20 năm đã đi qua chúng tôi rồi ư?

Hoàng Nguyên Vũ |

Khi Phương Thanh xưng với các ca sĩ hôm nay là "cô - cháu", tôi mới giật mình, đã 20 năm đi qua. Và ngoảnh lại, để tôi biết mình đang sống một hành trình 2 thập kỷ, quá vội vã...

Tuổi trẻ ở lại

20 năm trước, "cô" Phương Thanh bằng tuổi các "cháu" bây giờ. "Cô" hát như ngậm lửa trong cuống họng. Tại một sân khấu, lúc đó dù chân phải bó bột, chống nạng, "cô" vẫn lên sân khấu, hát Trống vắng.

20 năm đã đi qua chúng tôi rồi ư? - Ảnh 1.

Ca sĩ Phương Thanh thời mới vào nghề.

Chẳng hề gì dù đôi chân đứng không vững, "cô" vẫn nồng say theo điệu rock bay theo giọng hát khàn, khê mà buồn. Đến đoạn chuyển điệp khúc, tiết tấu nhanh, mặc cho chân vướng víu, "cô" nhảy luôn.

Mà không chỉ một bài. Tiếp theo là "Tình xa khuất", là "Xa rồi mùa Đông" và chốt lại trong dư âm của "Một thời đã xa", ca khúc làm mưa làm gió một thời, từ các dãy phòng trọ sinh viên, ký túc xá đến quán cà phê, đâu đâu cũng nghe thấy.

20 năm, mọi thứ đã đủ gọi tên thời ấy của chúng tôi tròn trịa bằng hai chữ "thời trẻ"; mọi thứ cũng đã đủ dày dặn để có thể xếp cái quãng đường đó thành một quá khứ được gọi tên, đủ cho chúng tôi nhìn lại những gì đã đi qua mình.

Khi ấy, chúng tôi không có nhiều điều kiện về mặt phương tiện thưởng thức như bây giờ, nhưng muốn có âm nhạc, là có âm nhạc; muốn xem biểu diễn, là được xem biểu diễn. Các phòng trà đã mọc lên nhiều và các không gian âm nhạc công cộng cũng không phải là thiếu.

Tức là để tiếp cận âm nhạc, dù không bằng thế hệ bây giờ, nhưng không phải là thiếu thốn. Nếu đem so sánh tại sao hồi ấy các giọng ca và ca khúc ở lại với chúng tôi lâu đến thế, đo bằng quãng đường 20 năm, không thể nói rằng "hồi ấy do thiếu thốn nên có gì nhớ nấy".

Thế hệ chúng tôi may mắn được sở hữu những sản phẩm âm nhạc của những ngôi sao tài năng trong làng giải trí Việt nói chung và âm nhạc nói riêng. Họ, ngoài tài năng, còn là những giọng ca có cá tính, không lẫn vào bất cứ đâu dù càng về sau, càng nhiều giọng ca xuất hiện.

Hồng Nhung giọng vang, nhưng rất êm, bay và đầy tinh tế. Thanh Lam đầy lửa, cứ hát lên như ngậm lửa, chạm vào ca khúc nào thì ca khúc đó bỏng cháy. Mỹ Linh sâu lắng, mượt mà. Hà Trần giọng bay và da diết. Thu Phương lãng đãng như sương như khói. Phương Thanh góc cạnh và tận hiến, hát hôm nay mà như thể ngày mai chị qua đời vậy.

Rồi thì "Bài hát ru cho anh", "Chia tay hoàng hôn", "Trưa vắng", "Biển khát", "Phố nghèo", "Sắc màu", "Một thời đã xa"..., rất nhiều và rất nhiều nữa. Những ca khúc ấy vẫn không hề cũ cùng những giọng ca đã được đo ni đóng giày để hát, suốt cả thế hệ chúng tôi.

Thỉnh thoảng có chút thời gian rảnh, tôi vào các trang nhạc để nghe lại những giai điệu của "thời đã xa" ấy. Tôi rất hay để ý những dòng comment ở bên dưới các ca khúc. Và đây là những thứ tôi đọc được:

"Nghe lại bài này nhớ thời con gái của mình quá" (cho ca khúc Một thời đã xa - Phương Thanh hát). "Giá mà thời gian mãi dừng lại ở năm 1998" (cho ca khúc Chia tay tình đầu - Thanh Lam hát). "20 năm rồi à? Tôi đã đi qua tuổi trẻ của mình rồi ư?" (Cho ca khúc Dòng sông lơ đãng - Thu Phương)

Những dòng comment ấy, mới được post cách đây chưa lâu.

Tôi có lần nói chuyện những ca khúc ngày xưa với một người bạn nhạc sĩ. Anh sống vào thời đó và cũng để lại cho thế hệ chúng tôi những ca khúc để nhớ đến bây giờ.

Nhắc câu chuyện này, anh chỉ cười: "Giá trị của âm nhạc nằm ở chỗ, mỗi lần người ta nhớ đến một ca khúc nào hồi nó mới ra đời, sẽ khiến người ta rơi nước mắt để nghĩ về tuổi trẻ của họ"

Quả đúng vậy.

Sau thế hệ của chúng tôi, cũng có nhiều ca sĩ, có nhiều ca khúc được ra đời. Cũng có nhiều thứ để nhớ nhưng đáng tiếc, nó không thực sự nhiều.

Tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ trong hành trình giảng dạy hoặc hợp tác công việc với họ, khi bàn về sở thích bên ngoài phạm vi công việc, chúng tôi có quay về đề tài nhạc Việt.

Nhiều bạn trẻ mà tôi tiếp xúc, đã gọi Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Phương Thanh... bằng "cô", họ nói rằng họ vẫn nghe và vẫn thích các "cô". Có bạn còn nói, "hồi các cô, âm nhạc có nhiều thứ để nhớ. Đến thời các "chị" sau đó, nghe để giải trí nhiều hơn. Và nghe xong rồi quên.

20 năm đã đi qua chúng tôi rồi ư? - Ảnh 2.

Ca sĩ Hồng Nhung thời vẫn còn răng khểnh.

Cái giá của sống nhanh

Cũng chẳng có gì ngạc nhiên với sự vận động ấy của làng giải trí. Âm nhạc suy cho cùng là để giải trí và nó vận động theo nhịp sống đương đại trong phạm vi lan toả của nó, cũng là một quy luật sống bình thường thôi, để lý giải cho sự sống nhanh vẫn đang tiếp diễn trong dòng chảy 20 năm qua.

Larry Dossey, bác sĩ người Mỹ nổi tiếng thế giới khi đặt ra khái niệm "căn bệnh thời gian", chỉ ra rằng, càng về sau, con người càng bị ám ảnh bởi thời gian. Ông viết: "Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa để mới bắt kịp nó"

Nhân chuyện âm nhạc, ta cũng nhìn lại, phải chăng đời sống nhanh suốt 2 thập kỷ qua, đã lăn bánh qua nhiều thứ, và góp phần làm tiêu tan những giá trị sống khi nó chưa kịp định hình?

Và phải chăng, chúng ta đã không ngăn cản sự vội vã lại để làm sống lâu hơn một bản tình ca? Để định hình một gương mặt tròn trịa và cá tính như thời Thanh Lam, Hồng Nhung?

Phàm cái gì vội cũng không phải là tốt. Từ câu chuyện âm nhạc, nên chăng, chúng ta cứ chậm lại vài phút trong một ngày để cân bằng mình? Bởi vì, căn bệnh "nhanh" đang bám vào tâm lý thời đại và gây nên những hệ luỵ ngoài sức tưởng tượng.

Bạn cứ tưởng tượng, 20 năm trước thời nghe Hồng Nhung, Phương Thanh, lúc đó chúng tôi còn thủng thẳng trên xe đạp. Đường phố Hà Nội và Sài Gòn còn đủng đỉnh xe máy. Rồi cơn bão thời gian 2 thập kỷ đó đã đi qua để lại cho các thành phố một dòng xe máy đông đặc.

Vâng, phát triển, cũng là tất yếu thôi. Nhưng phát triển như thế nào mới là điều đáng nói. Mà nếu cứ đông như thế này, chắc chẳng có lối thoát cho đám phương tiện mà chúng tôi đã dốc bằng hết tuổi trẻ để ngồi lên nó đi tìm kiếm sự nghiệp của mình.

20 năm hình thành nên một thế hệ mà không ít người cài đặt sẵn sự vội vã trong mọi ngóc ngách của ý thức sống. Đi qua một ngã tư đèn đỏ, không thấy công an là phóng mà nhiều khi mình không tự trả lời được câu hỏi: nhanh hơn vài giây để làm gì?

Đi xe máy, không ít trong số chúng ta lấn sang đường ô tô, rồi chen trước mũi của nó mà đứng; leo lên vỉa hè mặc dù chúng ta vẫn lưu thông bình thường dưới lòng đường, chỉ để nhanh hơn vài giây, mà chúng ta không hề tổn thất gì nếu chậm lại vài giây đó cho thành phố trật tự.

Rồi công việc, chưa đến 3 giờ chiều đã gác hết lại, vào mạng tìm loạn lên buổi tối nên ăn cái gì, những cách làm sao để hoà hợp chuyện gối chăn tối nay; Rồi để kiếm tiền nhanh hơn, chúng ta lăn xả vào vòng xoáy cám dỗ, đôi khi chỉ vì những lý sự rất "thời thượng": tuổi trẻ trôi đi nhanh lắm...

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: "Đủng đỉnh sống không phải là điều tốt nhưng vội vã là điều vô cùng nguy hiểm. Không có cái gì vội vã mà mang lại kết quả tốt đẹp"

Còn một doanh nhân khá thành đạt, cùng thời với tôi (nổi tiếng đi bộ và xe đạp) thì mỉm cười mà rằng: Nếu bạn có thời gian nghĩ cho mình nhiều hơn, thì giờ những chiếc taxi sẽ đưa bạn đến văn phòng mỗi ngày để ký những hợp đồng lớn, thay vì bạn phải ngồi trên xe máy chạy tất tưởi đi kiếm những đồng tiền lẻ mỗi ngày.

Hôm nay đây, nhắc về câu chuyện 20 năm như cơn gió đi qua thế hệ chúng tôi, tôi cũng giật mình khi biết rằng, mình cũng đang nằm trong dòng người vội vã ấy. Và chắc chắn, đang rất tiếc nuối, với sự vội vã ấy của mình.

Và câu chuyện âm nhạc một thời nhắc tôi, từ nay, sẽ chậm lại một chút, để cho những giá trị đẹp của cuộc sống, có cơ hội hồi sinh và sản sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại