Trước tình trạng 4/5 tuyến cáp quang biển ở Việt Nam gặp sự cố toàn phần hoặc một phần, Bộ TT&TT đã họp với các doanh nghiệp viễn thông để xử lý sự cố đứt cáp quang biển, đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế.
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tất cả các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi sự cố này, không riêng gì Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực Châu Á cũng bị ảnh hưởng.
Theo ông Thắng, sự cố lần này khá đặc biệt. Trong 4 tuyến này, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 vẫn còn 1 phần đang hoạt động. Thời điểm hiện tại, còn tuyến SMW-3 đi Hồng Kông và Singapore vẫn đảm bảo kết nối 100%, tuyến AAE-1 đi Singapore đảm bảo 100% và tuyến IA đi Hồng Kông đảm bảo 100%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng họp với các doanh nghiệp viễn thông về việc xử lý sự cố đứt cáp quang biển.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, ở thời điểm nghiêm trọng nhất, sự cố cáp quang biển lần này khiến 75% dung lượng Internet Việt Nam đi quốc tế qua cáp quang biển bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo kết nối đi quốc tế.
Cụ thể, nhà mạng phải đảm bảo dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm sẽ luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng để không bị nghẽn.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, bắt đầu từ 11/2, các doanh nghiệp viễn thông cam kết sẽ đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế không bị nghẽn thông qua việc chia sẻ kết nối, cân tải dung lượng và tiếp tục mở thêm dung lượng qua tuyến cáp đất liền.
Bên cạnh việc khắc phục sự cố, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông thúc đẩy quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, sự cần thiết triển khai thêm các tuyến cáp quang biển, nhiều hướng kết nối khác nhau do các doanh nghiệp Việt Nam chung tay xây dựng, triển khai các phương án cụ thể để đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.
Ông Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ thêm, theo quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu có thêm 2-4 tuyến cáp quang biển mới, đến 2030 phấn đấu thêm 4-6 tuyến cáp quang. Gần nhất trong năm 2023 sẽ có thêm 2 tuyến cáp quang biển mới là SJC 2 và ADC cập trạm Quy Nhơn (Bình Định), do Viettel và VNPT tham gia phát triển.
Sự cố đứt cáp quang biển lần này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Internet Việt nam đi quốc tế. |
Bên cạnh việc tham gia vào liên minh xây dựng các tuyến cáp quang biển, Việt Nam hướng tới việc thúc đẩy nhanh thêm các tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối đi quốc tế.
Từ đó, bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam, trong bất kỳ phương án nào (có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài), doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bảo đảm giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới.
Diễn biến sự cố đứt cáp quang biển nghiêm trọng nhất Việt Nam
Tháng 2/2022 và tháng 6/2022, cáp AAG lần lượt gặp sự cố trên cả 2 hướng kết nối đi Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).
Với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên các nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei) và Sriracha (Thái Lan). Hướng kết nối Hồng Kông, AAG bị lỗi trên nhánh S1H vào Việt Nam và S1I vào Hồng Kông. Trong những lỗi này, hiện đã có sự cố trên nhánh S1H và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei) được khắc phục xong.
Tiếp đó, vào ngày 24/11/2022, tuyến cáp AAE-1 gặp sự cố trên nhánh S1H.1 hướng kết nối đi Hồng Kông (vị trí sự cố cách trạm cập bờ Hồng Kông khoảng 3,21km). Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông trên tuyến cáp AAE-1.
Ngày 11/12/2022, tuyến cáp AAG tiếp tục xảy ra sự cố trên nhánh S1I hướng kết nối đi Hồng Kông (vị trí lỗi cách trạm cập bờ Hồng Kông khoảng 149km). Với tuyến APG, lần lượt vào các ngày 26/12/2022 và 21/1/2023 (tức 30 Tết), tuyến cáp APG gặp sự cố trên các nhánh S6 hướng kết nối đi Hồng Kông (vị trí lỗi cách trạm cập bờ Hồng Kông khoảng 126km) và S9 hướng kết nối đi Singapore (với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ Singapore khoảng 149km). Hai sự cố này gây mất toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp APG.
Đến ngày 28/01/2023, tiếp tục xảy ra sự cố trên tuyến cáp biển IA. Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130km. Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến cáp Liên Á (IA).
Với 4 tuyến cáp quang biển bị sự cố như trên, đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam phải đối mặt với việc ứng cứu khi số lượng tuyến cáp quang biển bị sự cố lớn nhất. Sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà cả các nước trong khu vực châu Á.
Theo kế hoạch được Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế (NOC) công bố, lỗi trên nhánh S6 của cáp quang APG sẽ được sửa chữa từ 22-27/3. Lỗi trên nhánh S9 của tuyến cáp này dự kiến được sửa chữa từ 5-9/4. Cáp quang AAG dự kiến lịch sửa chữa sẽ bắt đầu từ 30/3, kết thúc vào 4/4.