2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt

Hoan Ca |

Trong năm vừa qua, dù các nhà làm phim Việt Nam vẫn đều đặn cho ra rạp hàng chục tác phẩm mới, thị trường vẫn chưa xuất hiện một sản phẩm điện ảnh cùng lúc đáp ứng hai tiêu chí: đắt khách tại rạp và khiến người xem hài lòng.

Chỉ còn vài tuần nữa trước khi năm 2022 chính thức khép lại, rạp chiếu phim Việt Nam vẫn kịp chào đón thêm hai tác phẩm nội địa nữa ra rạp là Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh CáiThanh Sói - Cúc Dại Trong Đêm. Đây là hai tác phẩm thuộc chùm phim đã đóng máy từ lâu nhưng nhiều lần phải dời lịch phát hành vì các nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Đến lúc này, việc Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái và Thanh Sói - Cúc Dại Trong Đêm tạo ra đột phá doanh thu 100 tỷ trong năm 2022 là bất khả thi. Tuy nhiên, kỳ vọng đặt vào hai tác phẩm không hẳn nằm ở con số thống kê doanh thu phòng vé mà là chúng có thể "gỡ gạc" cho bức tranh nền điện ảnh nước nhà sau một năm bị bao trùm bởi những sắc màu u ám, ảm đạm hay không.

2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 1.
2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 2.

Hình ảnh từ phim Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái của đạo diễn Lê Bình Giang (Ảnh: Lotte)

Năm 2022 như dài vô tận của điện ảnh Việt

Nhận định về tổng quan thị trường điện ảnh Việt năm 2022, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ với chúng tôi: "Cứ nghĩ rằng sau hai năm đại dịch thì năm 2022 điện ảnh Việt sẽ bứt phá đi lên, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại khi nó còn tệ hơn năm 2020 và 2021 nữa. Đây là năm mà, theo đánh giá của tôi, chúng ta được chứng kiến nhiều thảm họa điện ảnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây với hàng loạt bộ phim chỉ thu về từ vài tỷ tới vỏn vẹn vài trăm triệu khi ra rạp".

Trong năm 2022, điện ảnh Việt có thêm gần 40 tác phẩm mới được phát hành tại rạp. Thị trường sôi động trong 6 tháng đầu năm rồi "nguội" dần. Tìm kiếm trên Internet những tiêu đề bài viết nhận định về phim nội địa chiếu rạp trong năm vừa qua, ta luôn thấy những từ khóa như "thảm họa" hay "lỗ nặng" trong tiêu đề. Đây chẳng phải cái nhìn bi quan với thị trường, bởi sự thật là cứ cách vài tháng, đôi khi chỉ vài tuần, lại có một phim điện ảnh Việt phải âm thầm thu cờ trống vì ế vé.

2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 3.
2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 4.

Mưu Kế Thượng Lưu và Người Tình là những bộ phim yếu về chất lượng lại kém cả doanh thu (Ảnh: Galaxy Studios, AS Production)

Tình hình ảm đạm của điện ảnh Việt suốt 12 tháng vừa qua dường như đã được dự báo trước khi Mưu Kế Thượng Lưu dù được phát hành vào mùa phim Tết Nguyên đán nhưng chỉ thu về 1 tỷ đồng (theo Box Office Vietnam). Chưa đầy một tháng sau, Người Tình với Minh Tú trong vai chính cũng chỉ kiếm được 1,1 tỷ khi ra rạp. Tới mùa phim bom tấn hè, hai trong số ba tác phẩm đáng chú ý nhất của điện ảnh Việt thời điểm ấy là Kẻ Thứ Ba 578: Phát Đạn Của Kẻ Điên cũng chỉ lần lượt thu về 1 và 3 tỷ đồng…

Nửa cuối năm, khi kỳ vọng của khán giả đã giảm sâu, tin tức về các bộ phim thua lỗ lại càng đến dồn dập, với những con số khiến người nghe chỉ biết dở khóc dở cười. Virus cuồng loạn chỉ thu về 157 triệu tiền bán vé khi ra rạp trong tháng 10, Huyền sử vua Đinh rời rạp chỉ sau 10 ngày với doanh thu 43 triệu đồng.

 Trước đó Cù Lao Xác Sống - phim zombie đầu tiên được phát hành tại rạp của Việt Nam - cũng ngậm ngùi rời rạp với 12,8 tỷ đồng doanh thu và sự chê bôi của khán giả. Về mặt kinh tế, Cù Lao Xác Sống có thể không lỗ, nhưng về mặt danh tiếng, phim đã thua khi bị khán giả đánh giá chất lượng thảm họa.

2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 5.

578: Phát Đạn Của Kẻ Điên được đầu tư tới 60 tỷ đồng nhưng chưa thu về nổi 10% con số này khi ra rạp (Ảnh: TuVanPictures)

Bình luận về hiện tượng này, nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho biết năm nào điện ảnh Việt cũng có các phim thảm họa song hành cùng bom tấn doanh thu hay các tác phẩm được đánh cao về giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên 2022 chứng kiến số lượng bùng nổ các tác phẩm kém chất lượng được tung ra rạp. Bản thân nhà làm phim ai cũng khao khát tạo ra tác phẩm chất lượng, nhưng có thể là cái tài của họ chưa tới, kinh phí làm phim không đủ dẫn tới khâu sản xuất qua loa…

Với con mắt của một nhà quan sát lâu năm, anh Lê Hồng Lâm đánh giá việc các thảm họa điện ảnh Việt liên tục ra rạp rồi hứng chịu kết cục thua lỗ, bị khán giả chê cười là đúng quy luật của thị trường.

2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 6.
2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 7.

Cù Lao Xác Sống và Huyền Sử Vua Đinh cũng là những bộ phim đáng quên của điện ảnh Việt năm 2022 (Ảnh: BHD)

Chuyên gia Lê Hồng Lâm cũng chia sẻ anh đặt nhiều hy vọng vào Đảo Độc Đắc - Tử Mẫu Thiên Linh CáiThanh Sói - Cúc Dại Trong Đêm sẽ trở thành cái kết đẹp dù muộn màng cho thị trường điện ảnh ảnh Việt trong năm nay. Nói về triển vọng năm 2023, nhà phê bình thận trọng nêu quan điểm anh nghĩ điện ảnh Việt sẽ cần nhiều thời gian hơn thế để hoàn toàn phục hồi và tìm lại được đà đăng trưởng bằng với thời điểm trước đại dịch.

2023 chưa phải thời điểm điện ảnh Việt hoàn toàn phục hồi cũng là quan điểm nhà sản xuất Will Vũ chia sẻ với chúng tôi trong một bài phỏng vấn gần đây. Theo lời nhà làm phim, sớm nhất là năm 2024 thị trường điện ảnh Việt mới có thể vận hành trơn tru trở lại.

Khán giả đã chán phim Việt?

Theo thống kê của Box Office Vietnam, trong năm 2022, có hơn 20 phim điện ảnh Việt doanh thu bết bát, chiếm khoảng 50% số phim nội đã phát hành. "Bỏ tiền đi xem phim Việt là có lỗi với sức lao động của bản thân" đã trở thành một lời mỉa mai đôi khi vẫn xuất hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội trong năm nay. Điều này vô hình trung tạo ra ấn tượng rằng khán giả đã quá mệt mỏi với phim ảnh trong nước và không còn sẵn sàng mở lòng với các tác phẩm nội địa ra rạp.

Tuy nhiên, theo quan điểm của biên kịch kiêm nhà quan sát thị trường điện ảnh Jelly Trang Nguyễn, những bình luận này chỉ mang tính nhất thời, ẩn danh và không nên coi như một dấu hiệu cho thấy khán giả quay lưng với điện ảnh. Chị chia sẻ: "Tôi tôn trọng các khán giả chọn xem phim Việt và chia sẻ suy nghĩ sau khi xem của họ.

 Tôi mong muốn được phục vụ họ thay vì chạy theo làm hài lòng người tiêu thụ nội dung ngắn hoặc không xem phim, nghe người khác nói rồi hùa theo phê phán. No pain, no gain, ngành nào cũng cần trải nghiệm thực. Tôi không ngạc nhiên với lựa chọn không đọc sách, không xem phim, không nghe nhạc Việt của một số người. Đã có thành kiến, kiểu gì cũng bài xích. Đã có thành ý, có chê cũng đáng lắng nghe".

2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 8.

Em và Trịnh gặt hái doanh thu 100 tỷ nhưng cũng trở thành trung tâm của nhiều tranh cãi (Ảnh: Galaxy)

Đây cũng là quan điểm của nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm. Theo anh, khi phải liên tục theo dõi những tác phẩm điện ảnh quá bết bát, quá dở thì khán giả dễ có xu hướng phủ nhận sạch trơn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là nhận định cảm tính và không đại diện cho toàn bộ người xem. "Tôi nghĩ phản hồi trên Internet của khán giả chỉ nên theo dõi ở mức độ cho phép thôi, vì nhận định một bộ phim cần đến ý kiến của giới chuyên môn, những người quan sát thị trường".

Vị chuyên gia tin tưởng khán giả vẫn luôn yêu và tin tưởng phim Việt. Bằng chứng là trong năm qua họ vẫn dành sự ưu ái, ngợi khen cho những bộ phim như Đêm Tối Rực Rỡ! hay mới đây là Tro Tàn Rực Rỡ dù các tác phẩm được gắn mác là phim hàn lâm, khó tiếp cận khán giả đại chúng. Người ta vẫn hào hứng đi xem phim, vẫn để lại những cảm nhận hài lòng, say mê thảo luận về nó trên mạng xã hội. Đêm Tối Rực Rỡ! cũng là bộ phim độc lập có doanh thu phòng vé cao nhất 2022 với 20,7 tỷ đồng. Con số thậm chí cao hơn thành tích của rất nhiều phim thương mại khác.

2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 9.
2022 - Năm bết bát của điện ảnh Việt - Ảnh 10.

Đêm tối Rực Rỡ! và Tro Tàn Rực Rỡ là một trong những phim hiếm hoi giúp điện ảnh Việt lấy lại thiện cảm của khán giả trong năm vừa qua (Ảnh: CJ)

Khi được hỏi về những tựa phim Việt gây ấn tượng nhất năm 2022, biên kịch Jelly Trang Nguyễn và nhà phê bình Lê Hồng Lâm gặp nhau ở hai lựa chọn Em Và Trịnh cùng Tro Tàn Rực Rỡ. Hai vị chuyên gia cùng đánh giá Em Và Trịnh là tác phẩm dù gây tranh cãi nhưng lại sát nhất với khái niệm "bom tấn" của điện ảnh Việt 2022. "Em Và Trịnh 'mang đến một 'sự kiện điện ảnh' với ảnh hưởng đại chúng đúng nghĩa" – chị Jelly Trang Nguyễn chia sẻ.

Với Tro Tàn Rực Rỡ, anh Lê Hồng Lâm nhận xét: "Đây là một phim art house được cho là kén khán giả, mang tính hàn lâm cao, ngôn ngữ điện ảnh hơi tiết chế và rất khó để đại chúng cảm nhận trọn vẹn nhưng lại tạo được tiếng vang vào cuối năm nay dù được tung ra rạp khá cập rập. Tuy nhiên, sau khi công chiếu phim vẫn tạo được tranh luận trên mạng xã hội, trên truyền thông. Doanh số của Tro Tàn Rực Rỡ hiện vào khoảng 4 tỷ đồng, theo tôi đánh giá đây là một thành công với dòng phim art house".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại