Quyết chiến ở tây bắc Syria: Trước "đòn trừng phạt", Thổ nhanh tay đẩy NATO-EU xung trận?

Hoài Giang |

UAV, pháo binh, xe bọc thép và đặc nhiệm Thổ đã "vai kề vai" với các tay súng Idlib đối đầu với QĐ Syria, vậy lý do gì đã đẩy Ankara vào quyết định nguy hiểm này?

Mới đây, tờ Jerusalem Post xuất bản bài viết "What game is Turkey playing in Syria? – opinion" (tạm dịch: Quan điểm về "cuộc chơi" mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành ở Syria) của tác giả Neville Teller.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều (Jerusalem Post là tờ nhật báo hàng đầu của Israel) trong bối cảnh Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) liên tục tiến hành pháo kích vào vị trí của Quân đội Arab Syria (SAA) ở miền bắc Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ "quyết chiến" ở miền bắc Syria?

Kể từ cuối tháng 2/2020 tới nay, hoạt động quân sự của TAF ở "Idlib lớn" (vùng đất thuộc các tỉnh Idlib, Aleppo, Latakia và Hama hiện do phiến quân và khủng bố kiểm soát) nói riêng và miền bắc Syria nói chung rõ ràng theo đuổi một mục đích nào đó.

Để lý giải các hành động quân sự đang tiếp diễn của Thổ Nhĩ Kỳ với đối phương là Nga-Iran-Syria, chúng ta cần tham chiếu vào các yếu tố cơ bản trong lập trường của Ankara như sau.

Đầu tiên: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là người Hồi giáo dòng Sunni còn người đồng cấp Syria Bashar al-Assad theo Hồi giáo Alawite (được tính là Hồi giáo Shia).

Mặc dù tồn tại một mối quan hệ không thường xuyên giữa ông Erdogan và các lãnh đạo Hồi giáo Shia Iran (hậu thuẫn chính phủ của ông Assad) hai nhánh Hồi giáo này không phải là "đồng minh tự nhiên".

Điều này lý giải tại sao Ankara là quốc gia duy nhất tiếp tục hỗ trợ các nhóm phiến quân chống lại Damascus, đồng thời cũng giải thích cách mà các tay súng Idlib cầu cứu "những người anh em Sunni" Thổ Nhĩ Kỳ trước chiến thắng gần như không thể đảo ngược của SAA.

Quyết chiến ở tây bắc Syria: Trước đòn trừng phạt, Thổ nhanh tay đẩy NATO-EU xung trận? - Ảnh 1.

Trong ngày 6/4, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai thêm một cứ điểm ở khu vực al-Burnas gần quận Badama phía tây Idlib.

Vào cuối tháng 2/2020, máy bay không người lái (UAV), pháo binh, xe bọc thép và lính đặc nhiệm TAF đã "vai kề vai" với các tay súng phiến quân và khủng bố đẩy lui SAA tại chiến tuyến Saraqeb nằm trên cao tốc chiến lược M5.

Còn ở phía nam cao tốc M4, các tay súng được Ankara hậu thuẫn cũng đã tái chiếm một số vị trí.Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ồ ạt UAV chống lại quân đội của một quốc gia có chủ quyền. Số UAV này được bảo vệ bởi các máy bay chiến đấu bay dọc theo biên giới Syria

Mặc dù số lượng UAV bị bắn rơi tương đối lớn nhưng các cuộc tấn công chết người từ trên không đã làm hư hỏng một số lượng lớn xe cơ giới Syria.

Thiệt hại này cùng với Thỏa thuận Moscow theo sau đó đã dẫn tới việc hoạt động quân sự của SAA ở tỉnh Idlib bị kéo dài và rõ ràng là sẽ bị hạn chế ở phía nam cao tốc M4.

Cảnh quay các cuộc tập kích bằng UAV của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) vào các mục tiêu của Quân đội Arab Syria (SAA).

Thứ hai: Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và ông Erdogan đã yêu cầu hội đàm khẩn cấp để thảo luận về cuộc xung đột ở tây bắc Syria sau khi hàng chục binh lính TAF thiệt mạng bởi không kích của máy bay chưa rõ của Nga hay Syria.

Yêu cầu nói trên được đưa ra theo Điều 4 của hiệp ước thành lập NATO, quy định rằng bất kỳ thành viên nào cũng có thể yêu cầu tham vấn khi họ thấy rằng toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập về chính trị hoặc an ninh bị đe dọa.

"Treo lơ lửng" trong yêu cầu của ông Erdogan là mối đe dọa của lời kêu gọi thực thi Điều 5 của hiệp ước, coi việc lính Thổ thiệt mạng là một cuộc tấn công và thành viên của liên minh (đồng nghĩa với tấn công vào tất cả các quốc gia NATO).

