Tình mẹ - con xuyên biên giới, vượt màn sương mờ ký ức
Thầy giáo Alis Rus, một giảng viên đang công tác tại trường Đại học tổng hợp Kinh tế Quốc gia Uzbekistan đã chia sẻ câu chuyện xúc động về tình cảm của một người đàn ông Việt Nam với mẹ nuôi của mình là cụ bà người Nga.
Theo Alis Rus tâm sự thì: "Đó là câu chuyện có thật. Chúng tôi ở Tashkent, Uzbekistan nên biết rõ câu chuyện này. Tôi cũng có mặt ở đó mà".
Và Facebook Phan Việt Hùng, người được biết đến câu chuyện qua lời kể của vị giảng viên nước ngoài đã lần theo những thông tin mà thầy giáo Alis Rus chia sẻ. Từ đó, được biết người đàn ông Việt Nam tên Sơn, có mẹ nuôi người Nga hiện đang sinh sống tại Biên Hòa.
Anh Sơn cùng 3 người phụ nữ trong gia đình mẹ nuôi Svetlana, năm 1988. (Mẹ Svetlana ngồi bên trái Sơn, cô con gái của bà đứng mặc áo đen)
Facebook Phan Việt Hùng chia sẻ: Năm 1986, khi tròn 18 tuổi, anh Sơn được cử sang thủ đô Tashkent của nước cộng hòa Uzbekistan để học ở trường dạy nghề số 11.
Trong một lần đi nghỉ cùng các bạn ở nhà nghỉ dưỡng Sukok, cách Tashkent không xa, anh và các bạn có dịp làm quen với một phụ nữ Nga trạc tứ tuần. Bà tên là Svetlana, một kỹ sư địa chất, cũng sống ở Tashkent.
Khi biết Sơn là học sinh đến từ Việt Nam, bà Svetlana liền có cảm tình đặc biệt. Bà liền mời cậu về nhà vào mỗi dịp cuối tuần, quan tâm chăm sóc như cậu con trai của mình.
Đến năm 1989, học xong Sơn và các bạn về nước. Anh vẫn giữ số điện thoại của mẹ nuôi. Đôi năm sau, Liên Xô sụp đổ, Uzbekistan tách thành một quốc gia độc lập.
Đã có bao nhiêu sự thay đổi đã diễn ra trên mảnh đất vùng Trung Á này. Số điện thoại của bà cũng thay đổi nên Sơn bị mất liên lạc với bà mẹ nuôi của mình.
Năm 2016, Sơn có dịp quay lại Tashkent. Việc đầu tiên của anh là tìm ngay về nhà mẹ Svetlana. Bà vẫn ở chỗ cũ, sống một mình trong căn nhà nhỏ ngày xưa đã in dấu những kỷ niệm của Sơn thời học sinh.
Hẳn đã có một tia sáng nào đó, dù mảnh, nhưng ấm áp đã rọi vào màn sương ký ức của bà, khiến bà nhớ lại chút nào đó về những ngày nắng ấm xa xưa.
Nhưng, thật đáng buồn, người mẹ Nga của anh đã mắc chứng mất trí nhớ (Alzheimer) từ nhiều năm trước. Với những người mắc chứng này, ký ức ngày xưa, tiềm thức thường được bao bọc bởi một màn sương mờ.
Giây phút gặp lại sau 27 năm xa cách, bà Svetlana không nhận ra Sơn, người con trai Việt Nam yêu quý của bà. Dù rằng Sơn đã lật cho bà xem đi xem lại các bức ảnh ngày xưa, hiện vẫn trong cuốn album gia đình, nay đã úa màu thời gian.
Dù rằng anh đã bật điện thoại, cho bà xem lại các bức ảnh mà anh đã cẩn thận chụp lại trước khi quay về chốn cũ.
Lần thứ hai quay lại thăm mẹ, anh Sơn cho biết: "Dường như mẹ đã nhận ra tôi. Lúc bà nhớ, lúc bà quên".
Cậu con trai gầy còm ngày nào của bà giờ đã cao vượt lên và trở thành người đàn ông trung niên chớm tuổi 50. Dẫu tuổi tác, thời gian và căn bệnh khiến bà không thể nhớ rõ người con mình từng thương yêu như con đẻ.
