20 luật sư tham gia vụ kiện 14 doanh nghiệp xả thải ở Long Sơn

Ngọc Giang |

Khoảng 20 luật sư sẽ bảo vệ quyền lợi cho 33 hộ dân khởi kiện 14 doanh nghiệp hải sản xả thải gây ô nhiễm môi trường, khiến cá chết hàng loạt xảy ra tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.

Chiều 9-5, tại UBND xã Long Sơn (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) 20 luật sư của 12 tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với 33 hộ dân nuôi cá lồng bè đã kiện 14 doanh nghiệp xả thải, làm cá chết hàng loạt trong năm 2015.

Ngoài việc ký kết hợp đồng dịch vụ, các luật sư cũng hướng dẫn thêm cho người dân hoàn thiện các thủ tục khởi kiện, chứng cứ liên quan củng cố hồ sơ.

Mặc dù các nhà máy xả thải đóng trên địa bàn xã Tân Hải, huyện Tân Thành nhưng người dân thống nhất sẽ gửi đơn khởi kiện lên TAND TP Vũng Tàu.


Các luật sư hướng dẫn người nuôi cá bị thiệt hại các thủ tục cần thiết để khởi kiện

Các luật sư hướng dẫn người nuôi cá bị thiệt hại các thủ tục cần thiết để khởi kiện

Căn cứ vào báo cáo kết luận thanh tra, căn cứ vào các chứng cứ của người dân, Sở Tài nguyên-Môi trường đã đồng ý với con số 18,1 tỉ đồng, là số tiền các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho người nuôi cá.

Luật sư Hoàng Long Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin đến thời điểm hiện tại đa số đều đã hoàn thiện hồ sơ khởi kiện.

Theo ông Hà, dù về quy mô, thiệt hại không lớn bằng vụ khởi kiện Công ty Vedan nhưng lại phức tạp hơn vì tới 14 doanh nghiệp là bị đơn.

Luật sư Hà cũng cho biết khi thắng kiện, các tổ chức luật sư sẽ chỉ hưởng 5% số tiền ngư dân được bồi thường.

Được biết, có một văn phòng luật sư cũng đã nhận bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp xả thải.

Một số hộ nuôi cá cho biết, sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt vào tháng 9-2015, nhiều hộ đã treo bè và không thể tiếp tục nuôi cá, Hộ thiệt hại nhiều nhất là 3 tỉ đồng, hộ ít nhất cũng vài trăm triệu đồng.

Nhiều người đã cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng, thậm chí nhiều người còn vay lãi bên ngoài để đầu tư nuôi cá nên khi cá chết đã trắng tay, nợ nần chồng chất.

Anh Lê Văn Thuận, hộ dân thiệt hại nhiều nhất, bức xúc: “Từ khi xảy ra vụ việc, cuộc sống của chúng tôi rơi vào cảnh khó khă. Mong muốn duy nhất của các hộ dân là sớm lấy được tiền đền bù để trang trải nợ nần và tiếp tục kinh doanh”.

Trước đó, trong tháng 9-2015, cá lồng bè nuôi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) chết hàng loạt.

Xác định nguyên nhân do các nhà máy chế biến hải sản xả thải, người dân đã chở cá lên UBND tỉnh để yêu cầu giải quyết vụ việc.

Cơ quan chức năng đã điều tra và xác định, ngoài các yếu tố khác thì hoạt động xả thải không qua xử lý ra môi trường của 14 nhà máy chế biến hải sản xã Tân Hải là nguyên nhân chính (chiếm 76%) khiến cá chết hàng loạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại