Ấn Độ - một trong những quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất trên thế giới đã ký hàng loạt thỏa thuận lớn trong khuôn khổ chương trình nâng cấp quốc phòng trị giá 100 tỷ USD kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014.
Tuy nhiên, New Delhi đang chậm trễ trong việc thay thế các phi đội MiG-21 già nua, được mệnh danh là "quan tài bay" do hệ số an toàn bay thấp.
Thỏa thuận mua 36 chiếc máy bay Rafale từ Tập đoàn Assault (Pháp) sẽ giúp họ khắc phục điều này.
Máy bay chiến đấu Rafale.
"Điều đó sẽ mang lại cho Không quân (Ấn Độ) mũi tên sắc bén. Lực lượng không quân của chúng tôi chỉ có những mẫu máy bay cũ, từ những năm 1970, 1980. Đây là lần đầu tiên trong 25-30 năm qua, chúng tôi có được bước nhảy vọt về công nghệ" - ông Gulshan Luthra, chuyên gia phân tích quốc phòng nói với AFP.
"Rafale được trang bị những công nghệ tốt nhất và chúng tôi cần nó" - ông Luthra nhấn mạnh.
Không quân Ấn Độ cho biết, họ cần ít nhất 42 phi đội để bảo vệ vùng biên giới phía Bắc và phía Tây giáp với Pakistan và Trung Quốc.
Lực lượng này hiện có khoảng 32 phi đội máy bay chiến đấu, mỗi phi đội 18 chiếc. Năm ngoái, trước Ủy ban Quốc Phòng của Quốc Hội Ấn Độ, một đại diện không quân đã báo cáo rằng từ nay đến năm 2022, Ấn Độ sẽ chỉ còn lại 25 phi đội chiến đấu cơ. Về số lượng, như vậy là ngang bằng với Pakistan.
Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh rằng Ấn Độ còn phải rất chú ý tới mối đe dọa của Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện nay.
"Chúng tôi có thể đối phó với Pakistan nhưng với Trung Quốc thì không. Và nếu Trung Quốc trợ giúp Pakistan thì Ấn Độ sẽ rơi vào thế bí" - ông Luthra nói.
Thỏa thuận mua máy bay Rafale sẽ giúp tăng cường thêm 2 phi đội cho Không quân Ấn Độ, mặc dù phải 3 năm nữa, công tác chuyển giao mới bắt đầu.
Năm 2012, Ấn Độ bắt đầu đàm phán riêng với tập đoàn Dassault trong dự án mua 126 chiến đầu cơ hiện đại với điều kiện được chuyển giao công nghệ. Nhưng hợp đồng khổng lồ đó đã không thể đạt được vì giá thành chuyển giao công nghệ của Rafale quá cao.
Rafale đã thực hiện các phi vụ ném bom ở Syria và Iraq, nó có tầm hoạt động lên đến 3.800km.
Theo các chuyên gia, Rafale sẽ cho phép Không quân Ấn Độ tấn công các mục tiêu ở Pakistan và Trung Quốc từ lãnh thổ nước này.
Thế nhưng các nhà phê bình lại cho rằng mua Rafale là giải pháp tốn kém, ngay cả khi Ấn Độ đã mặc cả để giảm giá trị hợp đồng xuống còn 7,9 tỷ Euro (khoảng 8,8 tỷ USD).
Chuyên gia phân tích quốc phòng Ajai Shukla nhận định, việc mua 36 chiếc Rafale sẽ "xoa dịu phía Dassault, Không quân Ấn Độ và dư luận nước này" sau khi thỏa thuận lớn trước đó đã đổ bể, nhưng không có nghĩa là sẽ hiệu quả.
"Không thể thay thế các máy bay tiêm kích nhỏ, hạng nhẹ bằng một con 'quái vật' hạng nặng và đắt đỏ như Rafale" - ông Shukla nói.