4 vị Tướng top đầu của TT Putin
Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (JF), tư duy tác chiến của các sĩ quan quân đội cấp cao nhất thuộc Quân đội Nga đến từ những kinh nghiệm được chia sẻ trong các hoạt động quân sự ở Syria.
Chiến dịch ở Syria được sử dụng như một cơ hội huấn luyện diện rộng, bao gồm cả những thử nghiệm quân sự quan trọng, và nó đã giúp nâng cao kinh nghiệm, cũng như sự tự tin [một số phía cho là ‘tự tin thái quá’] của các sĩ quan Nga.
Thật vậy, trong các tuyên bố công khai, các cuộc phỏng vấn hay những bài báo đề cập gián tiếp, các sĩ quan cấp cao của Nga luôn đề cập tới những "bài học kinh nghiệm" từ Syria.
5 Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp của Nga (OSK), được phân bổ theo hệ thống Quân khu, trong đó mỗi Tư lệnh OSK được trao quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các lực lượng an ninh quân sự trực thuộc Quân khu dưới quyền ông ta (trừ một số bộ phận được chỉ định dưới quyền Bộ Tổng tham mưu).
Những Bộ chỉ huy này bao gồm Hạm đội phương Bắc và các OSK miền Đông, miền Nam, miền Tây, miền Trung. Trong đó, chỉ huy của 4 OSK là những cái tên thu hút nhiều sự chú ý.
Thượng tướng Aleksandr Zhuravlyov. Ảnh: Wiki
Thượng tướng Aleksandr Zhuravlyov được bổ nhiệm làm chỉ huy của OSK miền Tây vào tháng 11/2018. Từ tháng 7/2016-12/2016, ông giữ vị trí là chỉ huy nhóm tác chiến của Nga ở Syria, sau đó được trao danh hiệu "Anh hùng Nga".
Ông Zhuravlyov từng có thời gian ngắn giữ chức vụ Tư lệnh OSK miền đông trước khi được tái bổ nhiệm làm chỉ huy các lực lượng Nga tại Syria từ tháng 1/2018- 11/2018.
Thượng tướng Aleksandr Lapin. Ảnh: Wiki
Thượng tướng Aleksandr Lapin được bổ nhiệm làm chỉ huy OSK miền Trung vào tháng 11/2017. Đầu năm đó, ông Lapin giữ chức vụ tham mưu trưởng nhóm lực lượng Nga ở Syria, trước khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Học viện Vũ khí Liên hợp ở Moscow.
Từ tháng 10/2018 – 1/2019, ông Lapin đã chỉ huy lực lượng Nga ở Syria.
Thượng tướng Aleksandr Chaiko. Ảnh: Wiki
Thượng tướng Aleksandr Chaiko, chỉ huy OSk trẻ nhất (50 tuổi) của Nga, được bổ nhiệm làm lãnh đạo OSK miền đông vào tháng 11/2021. Ông Chaiko là tham mưu trưởng đầu tiên của các lực lượng Nga tại Syria vào năm 2015.
Trong hai giai đoạn, từ tháng 9/2019-11/2020, và từ tháng 2/2021-6/2021, ông Chaiko giữ chức vụ chỉ huy các lực lượng Nga ở Syria.
Thống tướng Aleksandr Dvornikov (phải) và Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Đại tướng Aleksandr Dvornikov đã chỉ huy lực lượng OSK miền nam.
Tháng 9/2015, ông Dvornikov trở thành chỉ huy đầu tiên của lực lượng Nga tại Syria, và được trao tặng danh hiệu "Anh hùng Nga" vào ngày 17/3/2016.
Tháng 7/2016, ông Dvornikov được bổ nhiệm làm quyền chỉ huy lực lượng OSK miền nam, sau đó trở thành chỉ huy chính thức vào ngày 20/9/2016.
Ngày 23/6/2020, ông Dvornikov được thăng quân hàm Đại tướng - Theo JF, đây là một sự khác biệt rất lớn khi chỉ có rất ít các Tướng hiện đang phục vụ quân đội Nga mang quân hàm này, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov, Tư lệnh Lục quân Oleg Salyukov, và Tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Sergei Surovikin.
Cấp bậc, kinh nghiệm và tuổi tác của của Dvornikov (61 tuổi) cho thấy ông là ứng cử viên nặng ký cho vị trí Tổng tham mưu trưởng tiếp theo của Nga.
Kinh nghiệm tác chiến ở Syria
4 vị tướng này có điểm chung là những người giỏi chiến đấu, có kinh nghiệm giám sát các hoạt động của Nga ở Syria. Trong đó, Tướng Dvornikov được đánh giá là một nhân vật quan trọng, và cũng là người có nhiều phát ngôn gây chú ý về hoạt động của Nga ở Syria.
Trong ấn phẩm năm 2018 của Vestnik, tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga, ông Dvornikov đã ca ngợi màn thể hiện của Nga ở Syria như một chiến dịch không-bộ thành công rực rỡ của Moscow, dù chiến dịch này chủ yếu do Quân đội Ả Rập Syria (SAA) thực hiện với sự hướng dẫn của sĩ quan Nga.
Ông cho biết, chiến dịch này đã khai thác mô hình kết hợp giữa lực lượng Nga, Syria và các lực lượng khác, tạo thành một "nhóm kết hợp".
Các "nhóm kết hợp này" thực hiện những cuộc tấn công nhằm làm giảm "tiềm lực kinh tế của đối phương", "tác động về mặt thông tin và tâm lý" đối với đội hình đối địch để làm suy yếu "trạng thái tinh thần và tâm lý của họ", hỗ trợ các hoạt động tác chiến có tính cơ động cao theo các hướng riêng biệt.
Người dân Syria vui mừng trước chiến thắng của quân đội chính phủ và đồng minh tại chiến địa Aleppo ngày 22-12 - Ảnh: Getty
Nói riêng về Aleppo, ông Dvornikov cho biết, vì mục tiêu "tác động hỏa lực liên tục lên đối phương", các chiến thuật tấn công đã được lực lượng Nga-Syria sử dụng liên tục trong cả ngày lẫn đêm, không có sự gián đoạn nào.
Một nhóm lực lượng phòng thủ đã được thiết lập ở vòng ngoài. Lực lượng hàng không được triển khai để tấn công các mục tiêu và các đội hình khủng bố nằm dọc vòng ngoài này.
Nhìn chung, Dvornikov nhận xét rằng các hoạt động của Nga ở Syria đã thuyết phục Bộ Tổng tham mưu về giá trị của "đối đầu thông tin". Ông Dornikov khẳng định, "Trên thực tế, tài nguyên thông tin đã trở thành một trong những vũ khí hiệu quả nhất.
Việc sử dụng rộng rãi chúng cho phép làm thay đổi tình hình từ bên trong chỉ trong vài ngày. Ví dụ, trong chiến dịch giải phóng Aleppo, công tác thông tin với người dân địa phương đã giúp giải phóng toàn bộ khu vực lân cận mà không xảy ra giao tranh và rút hơn 130.000 dân thường khỏi khu vực này.
Không rõ ông Dornikov sẽ áp dụng kinh nghiệm từ Syria như thế nào trong các nhiệm vụ sắp tới. Tuy nhiên, theo JF, những gì hiệu quả ở Syria chưa chắc đã phát huy điều tương tự ở nơi khác, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Các tướng lĩnh hàng đầu của Nga có lẽ cũng cần xác định rằng họ có thể sẽ không gặp được những lợi ích đã giúp họ thành công ở quốc gia Cộng hòa Ả Rập.