Đã vài tuần trôi qua kể từ khi Ukraine tiến hành cuộc phản công, nước này chỉ tuyên bố giành lại một số vùng lãnh thổ nhỏ. Đây thực sự là một cuộc giao tranh đầy cam go. Quân đội Nga đã xây dựng được các phòng tuyến kiên cố và tinh vi nhằm gây tổn thất cho các lực lượng tiến công của Ukraine nhiều nhất có thể.
Hệ thống pháo phản lực HIMARS phóng tên lửa ở Bakhmut. Ảnh: Getty
Khi Ukraine chuẩn bị phản công, các lực lượng của Nga đã dành thời gian đó để sẵn sàng củng cố các phòng tuyến, trải dài hàng trăm km dọc phía Đông và phía Nam Ukraine. Hệ thống phòng tuyến của Nga bao gồm các hào chiến chống tăng, hàng rào dây thép gai, các chiến hào bê tông vững chắc, các bãi mìn dày đặc, tuyến răng rồng và các boong ke.
Quân đội Ukraine cũng tăng cường số lượng đáng kể xe tăng, xe bọc thép và các vũ khí hiện đại được Mỹ và đồng minh hỗ trợ nhằm xuyên thủng các phòng tuyến của Nga. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra không dễ dàng và các quan chức Ukraine phải thường xuyên bác bỏ những đánh giá bi quan rằng cuộc phản công không đủ nhanh chóng. Giới chức Kiev lập luận, một cuộc phản công càn quét nhanh chóng không thể thực hiện được với những vũ khí mà họ sở hữu hiện nay.
Tuần này, Chuẩn tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Kimmitt đã lý giải vì sao Ukraine lại gặp khó khăn đến vậy để xuyên thủng các phòng tuyến của Nga.
Trong một video được đăng tải ngày 10/7 trên Wall Street Journal, ông Kimmitt giải thích hệ thống phòng tuyến của Nga được sắp xếp chặt chẽ như thế nào, mỗi lớp trải dài hàng km, kết hợp với nhau tạo thành 8 lớp công sự nguy hiểm mà Ukraine phải trả giá bằng tổn thất về lực lượng và thiết bị để vượt qua Theo ông Kimmitt, Nga sở hữu hệ thống phòng tuyến được chuẩn bị kỹ càng với một loạt chướng ngại vật bố trí thành từng lớp để đảm bảo quân đội Ukraine bị ngăn chặn càng xa càng tốt.
Chuẩn tướng Mỹ đã nghỉ hưu giải thích, chẳng hạn khi các xe bọc thép của Ukraine cố gắng tiến công, chúng sẽ bị mắc kẹt trong các bẫy trống tăng và dễ bị hỏa lực của đối phương nhắm trúng. Trong khi đó, lực lượng bộ binh có thể dù vượt qua được các bẫy xe tăng nhưng lại bị cản trở bởi hàng rào dây thép gai, khiến họ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công. Nếu các lực lượng này có thể vượt qua lớp phòng thủ đó thì họ lại đối mặt với các chiến hào, bãi mìn, tuyến răng rồng được xếp thành hàng với số lượng ngày càng tăng lên, được thiết kế để ngăn chặn các phương tiện đi qua.
Thậm chí sau khi vượt qua các lớp phòng thủ này, quân đội Ukraine có thể đối mặt với các lớp phòng thủ khác như các hàng rào dây thép gai và chiến hào được bố trí bổ sung. Tại đây, lực lượng Kiev còn trở thành mục tiêu của pháo binh, UAV, máy bay chiến đấu, đạn chùm và các cuộc tấn công nguy hiểm khác của Nga.
"Đây là 20km địa ngục. Rõ ràng nó là cuộc giao tranh cam go nhất bên ngoài các thành phố", ông Kimmit nói khi nhận xét về các phòng tuyến của Nga. Theo ông, Kiev hiện đang cố gắng tìm kiếm và khai thác "điểm sơ hở" trong các lớp phòng thủ của Moscow.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hồi cuối tháng 6 nhận định, nhịp độ phản công chậm của Ukraine là một phần bản chất chung của xung đột, song cảnh báo cuộc phản công này sẽ "rất đẫm máu". Trong khi phải tìm cách vượt qua các phòng tuyến kiên cố của Nga thì Ukraine không có ưu thế trên không và chỉ có nguồn cung pháo hạn chế.