Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái và luôn cho rằng, mọi thứ mình làm đều vì lợi ích của con. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ yêu thương con một cách thái quá, can thiệp quá sâu vào cuộc sống của trẻ. Điều này chắc chắn mang lại những kết quả không tốt.
Theo đó, có 3 kiểu yêu thương sau của cha mẹ, chẳng những không khiến con cái tốt hơn mà còn khiến con cảm thấy gò bó, ức chế về mặt tâm lý. Cụ thể như sau:
1. Cha mẹ không thể rời mắt khỏi con, lúc nào cũng ngó xem con đang làm gì
Phải nói rằng một số bậc cha mẹ ngày nay có tính sở hữu đến mức kiểm soát con cái từng phút từng giây. Chẳng hạn khi trẻ đang đọc sách trong phòng, cứ 15 phút là cha mẹ lại vào ngó một lần xem trẻ đang làm gì, có thực sự đang đọc sách hay không. Lúc thì họ mang ly nước, khi thì bê đĩa hoa quả vào. Dưới quan điểm của cha mẹ, hành động chăm sóc con cái như vậy là đúng đắn.
Nhưng đối với trẻ em lại là sự quấy rầy. Trẻ sẽ có cảm giác bị xâm phạm không gian riêng. Đặc biệt đối với những đứa trẻ đang tuổi lớn, việc bố mẹ luôn lục tung trong nhà cũng là một hành vi xâm phạm quyền riêng tư của chúng. Như vậy chúng sẽ không bao giờ đồng ý với quan điểm của bố mẹ, thậm chí là không thể hiểu được tâm tư của đấng sinh thành.
2. Cha mẹ ra rả suốt ngày về tình yêu, sự hy sinh của mình dành cho con
Một số bậc cha mẹ luôn nhân danh tình yêu để gây áp lực cho con cái. Chẳng hạn như con đang đọc sách, cha mẹ sẽ bước đến bên con, ngắm nghía một chút, vỗ vai, thở dài rồi lại xuýt xoa. Trẻ đọc sách đã thấm mệt, muốn nghỉ ngơi nhưng cha mẹ lại nói: "Chúng ta làm tất cả mọi thứ vì con. Chỉ cần con chăm chỉ học hành thì cha mẹ làm lụng mệt mỏi mấy cũng được".
Câu nói này thực chất gây ám ảnh, khiến trẻ căng thẳng tâm lý. Trẻ chỉ đơn giản không muốn phải chịu nhiều áp lực, sợ mình kém cỏi khiến bố mẹ thất vọng. Đồng thời các em cũng nảy sinh cảm giác ngại ngùng, mặc cảm vì suy nghĩ bố mẹ phải nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền cho mình học tập.
Mặc dù trẻ có thể cảm nhận được sự hy sinh của cha mẹ dành cho mình, nhưng nếu cha mẹ cứ nói ra rả về điều này thì sẽ khiến con cái cảm thấy cha mẹ thật vô lý. Nhiều trường hợp, trẻ cho rằng mình là gánh nặng của gia đình.
3. Cha mẹ nhân danh tình yêu để làm những điều độc đoán
Ngoài 2 kiểu tình yêu trên thì còn có 1 kiểu tình yêu nữa ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Đó là cha mẹ nhân danh tình yêu để ép buộc con phải làm theo ý mình. Họ không thích trẻ làm những điều mà họ cho là xấu, là không tốt cho trẻ. Chẳng hạn trẻ không thích ăn món nào đó, nhưng cha mẹ vẫn gắp vào bát, ép trẻ ăn bằng được vì "nó tốt cho sức khỏe của con", "ăn cho có chất"... Cha mẹ ép trẻ phải ăn, mặc kệ khuôn mặt của trẻ đang vô cùng nhăn nhó.
Dù không nhất thiết phải buông bỏ hoàn toàn và để con cái tự quyết định, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng đội lên những đứa trẻ "cái mũ của tình yêu". Nếu chúng ta cứ làm như vậy sẽ chỉ mang lại vô số áp lực cho con cái chúng ta. Vì vậy khi đối mặt với vấn đề này, cha mẹ nên dành một chút thời gian, một chút kiên nhẫn và tôn trọng con nhiều hơn.
Hãy lắng nghe tiếng nói của trẻ, để có thể cùng trẻ vượt qua sóng gió. Nếu không, giữa cha mẹ và con cái chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Cha mẹ và con sẽ ngày càng cách xa, thiếu sự thấu hiểu lẫn nhau.
Đừng tạo áp lực quá lớn cho trẻ, thay vào đó hãy cho trẻ một môi trường phát triển tự do. Tất nhiên sự tự do cũng cần khuôn khổ, sự đồng hành cẩn thận của cha mẹ.