Vào cuối năm 2017, tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình gần như chắc chắn sẽ được tái bổ nhiệm, có thể với một nhóm mới gồm các nhà lãnh đạo xuất sắc ở xung quanh.
Không ai thực sự biết như thế nào và trên cơ sở nào, các nhà lãnh đạo được thăng chức hay tái bổ nhiệm ở Trung Quốc, nhưng có thể đoán được ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ xem xét những yếu tố gì để chuẩn bị cho dịp bổ nhiệm quan trọng đó và ông Tập Cận Bình đã làm được những gì kể từ khi lên cầm quyền đến nay?
Về tăng trưởng kinh tế, ông Tập Cận Bình có phần trình diễn tồi tệ hơn so với tất cả những người tiền nhiệm, ít nhất kể từ đầu những năm 1980.
Từ năm 2012, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã dần dần giảm. Nước này đã trở nên kém năng động và tăng trưởng chậm hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ đầu thời kỳ cải cách sau năm 1978.
Có 3 lĩnh vực mà ông Tập Cận Bình sẽ phải dựa vào nếu muốn được tái bổ nhiệm: thành công trong chính sách đối ngoại, thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng và thành công trong việc giành được một thỏa thuận tốt hơn cho tầng lớp trung lưu thành thị đang nổi lên ở Trung Quốc.
Về chính sách đối ngoại, ông Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo chủ động nhất trong số các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời hiện đại.
Ông đã đến thăm 40 nước kể từ năm 2013, từ Ấn Độ, Mỹ cho tới Fiji và New Zealand.
Với sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" và thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, ông đã vạch ra cách thức mới để Trung Quốc tiếp cận với thế giới.
Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ tháng 9/2015.
Ông cũng trở nên quyết đoán hơn trong các vấn đề ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi thành lập nước năm 1949 gặp người đứng đầu Đài Loan.
Người dân Trung Quốc bây giờ có một nhà lãnh đạo mà họ cảm thấy là đại diện mạnh mẽ cho những lợi ích của đất nước ở trên trường quốc tế và là người sẵn sàng thỏa hiệp về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đầu tư ra nước ngoài để tạo một mạng lưới toàn cầu về những liên minh ngoại giao và lợi ích của Trung Quốc.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã dẫn đầu một chiến dịch lâu dài để gạt bỏ quyền lợi của các thế hệ lãnh đạo trước, làm sạch mối quan hệ giữa đảng với các lợi ích kinh doanh và thương mại, trừng trị giới tinh hoa từng bòn rút khối lượng lớn ngân sách nhà nước.
Mặc dù vẫn có những hoài nghi về động cơ chính trị đằng sau đó, song với người dân Trung Quốc, những biện pháp mạnh tay trong cuộc "đấu tranh" này đã chứng tỏ là một thành công lớn.
Trụ cột thứ ba trong những gì được xem là thành công của ông Tập Cận Bình là trở thành nhà lãnh đạo mà giới đô thị Trung Quốc cảm thấy ông bảo vệ lợi ích cho họ. Ông Tập Cận Bình đã ủng hộ các quyền sở hữu lớn hơn, sự rõ ràng hơn trong các thủ tục pháp lý.
Người Trung Quốc có một cảm nhận chung rằng họ được an toàn hơn, đất nước của họ được tôn trọng hơn và đảng ổn định hơn so với một thập kỷ trước.
Có nhiều bằng chứng cho thấy ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo nổi tiếng vào lúc này, đó là sự tập trung của ông vào làm trong sạch đảng, tăng cường năng lực quốc tế của Trung Quốc, đặt ra các quy tắc và thủ tục rõ ràng đang được xem là có hiệu quả ở trong nước.
Hiện tại, ông Tập Cận Bình có thể chỉ ra các thế lực thù địch trong và ngoài Trung Quốc đối với những vấn đề của ông: Mỹ đang ngáng chân Trung Quốc ở Biển Đông; những kẻ bất đồng chính kiến và ly khai đang đe dọa sự ổn định trong nước.
Nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm, người dân Trung Quốc có thể bắt đầu chuyển sang chú ý nhiều hơn về cách làm thế nào để có được sự thịnh vượng, mức sống tốt như trước đây.
Họ sẽ mất kiên nhẫn với những cái "chỉ trỏ" mà muốn nghe một tầm nhìn tích cực hơn về cái đích mà Trung Quốc đang hướng tới, một cái gì đó thực tế hơn là những điều suy tưởng trừu tượng về những "Giấc mộng Trung Hoa" hay "tầm nhìn rộng rãi".
Nhiệm kỳ hai của ông Tập Cận Bình (gần như chắc chắn) cần hướng về những mặt tích cực, chứ không phải tiêu cực. Nếu không làm được vậy, ông có thể sẽ đối mặt với sự phản ứng từ người dân trong nước.