Chiều 11/4, PGS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó Đại học Y Hà Nội cho biết trên báo VnExpress, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm thẩm định điểm thi THPT quốc gia của ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La thì có ba trường hợp đỗ vào ngành Y Đa khoa có điểm thấp hơn điểm đã công bố.
Trong đó, Hòa Bình có hai thí sinh, một em chắc chắn bị đuổi học do điểm chấm lại thấp hơn điểm trúng tuyển rất nhiều, một em điểm chấm lại đủ điểm chuẩn nhưng điểm thi môn khác (không phải tổ hợp vào trường Y) bị xuống 2 điểm.
"Nếu em này đủ điều kiện tốt nghiệp thì tiếp tục được học Y đa khoa", ông Tú nói.
Một thí sinh nữa sau chấm thẩm định không đủ điều kiện học tại trường là học sinh Sơn La.
Hiệu phó Đại học Y Hà Nội cho hay đã gọi điện trực tiếp cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La yêu cầu chuyển phát nhanh kết quả cho trường, nhưng hai Sở nói "thông tin mật nên không được gửi Fax".
"Hiện các thí sinh này vẫn đi học. Cuối tuần này, khi có đầy đủ dữ liệu chứng minh thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển, chúng tôi sẽ họp Hội đồng tuyển sinh, ra quyết định buộc thôi học", ông Tú thông tin với VnExpress.
Được biết, một trong ba thí sinh đạt điểm thi cao nhất có tên trong danh sách trúng tuyển Đại học Y Hà Nội ngành Y đa khoa năm 2018 là V.H.L (nguyên học sinh lớp 12A11, Trường THPT Tô Hiệu, thành phố Sơn La).
Điểm của thí sinh V.H.L trước khi chấm thẩm định.
Sau khi Bộ GDĐT chấm thẩm định, điểm thực của sinh viên V.H.L chỉ đạt 13,1 điểm. Điểm thi lần đầu của sinh viên này là 28,4 điểm. Như vậy, sinh viên này được tăng khống 15,3 điểm.
Sáng 11/4, TS Lê Đình Tùng - Trưởng Phòng quản lý Đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội thông tin trên báo Lao động, ông đã nắm được thông tin này và cho hay, trường sẽ xử lý thí sinh gian lận điểm thi theo đúng quy chế tuyển sinh.
Các trường hợp gian lận thi cử sẽ phải hủy kết quả thi và buộc thôi học. Nhà trường sẽ căn cứ theo kết luận điều tra của cơ quan an ninh để có hình thức xử lý thích đáng theo các qui định hiện hành.
Cũng theo ông Tùng trao đổi trên báo Dân trí, hôm nay (11/4) và ngày 12/4, nhà trường sẽ họp Hội đồng tuyển sinh liên quan đến thí sinh sai phạm ở Hòa Bình. Đồng thời, nhà trường đang rà soát lại số lượng thí sinh vi phạm vì liên quan đến tổ hợp xét tuyển khác ngoài tổ hợp chính thống (Toán, Hóa, Sinh) mà địa phương chưa nắm rõ.
Do đó, đơn vị này phải liên hệ với Hoà Bình kiểm tra cụ thể xem môn nào thay đổi kết quả và môn đó có ảnh hưởng đến kết quả xét tốt nghiệp không.
"Nếu không ảnh hưởng đến xét tốt nghiệp thì phải xử lý thế nào bởi trong văn bản không có từ nào liên quan đến "gian lận" mà chỉ nói "kết quả chấm thẩm định khác với kết quả chấm lần một và yêu cầu xử lý các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và tốt nghiệp".
Trong khi đó, quy chế lại nêu rất rõ, thí sinh đó phải gian lận trong kỳ thi tuyển sinh THPT quốc gia sẽ buộc thôi học và hủy kết quả xét tuyển.
Do không có từ "gian lận" nên nhà trường chỉ có thể căn cứ vào kết quả chấm để xử lý theo quy chế xét tuyển, cao nhất là ngừng học tập.
Việc ra các quyết định kỉ luật nặng nề liên quan đến kỉ luật học vụ, thí sinh đó phải có các hành vi được kết luận theo quy định mới thực hiện được", ông Tùng cho biết.
Tổng hợp