Theo Margot Machol Bisnow - một chuyên gia nuôi dạy con chia sẻ, cha mẹ thời hiện đại cần dạy trẻ sự tò mò, ham khám phá để bé đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
Để chứng minh lời khuyên của mình là đúng, vị chuyên gia đã tiến hành phỏng vấn hơn 70 phụ huynh nuôi dạy con thành đạt. Mẫu số chung của các gia đình này là họ đều dạy cho trẻ sự tò mò và khám phá. Sự yêu thích cái mới thể hiện ở việc trẻ cố gắng mày mò, sửa chữa và tìm hiểu bất cứ thứ gì ở xung quanh nó. Không những thế, đứa trẻ còn liên tục đặt ra những câu hỏi về thế giới xung quanh mình. Chính những điều này giúp cho con thông minh hơn, có suy nghĩ sâu sắc và chín chắn hơn. Bé sẽ không phán xét quá nhanh và biết cách đưa ra các giải pháp sáng tạo.
Dưới đây là một số cách cha mẹ khơi dậy sự tò mò, ham khám phá của trẻ
1. Khuyến khích con tự sửa chữa mọi thứ
Tự lập hơn trong những việc đơn giản hằng ngày mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ là một phần quan trọng và tự nhiên của quá trình trưởng thành. Trẻ em nên được khuyến khích tự lập và có trách nhiệm với nhiều trải nghiệm khác nhau. Việc cha mẹ gợi ý co con sửa chữa mọi thứ có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề. Nếu như có một món đồ chơi, hoặc một vật bị hỏng phù hợp với trẻ, ba mẹ hãy để bé tự giải quyết. Đây là cơ hội tốt để dạy con.
Có nhiều ông bố bà mẹ không thể kiên nhẫn chờ trẻ làm việc gì đó. Họ cho rằng mình "làm cố" cho xong. Để trẻ làm có khi cha mẹ phải dọn dẹp phiền hà, mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, nếu như trẻ không có giai đoạn tự mày mò, khám phá thì con chẳng thể nào làm được việc gì hết. Trẻ sẽ sinh ra tâm lý chờ đợi bố mẹ làm cho mình. Dần dần, con trở nên thụ động, ỉ lại và mất đi tự tò mò, khả năng sáng tạo.
2. Động viên con giải quyết các vấn đề lớn xung quanh mình
Trẻ càng lớn thì càng có nhiều vấn đề cần con giải quyết. Thông qua việc tự giải quyết các vấn đề xung quanh mình sẽ giúp trẻ chịu khó học hỏi, khám phá khơi dậy trí tò mò về sự vật, sự việc để có thể đưa ra quyết định đúng. Vì vậy cha mẹ nên động viên con giải quyết các vấn đề của mình. Có thể lần đầu con chưa làm hoàn hảo ngay, nhưng cha mẹ đừng vội nổi giận, mất kiên nhẫn. Khi bé bắt tay vào làm, con mới vỡ lẽ ra nhiều bài học. Chính những điều này sẽ giúp con trưởng thành hơn. Chủ động giải quyết các vấn đề lớn nhỏ của bản thân trong cuộc sống sẽ giúp trẻ tự tin, bản lĩnh và dễ thành công hơn. Con cũng sẽ tự lập hơn và chủ động phát triển bản thân để có phù hợp hơn với mọi việc.
3. Đặt ra những câu hỏi khó
Khi thường xuyên đặt cho trẻ những câu hỏi, cha mẹ đã phần nào khuyến khích con liên tục phải suy nghĩ để tìm câu trả lời. Từ đó não bộ của trẻ được kích thích. Suy nghĩ của trẻ con thường khác với người lớn. Đôi khi trẻ sẽ đưa ra những câu trả lời thú vị, thể hiện sự sáng tạo của trẻ. Có thể câu trả lời không phải là 1 đáp án đúng nhưng cha mẹ đừng vội phủ nhận. Hãy lắng nghe con giải thích vì sao bé có lựa chọn như vậy. Chính việc tôn trọng suy nghĩ của trẻ cũng là cách khơi dậy sự tò mò, ham khám phá của bé. Con sẽ ngày càng tự tin bộc lộ bản thân hơn. Ba mẹ thường xuyên đặt những câu hỏi sâu cho thấy họ tôn trọng khả năng phán đoán của con mình, giúp chúng xây dựng sự tự tin. Những câu hỏi cũng giúp con trẻ suy nghĩ sâu về vấn đề, từ đó biết cân nhắc giữa những trường hợp, sự đánh đổi và kết quả khác nhau.
4. Kể những câu chuyện có kết thúc mở
Trẻ con thường rất thích nghe người lớn kể truyện, đặc biệt là những câu truyện có tính li kỳ, huyền ảo. Cha mẹ nên kể truyện cho con nghe trước giờ đi ngủ. Như vậy tình cảm giữa phụ huynh và các bé cũng trở nên gần gũi hơn. Để các câu chuyện có tính cuốn hút và hấp dẫn hơn với trẻ, cha mẹ có thể kể các câu chuyện có kết thúc mở và để trẻ tưởng tượng ra cái kết của câu chuyện. Sự sáng tạo của trẻ sẽ làm bạn thực sự bất ngờ đó!
5. Hãy để trẻ được sống là chính mình
Cha mẹ sẽ cảm thấy khá bất tiện với những điều con muốn khám phá và thế là ngăn cản chúng. Việc để trẻ được làm điều mình muốn sẽ rất khó khăn vì có thể con sẽ làm hỏng, bày bừa, gây rắc rối..., nhưng phụ huynh hãy để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng của mình miễn là điều này không nguy hiểm. Việc người lớn ngăn cấm trẻ không được làm những gì chúng nghĩ sẽ cản trở sự tò mò, ham khám phá của trẻ.