Catherine Su Pohler là một cô gái 21 tuổi trẻ trung, yêu đời, lớn lên trong gia đình đầm ấm, hạnh phúc cùng bố mẹ và hai anh trai. Sắp tới, Catherine sẽ có một học kỳ trao đổi ở Tây Ban Nha và trước khi đi, cô đã tìm gặp bố mẹ để hỏi về nguồn gốc, thân thế thật sự của mình.
Từ nhỏ, Catherine, hay còn gọi là Kati đã biết bản thân được nhận nuôi. Làm sao mà không biết cho được khi diện mạo bề ngoài của cô rõ ràng là người gốc Á trong khi bố mẹ, anh trai và những người xung quanh thì đều là người da trắng.
Thế nhưng may mắn thay, điều này không hề ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của Kati, như cô nói thì "Tôi đã có một tuổi thơ êm đềm. Mọi người đều biết tôi là con nuôi vậy nên chẳng có ai còn tò mò cả".
Dù là con nuôi nhưng Kati đã có một tuổi thơ thật hạnh phúc.
Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc đời Kati không hề đơn giản như những gì bố mẹ nuôi đã kể cho cô nghe.
Sự thật tàn nhẫn hơn nhiều so với những gì họ đã nói để bảo vệ đứa con gái bé nhỏ. Và chính bố mẹ nuôi của Kati cũng cảm thấy rất day dứt khi giấu đi sự thật này, nhất là khi bố mẹ đẻ của Kati đang tìm kiếm cô từng ngày.
Hai mươi năm về trước, đôi vợ chồng Tiền Phần Tương và Hứa Lực Đại bắt buộc phải để lại đứa con gái thứ hai tên là Kính Chi do chính sách chỉ cho phép mỗi gia đình có một con của Trung Quốc vào thời đó. Vì thế, họ không thể giữ lại đứa con thứ hai vì trước đó họ đã có 1 đứa con khác 3 tuổi.
Đôi vợ chồng Tiền Phần Tương và Hứa Lực Đại phải bỏ rơi đứa con thứ hai vì chính sách một con.
Nỗi khát khao có thêm một đứa con nữa quá mạnh mẽ nên hai vợ chồng đã bất chấp quy định của luật pháp, quyết tâm mang thai và sẽ giấu đứa trẻ đi để chính quyền thành phố không phát hiện ra. Nhưng họ đã sai lầm.
"Chúng tôi nghĩ có thể lách luật vì sống xa tầm mắt của mấy ông cán bộ kế hoạch hóa gia đình trong làng" ông Hứa nói, "Rất có thể thành phố này quá rộng lớn và đông dân nên người ta sẽ không chú ý đến gia đình nhỏ của chúng tôi đâu".
Thế nhưng chẳng bao lâu sau họ nhận ra rằng, họ đã suy nghĩ quá đơn giản.
Chính sách một con được nhà nước Trung Quốc ban hành từ năm 1979, khiến cho gần 300 triệu bà mẹ phải nạo phá thai (tính đến năm 2015).
Lúc đầu, hai vợ chồng đã định bỏ cái thai thứ hai do hình phạt họ phải đối mặt quá nặng nề, tuy nhiên, với một bào thai đã đến tháng thứ 6 thì việc nạo phá là bất khả thi.
Chẳng còn cách nào, hai vợ chồng đành tìm cách lẩn trốn ở một ngôi nhà trên thuyền cho đến khi bà Vạn sinh nở thành công vào mùa hè năm 1995.
Đó là một cuộc vượt cạn vô cùng khó khăn. Do lo sợ sẽ phải chịu án phạt nếu đến bệnh viện nên bà Tiền cương quyết sinh con một mình trong căn nhà trên thuyền đó.
Chồng bà, ông Hứa đã chuẩn bị một đôi kéo nhúng sẵn qua nước sôi, dùng để cắt dây rốn khi đứa trẻ chào đời. Thế nhưng, đứa bé đã ra rồi mà nhau thai vẫn chưa ra, và đó là một hiện tượng cực kỳ nguy hiểm.
Ông bà Hứa kể lại câu chuyện đau lòng của hơn 20 năm về trước.
May mắn thay, họ tìm được một phòng khám nhỏ để xử lý vấn đề cho bà Tiền và bác sĩ ở đó còn hứa sẽ không tiết lộ chuyện này. Sau đó, cặp vợ chồng chỉ có vỏn vẹn 5 ngày ở bên đứa con gái bé bỏng.
Đến sáng sớm ngày thứ 5, ông Hứa bế con gái ra chợ, để bé con ở đó với một tờ giấy ghi dòng chữ như sau:
"Đây là con gái Kính Chi bé bỏng của chúng tôi. Con sinh vào lúc 10 giờ sáng ngày 24 tháng 7 âm lịch, năm 1995. Sự nghèo đói và số phận ngang trái đã bắt ép chúng tôi phải để con gái lại đây. Cầu xin các ông bố, bà mẹ hãy rủ lòng thương đứa trẻ này.
Cảm ơn ông, bà đã cưu mang, chăm sóc con gái chúng tôi. Nếu số phận cho chúng ta gặp lại, hãy đến Cầu Đoạn ở Hàng Châu vào buổi sáng ngày Thất tịch 10 hoặc 20 năm sau nhé."
Những dòng chữ ngắn ngủi được tìm thấy với cô bé Kính Chi ngày đó.
Cô bé Kính Chi cùng bức thư trên được đưa đến một cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi ở Tô Châu và sau đó thì được một cặp vợ chồng đến từ Michigan, Ken & Ruth Pohler nhận nuôi. Họ đã có hai đứa con trai và muốn có thêm một thành viên nữa trong gia đình.
Sau này, khi hồi tưởng lại, ông Ken nói, "Chúng tôi không thực sự để tâm về nguồn gốc của đứa trẻ lắm; trước đó nhà tôi đã có một người anh rể đến từ Trung Quốc và chị gái của Ruth cũng nhận nuôi một được trẻ ở Trung Quốc. Thế là chúng tôi cũng tìm kiếm ở đất nước này thôi."
Kính Chi được một cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi.
Năm 1996, Ken và Ruth đến thăm trại mồ côi Tô Châu và ra về với cô bé Kính Chi trên tay. Họ mang theo cả bức thư nói trên và nhờ một người dịch lại nội dung thư.
"Cô gái phiên dịch đã rất xúc động, đến mức không kìm được nước mắt khi cô chuyển ngữ nội dung bức thư cho chúng tôi." Ken hồi tưởng. Hai vợ chồng đã quyết định không cho Kati biết về sự tồn tại của bức thư này cho đến khi cô bé 18 tuổi.
Cô bé Kính Chi đã có 21 năm trưởng thành êm đềm, hạnh phúc và rất hiếm khi tò mò về quá khứ của mình. Thế nhưng một phần nào đó trong cô vẫn luôn muốn tìm hiểu về gốc gác thực sự của bản thân.
"Các anh trai của tôi đều đã lớn, và tôi lại là đứa nhỏ nhất, còn là con gái nữa chứ. Có thể vì thế mà cảm giác khác biệt càng sâu sắc hơn."
Kati lớn lên ở Mỹ trong vòng tay yêu thương của bố mẹ nuôi.
Kati không hề biết rằng, hai bên cha mẹ đã từng liên lạc với nhau vào năm 2005. Một đoàn làm phim đã tìm hiểu về thân thế của Kati và trở thành cầu nối cho bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi của cô gặp mặt.
Thế nhưng vào lúc đó, bố mẹ nuôi của Kati thấy rằng chưa phải lúc thích hợp để cho Kati bé nhỏ biết mọi chuyện nên họ đã nhờ một người bạn đến gặp ông bà Hứa ở Cầu Đoạn vào ngày Thất tịch.
Về phần ông bà Hứa, họ đã đến cầu Đoạn vào ngày thất tịch. Thế nhưng họ cứ chờ đợi mãi mà không thấy bóng dáng của đứa con gái bé nhỏ để rồi cuối cùng rời đi vào lúc 4 giờ chiều.
Sau đó vài phút, người bạn của gia đình Pohler, cô Anne Wu mới xuất hiện. Nhưng mà lúc này cô ấy không thể tìm được bóng dáng một ai có vẻ là giống bố mẹ Kati cả.
Cầu Đoạn - Nơi bố mẹ đẻ hẹn gặp Kati vào năm cô bé 10 hoặc 20 tuổi.
Thế là cô Anne này nhờ một đoàn làm phim ở đó kiểm tra xem họ có vô tình quay lại được cặp đôi nào giống như mô tả không. Trùng hợp thay, ở cuộn băng ghi lại, cô thấy một cặp đôi đứng chờ, trên tay là một tờ giấy với nội dung như bức thư trước kia. Đó chính là bố mẹ đẻ của Kati!
Sau này, đoàn làm phim đó đã giúp vợ chồng ông Hứa tìm đến cô Anne; ở đây cô đã đưa cho họ bức thư của gia đình Pohler cùng với rất nhiều tấm ảnh của Kati, từ bé đến lớn. Và đó là tất cả những gì họ có về Kati.
Trong suốt nhiều năm, ông bà Hứa chỉ có thể ngắm Kati qua những bức ảnh.
Nói về việc này, bà Ruth giải thích, "Chúng tôi muốn chờ Kati đủ lớn để quyết định chắc chắn rằng, con bé có muốn gặp bố mẹ đẻ không."
Đương nhiên, ông bà Hứa không hề ủng hộ hành động này. Và họ nhờ một nhà quay phim lần theo dấu vết đứa con gái nhỏ. Sau nhiều cố gắng, nhà quay phim đó cũng tìm ra Kati và nơi ở của cô bé. Sau rất nhiều năm thuyết phục, anh ta mới được gia đình Pohler tin tưởng.
Bài báo nói về câu chuyện của Kati cùng bố mẹ.
Sinh nhật lần thứ 20 của Kati cũng đến rồi trôi qua và cô bé vẫn chưa biết về nguồn gốc của mình. Phải đến năm 21 tuổi, trước khi đi học trao đổi, Kati mới hỏi mẹ nuôi về thân phận thật sự của mình. Lúc này cô bé mới biết đến sự tồn tại của bố mẹ đẻ.
Khỏi phải nói, Kati đã vô cùng sốc khi biết bố mẹ nuôi và bố mẹ đẻ của cô từng gặp nhau!
Như một lẽ dĩ nhiên, Kati muốn gặp lại những người sinh ra mình. Tuy nhiên, phải mất một thời gian sau, cô mới có thể ổn định cảm xúc và tự liên hệ với người quay phim để hỏi chi tiết.
Cuộc đoàn tụ cảm động trên cầu Đoạn - Hàng Châu.
Thế là vài tuần sau đó, Kati gặp vợ chồng ông Hứa trên cây cầu Đoạn ở Hàng Châu. Kati chia sẻ rằng, gặp lại bố mẹ đẻ là một cảm giác thật tuyệt. Mẹ đẻ của cô, bà ấy đã khóc rất nhiều.
Câu đầu tiên họ nói với cô là: "Trông con gầy quá, con phải ăn nhiều vào". Kati hồi tưởng lại cái ngày đáng nhớ đó: "Họ còn làm rất nhiều đồ ăn cho tôi nữa. Có lẽ vì họ muốn bù đắp lại cho suốt quãng thời gian trước kia"
Kati rất mong muốn có thể gặp bố mẹ đẻ thường xuyên, thế nhưng, lúc này trong đầu cô lại xuất hiện một câu hỏi, "Họ là gì với tôi? Tôi còn không biết nên gọi họ như thế nào."
Kati chụp ảnh cùng bố mẹ đẻ và chị gái.
"Tôi cảm thấy rất an bình, quen thuộc khi quay về nơi mình được sinh ra, nhưng mà cũng thấy khá bối rối. Từ nhỏ tôi đã sống ở Mỹ, bản thân tôi chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa nơi đây; và dĩ nhiên, trong nền văn hóa đó chả có chút châu Á nào cả".
Về phần ông bà Hứa, họ cũng cần nhiều thời gian để làm quen với đứa con gái mới, "Con bé không chịu gọi chúng tôi là bố mẹ cho dù chúng tôi đã mở lời rất nhiều lần. Có phải là ở Mỹ người ta gọi bố mẹ bằng tên luôn không?"
Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là một vấn đề gây cản trở. Ông bà Hứa thì không thể giao tiếp bằng tiếng anh và Kati cũng không biết một chữ quan thoại nào.
Nhưng với họ, "Kati là một cô bé ngoan, rất xinh đẹp và tuyệt vời nữa. Vừa mới gặp con thôi mà chúng tôi đã thấy nhớ nó rồi. Có lẽ, sau này chúng tôi sẽ coi nó như một đứa con gái đã đi lấy chồng xa."
Kati như một đứa con gái đã đi lấy chồng xa của ông bà Hứa.
Nguồn: Viral Thread