Tuy nhiên, lời kêu gọi dành cho NATO của ông Erdogan thiếu đi "sức nặng" do vị thế của Ankara ở Syria hiện không rõ ràng (Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hiện diện ở Syria là do yêu cầu của người dân - hay chính xác hơn là của chính phủ đối lập lưu vong).

NATO có thể lập luận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria bằng cách tiến hành các hoạt động quân sự ở Idlib và liên minh này khó có thể "thay mặt" Ankara trong những trường hợp như vậy.

Quyết chiến ở tây bắc Syria: Trước đòn trừng phạt, Thổ nhanh tay đẩy NATO-EU xung trận? - Ảnh 4.

Hình minh họa.

Thứ ba: Vấn đề người tị nạn Syria và EU.

Theo các điều khoản của thỏa thuận năm 2016 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU), EU đã cam kết chi 6 tỷ euro cho Ankara để giúp họ đối phó với khoảng 3,6 triệu người tị nạn trong lãnh thổ nước này (đã vượt biên kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Syria năm 2011).

Ước tính hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chứa tới 5 triệu người tị nạn và trước sự gia tăng số lượng do ảnh hưởng của chiến sự ở Idlib, người Thổ đang thiết lập một "hành lang" để số người tị nạn mới từ tây bắc Syria tiến thẳng tới biên giới với Hy Lạp.

Tuy nhiên, Hy Lạp (với sự hỗ trợ của một số nước Châu Âu-NATO) đang dùng mọi biện pháp bao gồm cả vũ lực để những người này không thể vượt qua biên giới.

Nói cách khác, các quốc gia Châu Âu là thành viên NATO đang mâu thuẫn với nhau về cách thức đối phó với một "làn sóng" người tị nạn mới bao gồm hàng trăm nghìn người từ Idlib.

Cuối cùng: Một thực thể tự trị hoặc độc lập của người Kurd dọc theo biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ là điều mà Ankara không thể chấp nhận. Khu vực được gọi một cách không chính thức là Rojava và chiếm khoảng 25% lãnh thổ Syria, là nơi sinh sống của gần 5 triệu người Kurd.

Các nhà lãnh đạo của thực thể này duy trì một mối liên kết không chính thức với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm ly khai người Kurd mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố hàng đầu.

Ông Erdogan đã liên tục khẳng định rằng Rojava là một thách thức đối với lợi ích quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bằng hành động quân sự cuối năm 2019 và thỏa thuận với Mỹ (và sau đó là với Nga) Ankara đã có thể tạo ra cái gọi là "khu vực an toàn" ở đông bắc Syria, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ "bảo vệ biên giới" và tái hồi hương người tị nạn.

Nói cách khác, một vùng đất từng thuộc chủ quyền của Syria hiện đang bị chiếm đóng bởi Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết luận

Bài xích giữa các phe phái trong thế giới Hồi giáo, gia tăng sức ép với NATO-EU, vấn đề người Kurd cùng với sự hỗn loạn của Syria là những yếu tố then chốt khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết định can thiệp sâu vào xung đột ở tỉnh Idlib.

Trong một bài viết được tổ chức Global Research xuất bản đầu tháng 3/2020 (trước khi Thỏa thuận Moscow được ký kết 2 ngày), nhà phân tích Tony Cartalucci cho rằng Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải rời khỏi Syria bằng "cách này hay cách khác".

Theo lập luận của ông Cartalucci, Thổ Nhĩ Kỳ đang chống đỡ cho "sự sụp đổ không thể cứu vãn" của phiến quân Syria. Nhiều khả năng Ankara sẽ cố gắng kiểm soát càng nhiều lãnh thổ Syria càng tốt và biến nó thành "con bài mặc cả" với Moscow, Tehran và Damascus.

Nếu lập luận này là chính xác, trong ngắn hạn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì và củng cố phòng thủ ở khu vực phía tây cao tốc M5 và phía bắc cao tốc M4 ở tỉnh Idlib nhằm "ra tín hiệu" cho các đối thủ biết rằng nếu các yêu cầu không được thực hiện, họ sẽ ở lại Syria.

Tuy nhiên, để giữ vững và nâng cao vị thế của mình trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dần vô hiệu hóa các nhóm khủng bố và khuyến khích Damascus chấp nhận một giải pháp "chung sống hòa bình" với những người đối lập.

Xe tải hạng nặng Thổ Nhĩ Kỳ chuyển các bức tường dã chiến bằng bê tông tới Idlib nhằm củng cố các cứ điểm dọc theo chiến tuyến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại