25 năm luẩn quẩn Trung-Hàn: Vui thì làm thượng khách, bất hòa là trừng phạt thẳng tay

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Trung Quốc hiện nay chẳng những căng thẳng với Triều Tiên mà quan hệ với Hàn Quốc cũng đang xấu đi, thậm chí từ cuối năm 2016 quan hệ Trung-Hàn đã "chạm đáy".

Ngay sau khi ông Moon Jae In đắc cử Tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc và tuyên thệ nhậm chức ngày 10/5 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng bày tỏ coi trọng quan hệ hai nước, hãy thông cảm lẫn nhau, củng cố tin cậy chính trị, xử lý ổn thỏa bất đồng.

Ngày 19/5 khi tiếp ông Lee Hae Chan, Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc thăm Trung Quốc 3 ngày (18-20/5/2017), ông Tập bày tỏ quan hệ hai nước hiện đang ở vào giai đoạn then chốt, cần nhanh chóng hòa dịu cục diện căng thẳng, tranh thủ sớm khởi động lại đối thoại, đưa quan hệ trở lại quỹ đạo bình thường.

Bắc Kinh đã bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt "ngầm" đối với Hàn Quốc. 4.000 du khách Trung Quốc trước đây bị ách lại nay tiếp tục tới Hàn Quốc trong các tour du lịch, Tập đoàn Lotte cùng một số doanh nghiệp khác của Hàn Quốc ở Trung Quốc đã khôi phục hoạt động bình thường.

Lãnh đạo hai nước đang cố gắng hàn gắn lại quan hệ hai nước rạn nứt nghiêm trọng trong năm 2016 và đầu năm 2017 khi bà Park Geun Hye còn cầm quyền.

Quan hệ Trung-Hàn trong thời kỳ đầu bà Park làm Tổng thống (tháng 12/2012) đã một thời rất nồng thắm, thậm chí được dư luận coi là “Tuần trăng mật”. Nhưng thời kỳ cuối, mâu thuẫn quan hệ hai nước rất nghiêm trọng, nhất là khi Hàn Quốc phê chuẩn cho Mỹ bố trí Hệ thống tên lửa THAAD, thì quan hệ hai nước đã rơi xuống đáy vực.

Kể từ khi lập quan hệ ngoại giao năm 1992 tới nay, không chỉ lần này mà hai nước đã nhiều lần xảy ra mâu thuẫn, lúc thăng lúc giáng và nhiều khi rơi xuống đáy vực.

Nhìn lại lịch sử quan hệ cho thấy, từ năm 1988, Trung-Hàn triển khai mậu dịch dân sự song phương, đến năm 1991 bắt đầu có quan hệ trao đổi buôn bán chính thức thông qua việc lập cơ quan đại diện ở hai nước, tới năm 1992 thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo hồi ký của ông Trương Đình Hy, người tháp tùng Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham trong chuyến thăm bí mật Triều Tiên ngày 15/7/1992 cho biết mục đích chủ yếu của chuyến thăm để thông báo cho lãnh tụ Kim Nhật Thành biết Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.

Điều này khiến lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành khi đó rất tức giận, vì Trung Quốc “thiết lập quan hệ ngoại giao với kẻ thù của Triều Tiên”.

Trong khi đó ngày 23/8/1992, Hàn Quốc cũng cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, sau 43 năm là “đồng minh chiến lược tin cậy”, để lập quan hệ chính thức với Trung Quốc sau đó đúng 1 ngày.

Hàn Quốc khi đó là nước duy nhất ở Châu Á có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, bởi vậy đây là thắng lợi của Bắc Kinh trong việc cô lập Đài Loan, được đánh đổi bằng sự chấp nhận rạn nứt trong quan hệ Trung-Triều.

Ngày 27/9/1992, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Roh Tae Woo đã dẫn đoàn đại biểu quy mô lớn thăm Trung Quốc và ký kết một loạt văn kiện hợp tác. Kể từ khi đó, quan hệ hợp tác hai bên phát triển mạnh mẽ, nhất là về kinh tế.

Năm 1992, kim ngạch buôn bán Trung-Hàn chỉ có 5 tỉ USD, nhưng tới năm 2004 đạt trên 90 tỉ USD, năm 2006 tăng vọt lên tới 134.3 tỉ USD, năm 2011 đạt 250 tỉ USD.

Hai nước đặt mục tiêu năm 2015 đạt quy mô thương mại hai chiều 300 tỉ USD, nhưng do mâu thuẫn bắt đầu tăng lên nên chỉ đạt 227 tỉ USD, giảm 8% so với năm trước. Kim ngạch 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 153 tỉ USD, tiếp tục suy giảm 9%.

Hàn Quốc là nước đầu tư trực tiếp lớn thứ tư tại Trung Quốc, tới 2013 đạt 56 tỉ USD với 56.224 hạng mục. Trong khi đó đầu tư của Trung Quốc tại Hàn Quốc tính tới năm 2013 chỉ đạt 1.2 tỉ USD.

25 năm luẩn quẩn Trung-Hàn: Vui thì làm thượng khách, bất hòa là trừng phạt thẳng tay - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Lee Hae Chan tại Bắc Kinh ngày 19/5 (Xinhua/Liu Weibing)

Hai lần quan hệ Trung-Hàn rơi vào khủng hoảng

Quan hệ Trung-Hàn tuy phát triển mạnh mẽ, nhất là về hợp tác kinh tế, buôn bán và đầu tư, nhưng cũng xuất hiện nhiều bước thăng trầm.

Những tranh chấp giữa hai nước vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng một số vụ điển hình như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ yếu là bãi Socotra/Tô Nham.

Từ năm 2002, Seoul đầu tư trên 21 tỉ won để xây dựng trạm nghiên cứu khoa học tổng hợp trên đảo, nhưng tới năm 2006, Bắc Kinh tuyên bố bãi đá ngầm này thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho rằng những hoạt động xây cất của Hàn Quốc thời gian qua là phi pháp, đồng thời đưa Socotra/Tô Nham vào trong bản đồ Trung Quốc.

Dân chúng các giới cùng học giả Hàn Quốc và cả Triều Tiên đã dấy lên làn sóng mạnh mẽ phản đối. Tranh chấp này làm quan hệ hai nước xấu đi. Tới năm 2013, khi quan hệ Trung-Hàn ấm lên thì Bắc Kinh lại tuyên bố song phương không có tranh chấp lãnh thổ, đồng thời không nhắc tới bãi Socotra/Tô Nham nữa.

Hai nước còn tranh chấp về văn hóa xung quanh “Quần thể di sản văn hóa Koguryo” mà Trung Quốc gọi là Cao Câu Ly. Đây là một quần thể lăng mộ thuộc thành phố Diên Biên (tỉnh Cát Lâm) đông bắc Trung Quốc, nhưng trong quá khứ thuộc về bán đảo Triều Tiên và do các vương triều trên bán đảo xây dựng.

Năm 2003, Trung Quốc đệ đơn đề nghị UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa của họ. Lập tức, ở Hàn Quốc và Triều Tiên cùng dấy lên phong trào phản đối mạnh mẽ, cho rằng đây là quần thể văn hóa của dân tộc Triều Tiên xây dựng lên, nhưng sau đó bị phong kiến Trung Quốc xâm chiếm.

Sự kiện này làm quan hệ Trung-Hàn rơi vào khủng hoảng. Tháng 8/2004 Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Giả Khánh Lâm sang thăm Hàn Quốc làm dịu tình hình, đồng thời Bắc Kinh phải rút bỏ đề nghị với UNESCO, thì hai bên mới hòa dịu trở lại.

"Thảm họa" kỷ niệm 20 năm

Ngày 12/12/2011, Thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc Trình Đại Vĩ đã đâm chết cảnh sát Hàn Quốc khi đang làm nhiệm vụ.

Vụ việc làm dấy lên làn sóng phản đối Trung Quốc dữ dội với hàng loạt cuộc biểu tình lớn chống Trung Quốc rộng khắp Hàn Quốc,.

Sự kiện này xảy ra ngay trước thềm kỉ niệm 20 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1992- 2012). Một chương trình đồ sộ lấy tên là “Năm hữu nghị” được cả hai nước chuẩn bị rất công phu, nhưng làn sóng chống Trung mạnh mẽ, rầm rộ tới mức buộc Chính phủ của Tổng thống Lee Myung Bak phải tuyên bố hủy bỏ tất cả hoạt động.

“Năm hữu nghị” nhưng không hữu nghị, trái lại quan hệ hai nước rơi vào đáy vực.

25 năm luẩn quẩn Trung-Hàn: Vui thì làm thượng khách, bất hòa là trừng phạt thẳng tay - Ảnh 2.

Tổng thống Park Geun Hye bước cùng ông Tập Cận Bình lên lễ đài theo dõi lễ duyệt binh của Trung Quốc ngày 3/9/2015 ở Bắc Kinh. Bà là một trong những vị khách quan trọng nhất tại sự kiện (Ảnh: Xinhua-Kyodo Photo)

Park Geun Hye năm trước là thượng khách, năm sau đã bị trừng phạt dồn dập

Đầu năm 2012, Tổng thống Lee Myung Bak đã thăm chính thức Trung Quốc 3 ngày (9-11/1/2012) để cứu vãn tình thế, cải thiện quan hệ, nhưng không đạt được kết quả. Uy tín của Tổng thống sụt giảm, cuối cùng bị đảng Quốc Gia Mới của bà Park Geun Hye đánh bại trong cuộc bầu cử cuối năm 2012.

Ngay khi nhậm chức tháng 2/2013, bà Park Geun Hye đã cố gắng hàn gắn rạn nứt, bất đồng qua chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang tên “Chuyến thăm lấy lại lòng tin” vào cuối tháng 6/2013.

Kể từ tháng 2/2013 tới năm 2015, bà Park Geun Hye đã có tới 6 lần gặp gỡ và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Năm 2014, ông Tập đã tiến hành chuyến thăm Hàn Quốc hai ngày (3-4/7/2014) để bày tỏ thiện cảm với Hàn Quốc.

Bà Park là Tổng thống duy nhất trong số các nước đồng minh của Mỹ sang tham dự Lễ duyệt binh ngày 3/9/2015 tại Quảng trường Thiên An Môn và được đón tiếp trọng thị trong số 30 vị nguyên thủ tới dự sự kiện này. Nghi thức đón tiếp bà còn cao hơn cả lễ đón Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên “ngày vui chẳng được bao lâu”, khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H ngày 6/1/2016, bà Park Geun Hye gọi điện cho ông Tập Cận Bình nhưng... bị từ chối.

Bà Park và dư luận Hàn Quốc rất thất vọng, cho rằng Trung Quốc trở mặt, không đáng tin cậy, quan hệ hai nước lại xấu đi.

Chỉ nửa năm sau đó, vào tháng 7/2016 bà đồng ý cho Mỹ lắp đặt hệ thống THAAD, thì quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Tiếp đó là sự kiện ngày 7/10/2016 khi tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cảnh sát biển Hàn Quốc thì mâu thuẫn đã bùng phát lên mạnh mẽ, thậm chí trở nên đối đầu, đẩy quan hệ hai nước một lần nữa "chạm đáy".

Trung Quốc đã tiến hành trừng phạt kinh tế Hàn Quốc, như giảm chuyến bay sang Hàn Quốc, ra lệnh cấm du khách sang Hàn làm ngành du lịch Hàn Quốc bị thiệt hại nghiêm trọng. Đầu năm 2017 du khách Trung Quốc sang Hàn Quốc giảm tới 60%.

Ngoài ra, Trung Quốc tiến hành trừng phạt, tẩy chay các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Trung Quốc, điển hình là Lotte – Tập đoàn lớn thứ 4 của Hàn Quốc, hiện có tới 115 siêu thị ở Trung Quốc. Khi Hàn Quốc bố trí THAAD, Lotte bị đình chỉ một dự án trị giá 2.6 tỉ USD ở Trung Quốc và nhiều cửa hàng bị đóng cửa.

Triển vọng dưới thời Moon Jae In

Khi tân Tổng thống Moon Jae In lên nắm quyền, hai nước đều áp dụng biện pháp hòa dịu để đưa quan hệ trở lại quỹ đạo bình thường.

Đối với Trung Quốc, THAAD được coi là trở ngại lớn nhất trong quan hệ song phương. Để tháo gỡ trở ngại này, ông Moon ra lệnh tạm ngừng và giao cho Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên dư luận cho rằng vấn đề khó có thể tháo gỡ. Bởi vì hệ thống này - bị Bắc Kinh cho là đe dọa an ninh Trung Quốc - là lá chắn rất quan trọng để bảo vệ Hàn Quốc trước tên lửa Triều Tiên.

Hơn nữa,THAAD đã đi vào vận hành 10 ngày sau khi ông Moon làm Tổng thống, nên ít có khả năng bị dỡ bỏ. Dư luận Mỹ và Hàn Quốc cho rằng THAAD còn thể hiện “tinh thần đồng minh cơ bản” vì tới nay, Mỹ vẫn là “chiếc ô an ninh” bảo vệ Hàn Quốc.

Học giả Trung Quốc Triệu Thông thuộc Đại học Thanh Hoa ngày 18/5/2017 đánh giá, khả năng tháo gỡ THAAD rất nhỏ, bởi vậy Trung Quốc nên linh hoạt, như có thể thương lượng với Mỹ và Hàn Quốc giảm bớt tính năng kỹ thuật để bảo đảm lợi ích an ninh của Bắc Kinh.

Báo giới Hàn Quốc cho biết trong buổi tiếp ông Lee Hae Chan, ông Tập cũng không nhắc tới THAAD, điều này cho thấy phía Trung Quốc có thể nhượng bộ.

25 năm luẩn quẩn Trung-Hàn: Vui thì làm thượng khách, bất hòa là trừng phạt thẳng tay - Ảnh 3.

Ngoài ra, dư luận Trung Quốc cho rằng hai nước cố gắng tổ chức các hoạt động kỉ niệm 25 năm thành lập ngoại giao (8/1992 – 8/2017) để hàn gắn quan hệ, không nên lặp lại tình trạng đối đầu và để tái hiện kịch bản "thảm họa" 2012.

Nhìn chung, dư luận các nước cho rằng dù có hay không có THAAD, thì quan hệ hai nước vẫn tiềm tàng nhiều nhân tố gây mất ổn định.

Một là, Hàn Quốc và Triều Tiên đều nhận thức rõ Trung Quốc và Mỹ là hai tác nhân chủ yếu muốn chia cắt lâu dài bán đảo Triều Tiên.

Hai là, về địa chiến lược, Hàn Quốc và Nhật Bản là đồng minh của Mỹ. Mỹ vẫn là chiếc ô quan trọng đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc vừa chống lại mối đe dọa của cả Triều Tiên và Trung Quốc.

Ba là, những vấn đề dân tộc, lịch sử, văn hóa tồn tại từ xa xưa tới nay vẫn ám ảnh quan hệ hai nước.

Đây là những nhân tố lâu dài, tiềm tàng có dịp sẽ lại bùng phát ảnh hưởng tới quan hệ song phương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại