3 điểm mấu chốt khiến xung đột Nga-Ukraine khó kết thúc trong năm 2023

Hồng Anh |

Có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ kéo dài, gây tổn thất lớn cho cả 2 bên vào năm 2023.

Mục tiêu của mỗi bên mâu thuẫn với nhau

Theo Tổng thống Ukraine Zelensky, ngay từ thời điểm đầu năm mới, cuộc xung đột đã lắng xuống và rơi vào tình trạng bế tắc không lối thoát khi không bên nào đạt được những bước tiến lớn trên chiến trường. Kiev đang tìm cách duy trì cuộc phản công để đẩy lùi các lực lượng Nga ở phía Bắc cũng như kiểm soát phần còn lại của thành phố Kherson ở phía Nam, còn Moscow đang nỗ lực đào hào và xây dựng phòng tuyến ngăn cản quân đội Ukraine.

3 điểm mấu chốt khiến xung đột Nga-Ukraine khó kết thúc trong năm 2023 - Ảnh 1.

Xe tăng của các lực lượng Ukraine ở vùng Donetsk – Ukraine hôm 13/6. Ảnh: Reuters

Ông Wesley Clark, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu cho rằng: “Cuộc xung đột đang nhanh chóng phát triển thành tác chiến chiến hào giống như Thế chiến 1. Tôi nghĩ Ukraine sẽ rất khó vượt qua hệ thống phòng thủ của Nga nếu không có sự hỗ trợ quân sự đáng kể của Mỹ”.

Kế hoạch của Nga hiện giờ là tấn công ồ ạt cơ sở hạ tầng năng lượng và mục tiêu quân sự của Ukraine bằng tên lửa, máy bay không người lái nhằm làm hao mòn sức mạnh quân sự của đối phương, bẻ gãy ý chí của các nước phương Tây đang ủng hộ họ.

“Đây là một phần trong nỗ lực ngăn cản phương Tây ủng hộ Ukraine, khiến người dân phương Tây nghĩ rằng có đổ bao nhiêu vũ khí và tiền bạc thì cũng sẽ vô vọng vì đây là cuộc chiến không bao giờ kết thúc”.

Trở ngại chính đối với hòa bình là cả Nga và Ukraine đều bị ràng buộc bởi những mục tiêu mâu thuẫn nhau. Để đạt được thỏa thuận, đòi hỏi một trong hai bên phải có sự nhượng bộ đáng kể. Tổng thống Zelensky cũng như nhiều quan chức trong chính phủ của ông tin rằng, việc đồng ý bất cứ thỏa thuận ngừng bắn hoặc đổi lãnh thổ lấy hòa bình sẽ là một sai lầm lớn, cho phép Nga tái tập hợp lực lượng, củng cố sức mạnh để tiến hành các cuộc tấn công trong tương lai.

Về phần mình, Tổng thống Putin dường như đặt cược lớn vào chiến dịch quân sự tại Ukraine. Vì thế đối với ông, sự thất bại có thể gây suy yếu vai trò của Nga trên trường quốc tế, khiến ông sụt giảm sự ủng hộ và làm mất niềm tin của những người ủng hộ Điện Kremlin vốn luôn cho rằng Nga sẽ không bao giờ lùi bước.

Phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng 12/2022, Tổng thống Zelensky lập luận rằng năm 2023 có thể là “giai đoạn bước ngoặt” trong cuộc xung đột, nghĩa là nếu Ukraine có được những vũ khí cần thiết, quân đội nước này có thể tiến hành cuộc tấn công tổng lực nhằm vào lực lượng của Nga.

Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã chi 20 tỷ USD để vũ trang và hỗ trợ Ukraine về mặt kinh tế. Nhưng vấn đề không chỉ là khoản kinh phí lớn mà còn là những loại vũ khí ngày càng tiên tiến, hiện đại mà họ cung cấp. Hạ nghị sĩ Michael McCaul cho rằng: “Nếu chúng ta cung cấp cho họ những gì họ cần, họ sẽ giành chiến thắng. Nếu chúng ta không làm như vậy, cuộc chiến sẽ kéo dài”.