Nhưng có lẽ, tình yêu mà bà dành cho Sơn quá lớn, nó chiến thắng được cái khắc nghiệt của hoàn cảnh, trở thành tia sáng ấm áp rọi vào màn sương ký ức của bà, khiến bà đã nhớ lại chút nào đó về những ngày nắng ấm xa xưa, cách đây 30 năm.
"Bà là một người mẹ tuyệt vời khi thương yêu và chăm sóc tôi như con đẻ"
Đó là lời chia sẻ của người đàn ông gần 50 tuổi khi nói về mẹ nuôi của mình. Trải qua hàng chục năm trời cách mặt, nhưng tình cảm yêu thương, kính trọng mà anh Sơn dành cho mẹ mình vẫn vẹn nguyện như ngày nào.
Sau chuyến thăm mẹ lần thứ hai, khi trở về nước, anh vẫn không khỏi nhớ nhung và lo lắng cho bà mẹ nuôi người Nga của mình.
Con gái bà sống ở Moskva - Nga, thỉnh thoảng mới về nước thăm mẹ. Dù mới thuê được người giúp việc, nhưng cuộc sống đơn độc của một bà cụ 72 tuổi bệnh tật còn bao nhiêu việc để lo...
Do vậy, từ đó đến nay, hàng tháng Sơn đều gửi một số tiền không nhỏ cho các bạn bè của mình ở Tashkent, để họ mua thức ăn và các nhu yếu phẩm, trả tiền điện, nước cho bà.
Không muốn đề cập đến những việc bản thân đang làm để quan tâm, chăm sóc mẹ nuôi, anh Sơn chỉ khiêm tốn chia sẻ: "Lúc bên đó, tôi đã coi bà như người mẹ thứ hai rồi. Nên khi có điều kiện thì tôi giúp bà thôi. Tôi còn chuẩn bị sẵn phòng khi bà ốm đau".
Câu chuyện khiến nhiều người đọc cảm thấy ấm áp và dường như thế giới này đã trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều bởi những con người như vậy.
Anh Sơn (thứ hai từ trái sang) ở Hà Nội, tháng 10/2017 khi ra dự cuộc gặp mặt kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, 3 năm nhóm Hoài niệm Liên Xô.
Cư dân mạng thế giới và cả Việt Nam đều bày tỏ niềm xúc động và lòng ngưỡng mộ trước tình cảm của người con Việt dành cho mẹ nuôi của mình, dù họ đã mất liên lạc suốt 3 thập kỷ.
Facebook Mavlyudahon Umarova viết: "Sơn, xin nghiêng mình trước sự quan tâm, lòng tốt và hào hiệp của bạn. Không phải tất cả mọi người, và không phải lúc nào người ta cũng nhớ lại về điều tốt đã qua, và bạn đúng là một người đàn ông thực thụ.
Cầu Thượng đế luôn ban cho bạn sức khỏe, thành công và nhiều thành tựu trong cuộc sống".
Tatyana Stergiadu bình luận: "Thế giới chúng ta sẽ chẳng có giá trị gì nếu thiếu những người như vậy, những nghĩa cử như vậy".
Facebook Quỳnh Tiên, một cư dân mạng Việt cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ: "Vô cùng kính trọng và khâm phục anh Sơn, người có tấm lòng nhân hậu và coi trọng tình cảm nhân nghĩa, chung thuỷ trước sau.
Tôi đọc xong mà cảm thấy xấu hổ cho bản thân vì tôi có bà mẹ nuôi Nga, khi về Việt Nam, tôi mất liên lạc hoàn toàn với bà. Bao lần muốn đi thăm mà hoàn cảnh chưa cho phép, mặc dù rất nhớ mẹ".
Đáp lại, anh Sơn chỉ trả lời rất giản dị, rằng: "Tôi nghĩ, những gì tôi làm cho bà, là để đền đáp tình yêu và sự quan tâm mà bà đã dành cho tôi trong thời gian tôi học ở Tashkent.
Tôi nghĩ đó là điều bình thường của mỗi người chúng ta. Cuộc sống luôn cần niềm tin và tình yêu, và trong thế giới này có nhiều người cũng nghĩ thế, như tôi".
Câu chuyện cảm động về tình cảm vẹn tròn trước sau của người con Việt dành cho mẹ nuôi, về lòng thương yêu của một người phụ nữ Nga dành cho đứa con ngoại quốc mà bà chưa từng biết đến trước đó thực sự đáng cảm phục và trân trọng.