Sống ở đời, có những điều chúng ta nên làm, bên cạnh đó cũng có những điều chúng ta nên tránh. Hãy sống theo cách riêng, chuẩn mực của mình, đừng hùa theo đám đông. Người nào đủ tỉnh táo để không bị rủ rê lôi kéo hoặc “xúi dại”, không phạm phải những điều tiêu cực mới là người có đủ kỷ luật để sống an yên trên đời, khiến tai họa tránh xa.
Không phải tự nhiên mà người xưa đã đúc kết những kinh nghiệm quý báu để truyền lại cho con cháu đời sau. Với 3 điều “tối kỵ” sau đây, tốt nhất mọi người nên hiểu và tránh xa để không phát sinh những phiền phức không đáng có trong cuộc đời.
Xây nhà quá to
Đối với nhiều người, có một ngôi nhà to đẹp, khang trang là ước mơ và tâm huyết cả đời. Khi có điều kiện, họ sẽ dồn toàn bộ tài sản để có bằng được điều đó.
Tuy nhiên, đây là một việc tối kỵ. Xây nhà to đẹp không sai, nhưng sai ở chỗ một ngôi nhà quá to, vượt quá khả năng tài chính của gia đình, thậm chí còn khiến chủ nhà phải thắt lưng buộc bụng hoặc còng lưng trả nợ thì sẽ mất đi ý nghĩa của nó.
An cư rồi mới lạc nghiệp. Một ngôi nhà cần vừa sức với điều kiện cũng như hoàn cảnh gia đình. Không nên xây nhà to với mục đích là khoe khoang và “đẹp mã” cho chính mình mà đẩy sức khỏe tài chính của gia đình vào ngưỡng “đáng báo động”. Cho dù sau đó họ có tích góp trả hết được món nợ thì sức khỏe cũng ngày một yếu dần.
Sống trên đời, nếu không có đủ điều kiện kinh tế, đừng dại gì mà xây nhà to, khiến cả đời khổ sở vì nợ nần, ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu. Như vậy, ngôi nhà không còn là chốn tổ ấm quen thuộc, ấm áp, để người ta có thể nghỉ ngơi mỗi khi tìm về.
Bán sức khỏe để lấy tiền
Trong xã hội hiện nay, nhiều người đều theo đuổi "lối sống hối hả" (thuật ngữ tiếng Anh là: hustle culture). Ở đó, công việc 8 tiếng/ngày không thể giải quyết hết mọi vấn đề. Thậm chí, một số còn cảm thấy mình lúc nào cũng phải sẵn sàng làm việc hơn 40 tiếng hàng tuần chỉ để được coi là một nhân viên "năng suất", để chứng minh năng lực trước mặt lãnh đạo.
Tuy nhiên, lối sống hối hả mang niềm tin rằng "càng bận thì càng tốt". Những người bận rộn luôn tin rằng, tương lai mình sẽ có được tiền bạc, địa vị và hạnh phúc. Trong một số môi trường, việc cố gắng để thăng tiến trong công việc và mọi mặt khác trong cuộc sống được coi là một việc vinh quang, mặc cho những hậu quả nặng nề lên sức khỏe tinh thần và thể chất.
Cái giá hiển hiện rõ rệt nhất mà chúng ta phải trả cho lối sống này chính là tình trạng kiệt sức từ trong ra ngoài. Các nghiên cứu đã cho thấy tác hại của việc làm việc thường xuyên ảnh hưởng tới sức khỏe như tăng nguy cơ cao huyết áp, đau tim, thậm chí là đột quỵ. Nhiều vấn đề sức khỏe xuất hiện là bởi vì cách chúng ta làm việc và mức độ stress ta gặp phải.
Người ta thường nói: Có sức khỏe là có tất cả. Nếu không đặt sức khỏe lên hàng đầu thì khi có tiền bạc, có địa vị, có danh vọng và thành công trong cuộc sống cũng để làm gì?
Nhiều người dành cả đời để lao tâm khổ tứ, bán sức khỏe để lấy tiền. Cuối đời, họ chưa kịp hưởng thụ thì trăm thứ bệnh tật ập đến, chẳng có công sức mà hưởng thụ. Đó có phải là những điều bạn mong muốn hay không?
Cho con cái quá nhiều
Rất nhiều người Việt đều quen thuộc với câu “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Tuy câu nói nửa đùa nửa thật, nhưng tâm lý cha mẹ hy sinh cho con cái quả thật đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người.
Các bậc cha mẹ sẵn sàng làm lụng cả đời cũng chỉ để cho con hưởng thụ, để đời con đỡ khổ như đời mình. Nhưng đôi khi, chính tâm lý như vậy lại khiến họ quá bao bọc cho con, khiến con đánh mất tư duy tự lập và trưởng thành. Nhiều người con đến 30 tuổi rồi vẫn phụ thuộc vào bố mẹ mà không chịu lớn.
Hơn nữa, nếu bạn cho con cái quá nhiều, không tiết kiệm được chút gì cho mình khi về già, lúc đó tuổi cao sức yếu, bạn sẽ trở thành gánh nặng của chúng, đấy là chưa nói gì đến lúc ốm đau, bệnh tật. Đây là điều tối kỵ tuyệt đối.
Hành trình nuôi dạy con không chỉ là nuôi con lớn, mà còn là dạy con cách sống và đi trên chính đôi chân của mình. Tài sản quý giá nhất cha mẹ có thể cho con là nhân cách sống, là kỹ năng sống chứ không nên là tiền bạc và những điều xa hoa, phù phiếm.
Dù thương xót con thế nào, cha mẹ nên để con được vấp ngã, được chông chênh trên đường đời. Có như vậy, con cái mới có cơ hội được trưởng thành, từ đó chúng mới biết cách yêu thương, tôn trọng và biết ơn cha mẹ.
(*Nguồn Toutiao)