực tế cho thấy rằng công nghệ tìm kiếm thủy âm hydroacoustics của tàu ngầm tại thời điểm đó phát hiện được tiếng ồn của các chân vịt tàu ​​đối phương ở khoảng cách lên đến 300-400 km.

Do đó, các máy bay trực thăng, khi thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm phải hành động một cách độc lập, bất ngờ, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và cần phải phát hiện tàu ngầm ở khoảng cách 150-200 km.

Trong khi đó, khả năng chiến thuật của trực thăng phiên bản cải tiến Ka-25PL chỉ giới hạn trong phạm vi 100-150km. Vậy nên Hải quân Liên Xô cần một chiếc trực thăng mới.

Nối tiếp lịch sử

Kế thừa thiết kế thành công của Ka-25 là chiếc trực thăng chiến đấu đa nhiệm thế hệ tiếp theo Ka-27. Trực thăng Ka-27 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1973. Cùng với sự xuất hiện của Ka-27 trên các boong tàu, hệ thống chống ngầm Liên Xô đã hoạt động hiệu quả hơn.

Ka-27 cũng là trực thăng số hóa đầu tiên của Liên Xô. Thiết bị định vị vô tuyến là hệ thống radio định vị tầm gần A-324 và radar thuộc hệ thống tìm kiếm mục tiêu Octopus-PL.

Tổ hợp điều khiển máy bay của Ka-27 cho phép thực hiện chuyến bay trong chế độ tự động thông qua 5 điểm bay được lập trình trước. Thêm vào đó, trong khi bay, có thể thêm hoặc thay đổi các điểm thuộc tuyến đường bay trên bảng điều khiển nhập dữ liệu một cách nhanh chóng.

5 trực thăng độc nhất vô nhị trên boong tàu của Liên Xô và Nga - Ảnh 4.

Ka-27 - trực thăng số hóa đầu tiên của Liên Xô. Nguồn: tvzvezda.

Phiên bản cải tiến Ka-27PL có thể chiến đấu với tàu ngầm của đối phương một mình hoặc theo nhóm 4 trực thăng.

Được tích hợp trong hệ thống chiến đấu của Ka-27PL, thiết bị truyền dữ liệu Privod-SV-board cho phép các trực thăng thuộc nhóm chiến đấu và trực thăng vận chuyển trao đổi đầy đủ các dữ liệu điều hướng và chiến thuật. Ka-27PL được trang bị ngư lôi, tên lửa, bom và thậm chí còn là phương tiện chở vũ khí hạt nhân.

Vì lợi ích của Hải quân đã có một loạt có trực thăng mới được chế tạo trên nền tảng Ka-27: trực thăng tìm kiếm cứu nạn Ka-27PS, trực thăng đổ bộ của biệt kích hải quân và hỗ trợ hỏa lực Ka-29 và nhiều loại khác. Hiện tại, có khoảng 80 chiếc Ka-27PL và các phiên bản nâng cấp tiếp tục phục vụ hiệu quả trong thành phần lực lượng không quân thuộc Hải quân Nga.

Dù cho những ý tưởng trong thiết kế trực thăng Ka-27 tương đối hiện đại, nhưng trong thế kỷ 21, các máy bay trực thăng của Liên Xô cũng đã lỗi thời. Chiếc trực thăng này "già" đi và quan trọng nhất, "bộ não" của nó cũng trở nên kém "minh mẫn".

Hiện tại, Ka-27PL đang trải qua một chương trình hiện đại hóa lên tầm Ka-27M. Nền tảng vũ khí của trực thăng chống ngầm phiên bản cải tiến Ka-27M là hệ thống radar chỉ huy-chiến thuật.

Do đó, chiếc trực thăng được phát triển bởi Phòng thiết kế Kamov này vẫn sẽ phục vụ lâu dài trong thành phần Lực lượng hàng không Hải quân Nga, góp phần bảo vệ ranh giới biển của Nga trước các tàu ngầm của đối phương.

Đôi mắt săn mồi của "mãnh thú"

Trực thăng Ka-52 Alligator (Cá sấu) là "cái kết huy hoàng" của sơ đồ đồng trục. Thế giới đã chứng kiến một trực thăng siêu cơ động và đáng gờm được trang bị vũ khí hiện đại nhất. Ka-52 là trực thăng đầu tiên và duy nhất trên thế giới, được trang bị ghế phóng thoát hiểm cho phi công trong trường hợp máy bay gặp nạn.

"Tổ tiên" của cỗ máy chiến đấu khủng khiếp này là trực thăng tấn công một chỗ ngồi Ka-50 Black Shark (Cá mập đen). Tuy nhiên, chỉ huy Không quân Nga cho rằng, 1 phi công sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Do đó, Phòng Thiết kế Kamov đã chế tạo ra trực thăng hai chỗ ngồi Ka-52 Alligator.

5 trực thăng độc nhất vô nhị trên boong tàu của Liên Xô và Nga - Ảnh 5.

"Mãnh thú" Ka-52K của Hải quân Nga. Nguồn: tvzvezda.

Nhưng chiếc Ka-52 Alligator chỉ dành cho bộ binh, do đó Nga đã phát triển phiên bản dành cho hải quân mang tên Ka-52K Katran.

Để phù hợp với hoạt động trên boong tàu, trực thăng Ka-52K Katran được trang bị cánh quạt có thể gấp lại để tiết kiệm diện tích. Vật liệu sử dụng trong chế tạo khung thân trực thăng cũng được chọn lựa để ngăn ngừa khả năng bị ăn mòn khi hoạt động trên biển và kéo dài thời gian phục vụ của máy bay.

Ka-52K Katran có khả năng phát hiện và nhận diện mục tiêu ở khoảng cách xa gấp 1,5 lần so với phiên bản trên bộ Ka-52 Alligator.

Thêm vào đó, Ka-52K Katran được trang bị hệ thống radar Arbalet, hệ thống phòng thủ Vitebsk và một loạt các hệ thống thông minh khác cho phép giáng đòn tấn công mạnh mẽ vào kẻ thù vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và trong mọi điều kiện thời tiết.

Ka-52K Katran được trang bị 1 khẩu pháo 30mm, tên lửa dẫn đường và các quả bom hàng không cùng tên lửa chống tàu Kh-35V (U). Tên lửa Kh-35V (U) có thể tiêu diệt tàu của đối phương ở khoảng cách lên đến 260km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại