3 lý do khiến Trung Quốc “run rẩy” trước Brexit – Anh rời EU

Phạm Khánh |

Hôm 19/6, tờ The National Interest (TNI) dẫn lời ông Ivan Lidarev, một chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh châu Á, cho rằng, các cơ hội kinh tế của Trung Quốc ở châu Âu sẽ biến mất khi Brexit (kịch bản Anh rời EU) xảy ra.

Theo ông Ivan, cũng giống như Mỹ, Brexit sẽ là một đòn giáng mạnh vào kinh tế và chính trị Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đã cả âm thầm, cả công khai phản đối việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân gửi thông điệp trên khi tới thăm Anh hồi tháng 10/2015.

Trong chuyến thăm đó, dù luôn khẳng định không can dự vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, nhưng Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng: “Trung Quốc hy vọng sẽ nhìn thấy một châu Âu thịnh vượng và một EU đoàn kết".

Tại sao Trung Quốc lại lo sợ Brexit như vậy? Theo ông Ivan, có 3 lý do.

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là Bắc Kinh hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Anh để ảnh hưởng đến chính sách về Trung Quốc của EU.

Khi phải đối mặt với áp lực từ Mỹ và Nhật Bản ở châu Á, Trung Quốc ngày càng hướng về EU để tìm kiếm các cơ hội kinh tế. Đây cũng là một trong những động lực chính đứng đằng sau chiến lược “Một vành đai, một con đường” (One belt, One road) mà nước này đang tiến hành.

Trung Quốc đã xây dựng một mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với nước Anh với hy vọng đưa nước Anh trở thành một đối tác chính và ủng hộ Bắc Kinh trong EU.

Theo ông Ivan, giới lãnh đạo Trung Quốc đã rất nỗ lực để làm thân với Bộ trưởng Tài Chính George Osborne, một người kế nhiệm tiềm năng của Thủ tướng David Cameron.

Chiến lược này đã bắt đầu có kết quả. Bất chấp sự phản đối trong nước và quốc tế, chính phủ Anh đang vận động EU trao cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường, giúp hàng hóa Bắc Kinh tránh được nhiều vấn đề liên quan tới các quy định chống bán phá giá.

London cũng đã công khai ủng hộ thỏa thuận thương mại tự do trị giá hàng tỷ USD giữa EU và Trung Quốc, cơ hội duy nhất cho Bắc Kinh mở rộng quy mô lớn các mối quan hệ thương mại và đầu tư với châu Âu.

Do vậy, nếu Anh rời EU, các nỗ lực của Trung Quốc từ trước tới giờ đối với Anh sẽ coi như “đổ sông đổ biển”.

Thứ hai, Anh giúp Trung Quốc tiếp cận với thị trường khổng lồ nhưng khó thâm nhập của châu Âu. Nhiều công ty Trung Quốc đã đầu tư vào nền kinh tế tương đối tự do của Anh như một bước đệm để thâm nhập thị trường EU với nhiều quy định chặt chẽ.

Nếu Anh rời EU, các công ty tài chính có trụ sở tại Anh sẽ không thể hoạt động và mở chi nhánh ở tất cả các quốc gia thành viên EU mà không cần đăng kí được nữa. Đây sẽ là một “cú sốc” lớn đối với Bắc Kinh

Và tất nhiên, nếu Brexit xảy ra, con đường tiếp cận dễ dàng của hàng hóa Trung Quốc từ Anh vào EU sẽ bị cắt đứt.

Ông Wang Jianlin, người sáng lập tập đoàn bất động sản và giải trí Dalian Wanda, một nhà đầu tư lớn của Trung Quốc ở Anh, cảnh báo: "Brexit không phải là sự lựa chọn thông minh cho nước Anh, vì nó sẽ tạo ra nhiều trở ngại và thách thức cho các nhà đầu tư”.

Ông dự đoán, nếu Anh rời EU, nhiều công ty Trung Quốc sẽ phải rời trụ sở tại châu Âu sang các quốc gia khác. Theo nguồn tin của TNI, các công ty Trung Quốc đang rất lo ngại về Brexit.

Thứ ba, London chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, nằm bên trong EU, London là bàn đạp hoàn hảo cho việc phổ biến đồng nhân dân tệ.

Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là mục tiêu cốt lõi của chính phủ Trung Quốc, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế nước này như cho phép Bắc Kinh phát hành nợ bằng đồng nhân dân tệ, giảm sự phụ thuộc vào đồng ngoại tệ…

Đặc biệt, một khi đồng nhân dân tệ được quốc tế hóa, Trung Quốc sẽ thực sự trở thành một cường quốc bởi như nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Robert Mundell đã từng phát biểu: “Các cường quốc đều có những đồng tiền mạnh”.

Do đó, sự lựa chọn London là trung tâm trong chiến lược quốc tế hóa nhân dân tệ có vai trò rất quan trọng đối với Trung Quốc.

Kế hoạch này cũng đã có kết quả. London hiện đã là trung tâm lớn thứ hai trên thế giới giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, chỉ sau Hong Kong.

Hệ thống Thương mại Ngoại hối Trung Quốc, một công ty con của Ngân hàng Trung uơng Trung Quốc (PBOC) vừa thông báo kế hoạch mở chi nhánh ở London. Nếu Brexit xảy ra, vai trò trên của London sẽ không thể được bảo đảm.

Ngoài những tác động trực tiếp trên, Trung Quốc còn lo ngại Brexit sẽ có tác động tiêu cực ngay lập tức đối với EU, nền kinh tế thế giới, làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong một hoặc hai năm tới. Đối với Trung Quốc, hiện đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế, thì kịch bản như vậy sẽ là thách thức không hề nhỏ.

Theo ông Ivan, tóm lại, Brexit sẽ là một thảm họa đối với Trung Quốc, dẫn tới những hậu quả chiến lược và kinh tế đáng kể đối với nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại