Tại buổi tiếp xúc với các Đại biểu Quốc hội TP HCM sáng 5-5, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM), cho rằng đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm của dự thảo Luật BHXH sửa đổi là nhằm mục đích tăng số lượng người được hưởng chế độ hưu trí và giảm số lao động rút BHXH một lần.
Tuy nhiên, đa phần người lao động hiện nay xem khoản đóng BHXH là khoản tích lũy và sẽ rút ra bằng mọi giá. Do vậy, dù giảm số năm đóng BHXH giảm xuống còn 10 năm thì khi làm việc được 9 năm người lao động cũng sẽ nghỉ việc và rút BHXH một lần. Nên việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí nhằm hạn chế người lao động rút BHXH một lần là không khả thi. "Nếu nhất thiết phải giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí xuống còn 15 năm như dự thảo thì cần xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động như trước đây, tức nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi"- ông An kiến nghị.
Bạn đọc Nguyễn Bá Thành bày tỏ: "Luật có nhắc tới người đóng muộn vậy thử hỏi ở độ tuổi 45- 47 tuổi có doanh nghiệp nào tiếp nhận mà đóng BHXH?". Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Thị Thạnh đặt vấn đề: "Nếu Bộ LĐ –TB - XH muốn bảo vệ tuổi nghỉ hưu cho cán bộ công chức thì nên tách khối công nhân trực tiếp lao động sản xuất ra (kể cả viên chức ngành giáo dục và y tế miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, cắm bản bám làng...) bởi những đối tượng này 45-50 tuổi là đã hết hơi, ngoắc ngoải rồi. Họ không thể tiếp tục làm việc cho đến 60-62 tuổi đâu, dù họ còn sức và muốn làm cũng không ai để cho họ làm, vì năng suất không bằng người trẻ, lại thâm niên nên phải trả lương cao. Cho họ nghỉ, tuyển dụng người trẻ doanh nghiệp lợi hơn nhiều. Bộ LĐ-TB-XH thừa hiểu điều đó, nhưng sao vẫn duy ý chí.
Bạn đọc Phạm Văn Hải phân tích: "Theo tôi các công ty xí nghiệp, cứ tới 45 tuổi đến 50 tuổi là họ đã tìm đủ mọi cách để cho nghỉ việc rồi, dù có đủ 20 năm thì đâu có xin việc cũng chẳng có nơi nào nhận. Vậy đợi đủ 62 tuổi, còn thời gian đợi chờ không, biết lấy gì ăn. Theo tôi giảm tuổi nghỉ hưu là cần thiết". Bạn đọc Nguyễn Hữu Hùng góp ý: "Nên quy định số năm đóng BHXH tối thiểu là 20 năm với điều kiện tuổi tối thiểu theo tính chất lao động, ít nhất là 55 tuổi đối với lao động nặng nhọc… để được hưởng lương hưu, đóng càng cao thì mức hưởng càng lớn và không trừ % so với tuổi nghỉ hưu quy định trong Bộ luật Lao động.
Theo nhiều bạn đọc, nên thiết kế lại định mức đóng, hưởng, thời gian đóng, thời gian hưởng đừng theo lối mòn xưa cũ trong khi điều kiện xã hội hiện nay đã khác. Độ tuổi làm việc chỉ là căn cứ để quy định tất cả những người lao động trong tuổi này phải đóng BHXH. Còn nghỉ hưu thì nên để cho người lao động tự quyết định căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe bản thân và người thân.
"BHXH không bảo đảm được điều kiện làm việc, công việc xuyên suốt quá trình lao động cho người lao động thì tại sao lại quy định tuổi nghỉ nghỉ hưu. BHXH chỉ cần đưa ra quy định đóng bao nhiêu năm thì được lương hưu và khi người lao động đóng đủ số năm đó thì đương nhiên được nghỉ hưu, mức đóng, mức lương hưu, thời gian được lĩnh lương hưu....là đủ. Còn làm gì làm bao lâu là quyền của người lao động vì BHXH không can thiệp gì được vào quá trình đó" – một bạn đọc viết.
Một bạn đọc giấu tên nêu phương án: "Tôi đồng ý đóng đủ 35 năm được quyền nghỉ hưu hưởng 75 %, ai đóng nhiều hưởng nhiều đóng ít hưởng ít. Với bạn đọc Nguyễn Đăng Khoa, cứ nam 55, nữ 50 đóng đủ 25 năm BHXH ai có nhu cầu nghỉ hưu thì cho nghỉ và trừ %. Còn muốn hưởng đủ 75% thì theo qui định hiện hành". Bạn đọc Nguyễn Phước Hậu góp ý chi tiết hơn: "Để giảm rút BHXH 1 lần, tôi có ý kiến cá nhân như sau: 1.Giữ nguyên số năm đóng BHXH là 20 năm mới được lãnh lương hưu. 2.tuổi lãnh lương hưu do người lao động chọn theo khung qui định: 2.1 nghỉ hưu 50 tuổi thì sẽ được lãnh % ít. 2.2 nghỉ hưu 55 tuổi thì được lãnh % nhiều hơn tí. 2.3 nghỉ hưu 60 tuổi thì được lãnh % nhiều hơn".