Nhắc đến các tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, hầu hết người đọc thường nhớ tới các nhân vật chính với võ công đứng đầu thiên hạ như Kiều Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá, Lệnh Hồ Xung hay Trương Vô Kỵ… Ít ai biết được rằng, trong tuyến nhân vật phụ, nhiều người cũng có võ công cái thế nhưng lại bị "dìm" thê thảm. Đó là những cao thủ nào?
Mộ Dung Phục
Trong Thiên long bát bộ, Mộ Dung Phục được miêu tả là một người có thiên phú về võ công. Mộ Dung Phục là hậu duệ của gia đình hoàng gia nước Yên thời Thập lục quốc. Mộ Dung Phục có khí phách hiển hách, võ công cao cường và tài trí hơn người.
Mộ Dung Phục là nhân vật có khí phách hiển hách, võ công cao cường và tài trí hơn người. (Ảnh: Sohu)
Khi vừa bước chân vào Trung Nguyên, Mộ Dung Phục đã có danh tiếng lẫy lừng trong giới anh hùng tuấn kiệt. Trong đại hội quần hùng giữa 36 động chủ và 72 đảo chủ để chống lại Thiên Sơn Đồng Lão. Mộ Dung Phục đã không ngại cứu Đồng Mỗ và Hư Trúc rơi từ trên núi cao xuống. Từ đó có thể thấy, Mộ Dung Phục rất xứng đáng với danh xưng "Nam Mộ Dung".
Võ công của Mộ Dung Phục được xếp ngang hàng với Tiêu Phong. Mộ Dung Phục thành thạo nhiều loại võ thuật nhưng không tập trung vào một thứ. Các môn võ mà Mộ Dung Phục tinh thông gồm Đẩu Chuyển Tinh Di, Đàm Thoái, Mộ Dung Kiếm Pháp, Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao.
Tuy nhiên dù thực tài có cao tới đâu thì Mộ Dung Phục vẫn lép vế trước Kiều Phong, Đoàn Dự. Khi chơi ván cờ Trân Lung, Mộ Dung Phục cũng vì quá nhiều sân si mà y bị tẩu hỏa nhập ma, phải nhờ Đoàn Dự mới có thể thoát việc đưa kiếm tự vẫn.
Võ công của nhân vật Mộ Dung Phục được xếp ngang hàng với Tiêu Phong. (Ảnh: Sohu)
Mộ Dung Phục đánh với Đoàn Dự ngu ngơ đang bị che mắt mà hơn trăm chiêu cũng chẳng thể chạm vào đối phương. Thậm chí, Mộ Dung Phục còn bị Đoàn Dự dùng Lục Mạch thần kiếm suýt lấy mạng; nhưng nhờ Vương Ngữ Yên xin mới giữ được mạng sống. Thay vì tạ ơn, Mộ Dung Phục lại định đánh lén, nghĩ ra nhiều mưu hèn kế bẩn.
Sau nhiều lần thất bại trong, Mộ Dung Phục đã hóa điên và không làm chủ được bản thân của mình. Mộ Dung Phục luôn nuôi chí khôi phục lại giang sơn và bất chấp thủ đoạn nên mới biến thành người bị cả thiên hạ chê cười.
Kim Luân Pháp Vương
Trong truyện, Kim Luân Pháp Vương là Đệ nhất quốc sư Mông Cổ, và là nhân vật phản diện trung tâm. Kim Luân Pháp Vương có võ công vô cùng thâm hậu, là bậc kỳ tài võ học ít ai sánh kịp.
Kim Luân Pháp Vương là nhân vật có võ công vô cùng thâm hậu, là bậc kỳ tài võ học ít ai sánh kịp. (Ảnh: Sohu)
Lần đầu tiên Kim Luân Pháp Vương xuất hiện là tại Anh hùng đại yến. Tại đây lão cùng 2 đệ tử là Hoắc Đô và Đạt Nhĩ Ba tỉ thí võ công với các cao thủ võ lâm Trung Nguyên nhằm trở thành đệ nhất minh chủ võ lâm. Tuy nhiên, Kim Luân Pháp Vương dù nổi tiếng với món võ công rất lợi hại mang tên Ngũ luân, song bị khắc chế bởi Song kiếm hợp bích của Dương Quá và Tiểu Long Nữ khiến lão đã thất bại thảm hại.
Theo mô tả của Kim Dung, Kim Luân Pháp Vương bị "át vía", thủ nhiều công ít, thi thoảng mới đánh được 1 chiêu. Đến năm sáu mươi chiêu, lão chỉ thủ không công, rốt cục bị thương mấy chỗ. Thậm chí ngay từ những đường kiếm đầu tiên, Tiểu Long Nữ đã có thể đâm kiếm liên tục vào ngực của Kim Luân Pháp Vương. Tiểu Long Nữ càng đánh càng hay, còn Kim Luân Pháp Vương càng đánh càng tệ. Tiểu Long Nữ dù nội công bình thường nhưng vẫn có thể đả bại Đệ nhất quốc sư Mông Cổ một cách tâm phục khẩu phục.
Kim Luân Pháp Vương đã luyện thành Long Tượng Ban Nhược Công. (Ảnh: Sohu)
16 năm sau, Kim Luân Pháp Vương đã luyện thành Long Tượng Ban Nhược Công, môn công phu bí truyền của phái Mật Tông ở Tây Tạng. Long Tượng Bát Nhã Công gồm có 13 tầng. Môn võ công này càng về sau càng khó hơn, thường thường tốn ba chục năm khổ luyện. Mười ba tầng Long Tượng Bát Nhã Công chưa có ai luyện được đến tầng thứ mười. Chỉ duy nhất Kim Luân Pháp Vương là có thành tựu cao nhất. Kim Luân Pháp Vương đúng là một bậc kỳ tài hiếm thấy nhiều đời trong phái Mật Tông. Lão khổ luyện, tiến cảnh cực nhanh, cuối cùng vượt qua được tầng thứ 9 cam go, đạt đến tầng thứ 10, võ công đã sánh ngang với Ngũ Tuyệt Trung Nguyên, tự cổ kim chưa từng có.
Nhưng Kim Luân Pháp Vương trong lần cùng 3 cao thủ Mông Cổ vây đánh Quách Tĩnh, khi Tiêu Tương Tử phóng độc sa thiềm từ cây bổng của mình, gã chỉ hít sơ sơ 1 chút mà đã tức ngực nôn nao. Trong khi đó dù có công lực thấp hơn, Quách Tĩnh lại cảm thấy như "chuyện bình thường". Nếu xét theo những lần thua này thì e rằng thực lực của Kim Luân Pháp Vương còn thua kém Ngũ Tuyệt rất nhiều.
Gia Luật Tề
Gia Luật Tề là một nhân vật trong bộ tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp. Gia Luật Tề là con trai thứ hai của Gia Luật Sở Tài, khi chàng còn nhỏ đã bái Chu Bá Thông làm sư phụ, tức ngang hàng với Toàn Chân thất tử dù tuổi tác kém xa, tuy nhiên do càng lớn, Gia Luật Tề càng đoan chính, không thích đùa giỡn mà Lão ngoan đồng Chu Bá Thông vốn là một cao thủ, nhưng lại là người có tâm hồn của một đứa trẻ ngây thơ, trong sáng nên ông cấm không cho chàng gọi ông là sư phụ.
Gia Luật Tề là một nhân vật trong bộ tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp. (Ảnh: Sohu)
Sau khi Lỗ Hữu Cước của Cái bang bị ám hại, mọi người tổ chức thi đấu võ để chọn bang chủ mới và Gia Luật Tề đã trấn áp được quần hùng (nhờ có sự trợ giúp của Thần điêu đại hiệp Dương Quá) và được mọi người bầu làm bang chủ thứ 21 của Cái Bang và được truyền thụ Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp.
Gia Luật Tề đã trấn áp được quần hùng và được mọi người bầu làm bang chủ thứ 21 của Cái Bang. (Ảnh: Sohu)
Trong Thần điêu đại hiệp cố nhà văn Kim Dung không nói rõ khả năng tiếp thu võ công của Gia Luật Tề thế nào. Khi được Quách Tĩnh truyền thụ Hàng Long Thập Bát Chưởng thì Gia Luật Tề chỉ lĩnh hội chỉ được 14 chiêu, trong khi đó xét về ngộ tính lúc học và tu vi nội công của Quách Tĩnh không quá cao nhưng chỉ 1 tháng đã lĩnh hội được 15 chiêu. Như vậy, nếu không phải là bị "dìm hàng" thì một người thuở nhỏ đã là đệ tử của Chu Bá Thông nhưng lại chẳng thể học hết Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp như Gia Luật Tề chẳng phải tư chất quá kém sao?
Du Thản Chi
Du Thản Chi là một nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ. Du Thản Chi là con trai của Du Ký - một trong Du Thị Song Hùng, Là thiếu trang chủ Tụ Hiền trang. Về sau, gia cảnh biến cố, y gia nhập Cái Bang, đoạt được chức bang chủ Cái Bang, lại bái Đinh Xuân Thu, chưởng môn phái Tinh Tú làm sư phụ.
Du Thản Chi là một nhân vật có số phận bi thảm trong Thiên long bát bộ. (Ảnh: Sohu)
Du Thản Chi vốn là kẻ có thân thể yếu ớt, võ học tầm thường lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, sau khi gia đình gặp biến cố, Du Thản Chi phiêu dạt giang hồ, bất ngờ luyện được Yoga (Du già thuật) nhờ vậy mà thoát chết. Về sau càng bất ngờ hơn y vô tình hút hết chất độc của Băng Tằm ngàn năm nên trong mình vừa mang nội công thượng thừa, vừa có tính âm độc của Băng Tằm, đồng thời vạn độc bất xâm.
Du Thản Chi phiêu dạt giang hồ, bất ngờ luyện được Yoga (Du già thuật) nhờ vậy mà có võ công cái thế. (Ảnh: Sohu)
Trong một lần Du Thản Chi vô tình gặp và kết giao với Toàn Quán Thanh, gia nhập Cái Bang, nhờ có nội công thượng thừa y đoạt được chức bang chủ trở thành Bang chủ đời thứ 9 của Cái Bang. Khi làm Bang chủ Cái Bang, y được A Tử truyền dạy cho một số công phu độc môn của phái Tinh Tú, tuy nhiên sự lợi hại của y vẫn xuất phát từ nội công âm hàn thượng thừa.
Cũng tại Thiếu Lâm Du Thản Chi gặp lại Tiêu Phong, y đã giao thủ với Tiêu Phong nhưng dù võ công cao đến đâu, y vẫn bại trận, thù cha không trả được, A Tử lại bị Tiêu Phong giao cho cha mẹ nàng, chức vị bang chủ Cái Bang thì bị tước đoạt.
Cầu Thiên Nhẫn
Cầu Thiên Nhẫn hay còn gọi là Cừu Thiên Nhận hoặc Cừu Thiên Nhậm là nhân vật trong tác phẩm Anh Hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung. Cừu Thiên Nhận là Bang chủ Thiết Chưởng Bang. Cừu Thiên Nhận có biệt hiệu là Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu, nổi tiếng với tuyệt chiêu "Thiết Chưởng" và công phu "Thủy thượng phiêu" (môn khinh công đi trên mặt nước).
Cầu Thiên Nhẫn là nhân vật được miêu tả là chỉ thua kém Tứ tuyệt một chút. (Ảnh: Sohu)
Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Cầu Thiên Nhẫn được miêu tả là chỉ thua kém Tứ tuyệt một chút. Công phu Thiết Chưởng của lão so với Nhất Dương Chỉ của Nhất Đăng Đại Sư cũng ngang ngửa. Nếu toàn lực thi triển Nhất Dương Chỉ thì Nam Đế có thể thắng công phu Thiết Chưởng một, hai chiêu thức.
Thế nhưng, trong Thần Điêu Hiệp Lữ, khi đấu với Đoàn Trí Hưng, Cầu Thiên Nhẫn dùng tuyệt kỹ nổi danh đánh tớ 14 chưởng mới khiến Đoàn Trí Hưng bị thương.
Cầu Thiên Nhẫn dùng tuyệt kỹ nổi danh đánh tớ 14 chưởng mới khiến Đoàn Trí Hưng bị thương. (Ảnh: Sohu)
Trong một lần, Dương Quá nhảy vào can rồi hai bên đánh nhau, chẳng ngờ đến trăm chiêu, Cầu Thiên Nhẫn cảm thấy kình lực của đối phương không ngừng gia tăng, dần chống đỡ không nổi phải chịu thua. Như vậy, Cầu Thiên Nhẫn dù được đánh giá mạnh ngang ngửa Tứ tuyệt mà thua kém cả Dương Quá và Đoàn Trí Hưng thì chỉ có thể do võ công không mạnh hoặc bị "dìm hàng" mà thôi.