Rất nhiều người trẻ hiện đang không có ý thức tiết kiệm cho tương lai.
"Mình còn trẻ, sống phải hưởng thụ, tiết kiệm làm gì";
"Lương tháng có 10 triệu, tiêu còn không đủ thì tiết kiệm sao được",
"Mai, ngày kia hay năm sau rồi tiết kiệm cũng đã muộn đâu",
và vô vàn lý do khác mà người trẻ lấy làm cái cớ.
Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, chắc hẳn nhiều người đã biết đến tầm quan trọng của việc xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp. Theo các chuyên gia, bạn nên để trong quỹ này là số tiền đủ để chi trả cho khoảng 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt. Số tiền này sẽ giúp bạn không bị ảnh hưởng nhiều khi bị mất việc, gặp vấn đề sức khỏe hay thiên tai hay đại dịch.
Dave Ramsey, tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất cho biết, quỹ khẩn cấp có thể giảm nhẹ ảnh hưởng của thảm họa tài chính. Không ai có thể chắc chắn điều gì sẽ xảy đến trong ngày mai vậy nên quỹ khẩn cấp sẽ biện pháp cứu cánh cho bạn.
Suze Orman, chuyên gia tài chính cá nhân và tác giả của cuốn sách bán chạy bậc nhất "Women & Money" (Tạm dịch: Phụ nữ và tiền bạc) cũng đồng ý với quan điểm này, thậm chí bà còn khuyên là tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt.
"Có nhiều tiền tiết kiệm dự phòng sẽ khiến bạn yên tâm hơn. Đừng tự lừa dối bản thân rằng mình không sao, mình có thể vay mượn hay dùng thẻ tín dụng. Theo tôi, bạn không chỉ nên tiết kiệm đủ có 3-6 tháng sinh hoạt phí mà nên là 8 tháng. Tôi muốn thấy các bạn có 8 tháng đến một năm sinh hoạt phí trong quỹ dự phòng" - Suze Orman.
Bên cạnh đó, khi bạn đã 35 tuổi, bạn nên nghĩ đến những ngày tháng nghỉ hưu. Bạn muốn được tận hưởng tuổi già trong an nhàn với những chuyến du lịch, trải nghiệm thú vị hay chật vật vì tiền nong? Đó là lý do bạn cần tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ để đảm bảo mình không đi chệch hướng.
Nhà cung cấp kế hoạch hưu trí Fidelity khuyên bạn nên có trong tay số tiền gấp đôi mức lương hàng năm của bạn. Fidelity khuyên bạn nên tiết kiệm 15% thu nhập hàng năm của mình và đừng quên đầu tư chúng.
"Nếu bạn chỉ tiết kiệm tiền và để chúng nguyên một chỗ không có lãi, bạn sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn nữa mới có thể đạt được con số mục tiêu của mình", Meghan Murphy, Phó chủ tịch tại Fidelity nhận định.
Nếu muốn có một cuộc sống an nhàn khi về già, bạn cần sống tiết kiệm hơn lúc trẻ. Tất nhiên nếu bạn xác định về hưu không cần đi đây đi đó, chỉ ở nhà tự trồng rau nuôi gà thì bạn có thể thoải mái hơn một chút trong việc tiết kiệm.
Vậy nếu như bạn đã 35 mà vẫn chưa có được khoản tiền tiết kiệm kia, mỗi năm không để dành được 15% thu nhập thì sao? Sự thật là mỗi người sẽ có hoàn cảnh khác nhau, những khoản phải chi tiêu cũng không giống nhau nhưng điều này hoàn toàn không phải là vấn đề.
"Hãy đảm bảo rằng mình có một công việc phù hợp, sau đó cố gắng tăng dần khoản tiết kiệm của mình thêm 1% mỗi năm cho đến khi bạn đạt được con số 15%", Murphy chia sẻ.
Nếu bạn đang ở độ tuổi 20 đến 30, bạn còn nhiều thời gian để phát triển số tiền tiết kiệm của mình. "Càng trẻ, bạn sẽ càng có nhiều thời gian để bù đắp cho khoảng thời gian đã bỏ lỡ việc tiết kiệm", Murphy nói.
Tuy nhiên, dù bắt đầu càng sớm sẽ càng có lợi nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn nên hoảng sợ khi ở tuổi 30 mà mới chỉ có một số tiền tiết kiệm nhỏ trong tay.
Murphy khẳng định: "Tại thời điểm này, điều tốt nhất bạn có thể làm là đặt mục tiêu. Mục tiêu đó có thể không phải là: "Tôi sẽ có thu nhập tăng gấp 3 khi tôi 40 tuổi" mà là "Tôi sẽ làm những điều này để có thể đạt được thu nhập gấp đôi". Đôi khi cách đơn giản là thay đổi cách chi tiêu hiện tại của bạn".
Tiết kiệm và đặc biệt là tiết kiệm cho tương lai có thể nói giống như việc đặt lịch hẹn với nha sĩ vậy. Đó là điều bạn không muốn nghĩ đến và có xu hướng bỏ qua nhưng càng trì hoãn, bạn sẽ càng gặp khó khăn. Vì thế hãy bắt đầu càng sớm càng tốt!