Từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề sau thế chiến thứ 2, phải nhận trợ cấp của Unicef, không sở hữu nguồn tài nguyên phong phú nào ngoài gỗ, quặng đồng và thủy điện, Phần Lan đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Nơi đây sở hữu những chỉ số đáng ngưỡng mộ như: GDP bình quân đầu người lên tới hơn 45.000 USD (2017), tuổi thọ trung bình cao, (78 tuổi với nam giới và 84 tuổi với nữ giới), tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới, phúc lợi xã hội tốt, hệ thống cảnh sát và ngân hàng đáng tin cậy bậc nhất.
Trong buổi giới thiệu sách "Những sáng kiến Phần Lan" do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức sáng 30/10, giáo sư, nhà biên soạn Ilkka Taipale đã tiết lộ 5 bí quyết đứng sau những thành tựu đáng ngưỡng mộ trên của Phần Lan.
Bí quyết thứ nhất chính là ở hệ thống giáo dục. Theo đó, hệ thống giáo dục của Phần Lan hoàn toàn miễn phí cho trẻ em kể từ lúc 6 tuổi cho tới khi vào đại học. Phần Lan cũng đang cân nhắc để tiến tới miễn phí cho bậc mầm non.
Giáo sư Ilkka Taipale.
Thứ 2 là quyền tự chủ của các đơn vị hành chính. Giáo sư Taipale cho biết chính phủ Phần Lan giao quyền tự trị cho các tỉnh thành để họ tự quyết định chính sách và các vấn đề liên quan đến đóng thuế.
"Chỉ có 2 mảng không chịu sự quản lý của tỉnh thành mà do chính phủ quản lý, đó là cảnh sát và các trường đại học".
Thứ 3 là bình đẳng giới. Theo giáo sư, Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ và cũng như cơ hội để họ giữ những vị trí then chốt trong quốc hội. Hiện tại ở Phần Lan, phụ nữ chiếm 40% số ghế trong quốc hội và tỷ lệ nữ giới trong chính phủ là 50%.
Thứ 4 là số lượng các tổ chức phi chính phủ (NGO) khổng lồ. Cụ thể Phần Lan có khoảng 100.000 tổ chức NGO, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Một cá nhân sẽ không thể trở thành chính trị gia nếu không là thành viên của ít nhất 20 tổ chức NGO, cũng như chủ tịch của ít nhất 3 tổ chức.
Cuối cùng và theo giáo sư Taipale, cũng là quan trọng nhất: Sự đồng thuận và niềm tin của cả xã hội. Giáo sư cho biết ở Phần Lan có 4 đảng phái, nhưng các đảng phái này không cạnh tranh loại trừ lẫn nhau mà cùng thành lập ra các liên minh để thảo luận về mọi chính sách trong xã hội.
Người Phần Lan có niềm tin "với tất cả thành viên trong xã hội, tin tưởng hàng xóm, tin tưởng những người hoạch định chính sách, tin tưởng Chính phủ", đồng thời "đóng thuế vào ngân sách trên tinh thần tự nguyện và vui vẻ".
Nhà biên soạn cũng chia sẻ một thí nghiệm rất hay. Ở Phần Lan, khi ông cùng cộng sự làm thí nghiệm vứt 100 ví tiền trên phố thì tới 95% số đó được người dân nộp cho sở cảnh sát. Hay theo một cuộc thử nghiệm về tính trung thực toàn cầu, cứ 12 chiếc ví bị cố tình bỏ quên ở thủ đô Helsinki thì có 11 chiếc được trả lại cho chủ nhân.
Tuy nhiên vị giáo sư cũng thừa nhận bản thân Phần Lan không phải quốc gia hoàn hảo. Nơi đây vẫn có những vấn đề cần giải quyết như khoảng 10% dân số thất nghiệp, tỷ lệ cao thứ 2 trong EU chỉ sau Bulgary, vấn đề về biến đổi khí hậu, tội phạm công nghệ cao,...
Tại buổi giới thiệu sách, giáo sư Taipale cho biết ông không có ý khuyến khích các quốc gia khác, kể cả Việt Nam, làm theo những sáng kiến của Phần Lan cũng như không có lời khuyên cụ thể nào cho Việt Nam cả.
Ông nhấn mạnh: "Việt Nam có thể làm điều tương tự, có thể có tới 1000 sáng kiến khác nhau vì lịch sử và nền văn minh của Việt Nam dài hơn chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi chỉ có 200 năm lịch sử còn Việt Nam đã có hàng nghìn năm rồi".
"Tuy nhiên, tôi nghĩ các bạn đừng đợi cho đến khi giàu có mới giúp đỡ người nghèo. Ngay bây giờ, các bạn ta cần có chính cách, chế độ phúc lợi tốt để không tạo ra khoảng cách quá xa giữa người giàu và người nghèo", giáo sư khẳng định.