Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề cập khi đọc báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017, trong phiên họp Quốc hội chiều nay 22/10.
Theo báo cáo thẩm tra, Chính phủ xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2019 tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018 là mức tăng tương đối thấp so với mấy năm gần đây.
Điều này phản ánh sự khó khăn trong việc huy động nguồn thu và bảo đảm cân đối ngân sách trong điều kiện nhiều nhiệm vụ bức thiết và các chế độ chính sách chi cao để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua xem xét báo cáo của Chính phủ, Ủy ban nhận thấy một số vấn đề.
Thứ nhất, theo Uỷ ban, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp trong kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016 - 2020 dự kiến tỷ lệ huy động từ thuế, phí thấp hơn 21% GDP, khả năng hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 25 là khó khăn.
Ủy ban cho rằng, cần phân tích kỹ những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Bên cạnh việc giảm thu do thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết, việc thận trọng chưa điều chỉnh chính sách thuế gián thu để ổn định môi trường đầu tư, đời sống nhân dân, Chính phủ cần có biện pháp động viên nguồn thu cao hơn trên cơ sở cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần rà soát, có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý nguồn thu, chống thất thu.
Thứ hai, về thu nội địa, Chính phủ dự kiến xây dựng thu nội địa (không bao gồm thu từ đất, xổ số kiến thiết, từ bán bớt vốn Nhà nước, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi ngân hàng nhà nước) tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2018; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng lên mức 83,2%.
Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ từ năm 2019 đưa 32% tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà (từ năm 2018 trở về trước đầu tư trở lại cho PVN) và 30% lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Vietel vào NSTW.
Trên cơ sở đó, Ủy ban nhận thấy, việc Chính phủ xây dựng dự toán thu nội địa là khá tích cực, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN có xu hướng tăng lên so với 2 năm qua. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguyên nhân Chính phủ xây dựng dự toán thu căn cứ trên ước thực hiện năm 2018 vẫn còn cao hơn số địa phương xây dựng.
Qua giám sát, làm việc tại các địa phương, Ủy ban nhận thấy áp lực giao dự toán cao đối với một số địa phương là khá lớn; một số nhiệm vụ được giao dự toán vượt quá khả năng thu hoặc không có địa chỉ thu dẫn đến hụt thu cân đối ngân sách địa phương.
Do đó, Uỷ ban đề nghị Chính phủ một mặt thận trọng rà soát lại dự toán thu phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của từng địa phương, đặc biệt lưu ý đến các địa phương nhiều năm thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán. Mặt khác, tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và cơ quan thuế, hải quan trong công tác hành thu, phấn đấu hoàn thành dự toán ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó, việc xây dựng dự toán thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh có mức tăng khá cao so với ước thực hiện năm 2018: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước tăng 13%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%.
Trong khi đó, năm 2018, dự kiến thu từ các khu vực này đều không đạt dự toán. Việc xây dựng dự toán tăng khá cao như trên có thể sẽ tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2019.
Thứ ba là về thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu. Chính phủ dự kiến tăng thấp so với ước thực hiện năm 2018. Tuy nhiên, nếu loại trừ các yếu tố do cắt giảm thuế quan, do điều chỉnh chính sách đối với một số mặt hàng… thì số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 11,8% so với ước thực hiện năm 2018.
Về vấn đề này, đa số ý kiến cho rằng, mức dự toán này tuy khá thấp nhưng bảo đảm còn dư địa trong quá trình triển khai thực hiện, cũng như tránh rủi ro cho ngân sách trung ương trong việc bảo đảm cân đối khi không đạt dự toán. Do vậy, Uỷ ban nhất trí với phương án Chính phủ trình.
Một số ý kiến cho rằng, năm 2018, đã thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết đối với một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn: ô tô, linh kiện, phụ tùng… nhưng cả năm thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn vượt 5,6% so với dự toán.
Do vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán, cân nhắc có thể điều chỉnh tăng cao hơn mức dự toán cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ tư là về thu từ dầu thô. Chính phủ dự kiến khoảng 44,6 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2018 trên cơ sở sản lượng 10,43 triệu tấn, mức giá dự kiến: 65 USD/Thùng.
Ủy ban nhận thấy, mức sản lượng khai thác dự kiến giảm 1,33 triệu tấn so với ước thực hiện năm 2018. Điều này cho thấy sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần qua các năm.
Vì vậy, Uỷ ban đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ khai thác, dự kiến trữ lượng và kế hoạch khai thác trong các năm tiếp theo, tạo căn cứ xây dựng dự toán sát hơn với tầm nhìn dài hạn, chủ động trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách các năm sau.