Ngoài đạn dược, tên lửa tầm xa, xe tăng và xe bọc thép, nhu cầu lớn nhất của Ukraine hiện giờ là xây dựng một lực lượng không quân mạnh mẽ hơn, có các phi đội máy bay không người lái và máy bay chiến đấu hiện đại, cựu tướng không quân Mỹ Dave Deptula – từng là chỉ huy của Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 đánh giá.

“Sức mạnh không quân mà phương Tây hỗ trợ cho Ukraine về cơ bản, có thể thay đổi tính toán trong cuộc xung đột này. Quân đội Nga đang giành lợi thế trên mặt đất. Bằng cách gia tăng các cuộc tấn công từ trên cao, Ukraine có thể xoay chuyển lợi thế đó”, ông Dave Deptula lưu ý.

Phi đội máy bay của Ukraine, có từ thời Liên Xô đang dần bị thu hẹp quy mô do cường độ chiến đấu cao và thiếu phụ tùng thay thế. Ông Zelensky đã kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu ngay từ những ngày đầu xung đột nổ ra và bác bỏ ý kiến cho rằng phi công Ukraine khó có thể điều khiển máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ.

“Ukraine chưa bao giờ yêu cầu binh sỹ Mỹ chiến đấu trên đất của chúng tôi. Tôi đảm bảo với các bạn rằng binh lính Ukraine có thể vận hành xe tăng và máy bay Mỹ một cách hoàn hảo”, ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Cựu tướng Dave Deptula cho rằng: “Mỹ sẵn có một kho dự trữ máy bay dư thừa, có thể nhanh chóng làm thay đổi cán cân quyền lực”. Washington đang trong quá trình cho nghỉ hưu gần 100 tiêm kích F-15, F-16, 21 cường kích tấn công mặt đất A-10.

Rào cản tâm lý

Theo giới phân tích, cuộc xung đột đã gây ra thiệt hại nặng nề cho cả hai bên, và ngày càng có nhiều ý kiến khẳng định sự cấp bách phải chấm dứt xung đột trong năm 2023. Nhưng sự ác liệt của các cuộc giao tranh đã đặt ra một rào cản tâm lý cho bất cứ thỏa thuận hòa bình nào, với suy nghĩ cho rằng, nếu dừng lại thì nỗ lực của hàng trăm nghìn binh sỹ đang bị hủy hoại một cách vô ích.

Hiện đang có nhiều cuộc tranh luận diễn ra giữa phe ủng hộ đàm phán và phe kêu gọi tiếp tục chiến đấu để giành chiến thắng. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đã viện dẫn những bằng chứng trong Thế chiến thứ nhất. Ông nói: “Ở thời điểm đó, bên kêu gọi chiến đấu để giành chiến thắng đã thắng trong cuộc tranh luận. Kết quả là chiến tranh kéo dài từ năm 1915 đến 1918. Nếu như ban đầu chỉ có 1 triệu người thiệt mạng thì đến năm 1918, con số này đã lên đến 20 triệu người”.

Nhưng lập luận này dường như khác biệt so với đánh giá của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ông Stoltenberg cho rằng: “Hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc trên bàn đàm phán. Nhưng những gì xảy ra xung quanh bàn đàm phán phụ thuộc rất nhiều vào tình hình trên chiến trường”.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington dự đoán, nếu Ukraine có thể đảo ngược lợi thế trên chiến trường thì điều này sẽ buộc Tổng thống Putin phải xem xét một “giải pháp hòa bình, có ý nghĩa”. Các nhà phân tích của ISW kết luận: “Ông Putin khó có thể chấp nhận bất cứ sự thỏa hiệp nào trừ khi Ukraine, với sự giúp đỡ của phương Tây, có thể khiến quân đội Nga bị tổn thất hơn và giành lại phần lớn các khu vực Nga đang kiểm soát”.

Nhưng cựu Giám đốc Cơ quan tình báo CIA, Tướng David Petraeus cho rằng, Ukraine rất khó đạt được mục tiêu này: “Cuộc chiến cam go sẽ còn kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi cả hai bên nhận thấy sự cần thiết phải chấm dứt xung đột”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại