Ảnh minh hoạ: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Bình Dương và Bình Phước phối hợp phát triển giao thông kết nối vùng
Tin từ Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về công tác quy hoạch kết nối vùng giữa 2 tỉnh, trọng tâm là cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Theo báo cáo phương án đầu tư mới nhất của Sở GTVT Bình Dương, lộ trình tuyến cao tốc bắt đầu từ nút giao Gò Dưa, đi dọc theo tỉnh lộ 43 (thuộc TP.Thủ Đức) khoảng 800m, rồi rẽ phải theo ĐT.743B; ĐT.743A; ĐT.747B tới trước cầu Khánh Vân, tuyến chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại và đi men theo Suối Cái và song song với đường DH409.
Tuyến cắt ĐT.747A tại Cổng Xanh, sau đó đi song song với ĐT.741 lên xã An Long, huyện Phú Giáo rồi đi thẳng lên phía Bắc giáp phía Đông Khu công nghiệp Becamex Bình Phước giao Quốc lộ 14 tại Chơn Thành.
Phương án đầu tư giai đoạn 1, đoạn từ cầu Khánh Vân đến tỉnh Bình Phước dài 45,6km với tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP. Dự kiến thi công hoàn thành năm 2026. Giai đoạn 2, thực hiện nâng cấp từ 4 làn xe lên 6 làn xe, thực hiện một số giải pháp kỹ thuật như xây cầu vượt, hầm chui, đường nhánh.
Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đoạn cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đi qua tỉnh Bình Phước dài 7km, sẽ do tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng số vốn giải toả đền bù và xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh, đoạn cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và các điểm kết nối giao thông chính giữa 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước là các tuyến đường trọng điểm không chỉ của Bình Dương mà còn kết nối liên vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra không gian phát triển mới cho toàn khu vực.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ là tuyến đường hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vị trí dự kiến của cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: Tiền Phong
Theo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT từ cuối năm 2021, dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ là tuyến đường hiện đại hàng đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội.
Dự án gồm có: đoạn tuyến nối cao tốc dài 8,6km từ nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM) đến nút giao An Phú (vành đai 3 tỉnh Bình Dương); đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).
Tổng chiều dài dự án là 68,7km (đoạn qua TP.HCM khoảng 1,7km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km, đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 7km).
Đoạn tuyến nối cao tốc có tốc độ thiết kế 80 - 100km/h gồm 6 làn xe chạy suốt và 4 làn đô thị 2 bên với bề rộng nền đường từ 60 - 64m. Đoạn tuyến cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh, đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100 - 120km/h với 6 làn xe, phân kỳ giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, bề rộng nền 17m.
Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư 24.275 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 12.137 tỉ đồng, vốn BOT khoảng 12.138 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 32 năm. Nếu được cấp thẩm quyền thông qua, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên hiện nay dự án đang bị chậm nhịp.