PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch tập đoàn sơn Kova từng nhận giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ và có mặt trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình.
"Đặt cược" với thị trường Singapore
Ngôi nhà của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch tập đoàn sơn Kova, có đến 2 phòng thí nghiệm bởi cứ có thời gian rảnh là bà chỉ dành cho việc nghiên cứu. Đó cũng chính là chìa khóa mang đến thành công cho Kova, một hãng sơn thuần Việt.
Dù đã ở tuổi thất thập, nhưng bà Hòe vẫn làm việc không ngơi nghỉ. Ngoài thời gian nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, bà di chuyển liên tục sang châu Âu, Singapore, Malaysia, TP.HCM rồi Hà Nội để kiểm tra hoạt động của 3 nhà máy tại đây.
Dù sơn Kova mới bắt đầu mở rộng thị trường trong nước vài năm trở lại đây, nhưng thương hiệu này hiện đã được biết đến rộng rãi ở Singapore. Nói như bà Hòe, thì niềm đam mê công việc cộng thêm "máu liều" đã giúp cho sơn Kova phát triển mạnh ở đảo quốc Sư tử.
Thời điểm 1998, nhận thấy thị trường sơn tại Singapore rất tiềm năng do công trình ở đây bắt buộc phải được sơn mới lại sau mỗi sau 5 năm, bà Hòe quyết định sang Singapore tìm khách hàng.
Tuy nhiên, một số đối thủ khác trong ngành sơn ở Singapore đánh giá Việt Nam chỉ biết sản xuất điều, cà phê xuất khẩu thôi, làm sao mà sản xuất sơn?
PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe và những cộng sự
Ít vốn và cũng không biết làm quảng cáo, bà Hòe chọn cách đưa sản phẩm vào trung tâm kiểm nghiệm hàng đầu của Singapore.
Chỉ riêng chi phí này đã khiến sơn Kova tốn hàng tỷ đồng. "Kiểm nghiệm một mẫu ở Việt Nam chỉ vài triệu đồng. Còn tại Singapore, một mẫu với 17 thông số tốn hết 3.300 USD. Mất một năm tôi mới kiểm nghiệm xong các sản phẩm của sơn Kova tại Singapore", bà Hòe kể.
Khi cầm giấy tiêu chuẩn trên tay, bà Hòe bắt đầu tìm đến các buổi đấu thầu công trình, đưa ra cả những giấy tờ chứng minh thời gian công ty hợp tác với Mỹ để tăng tính thuyết phục. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng sơn Kova cũng được thử nghiệm ở một dự án.
Từ đó, sơn Kova đã tạo được dấu ấn tại Singapore và tham gia vào nhiều công trình lớn như hệ thống giao thông, bệnh viện, trường học, sân bay và một số tòa nhà của Chính phủ... Tuy nhiên, Singapore vẫn luôn là một "đại gia kỹ tính".
Vượt qua rất nhiều "phép thử" từ đối tác Singapore, sơn Kova đã "qua mặt" được 3 hãng sơn quốc tế để tiếp cận với các dự án lớn.
Sau nhiều năm thành công ở thị trường ngoại, bà Hòe quyết định mở rộng tại Việt Nam.
Bán xe máy lấy 500 USD sang Mỹ hợp tác
30 năm nghiên cứu khoa học và 20 năm làm doanh nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Hoè xây dựng được một thương hiệu sơn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường với 12 công ty, 7 nhà máy sản xuất, 8 văn phòng đại diện và hơn 1.000 đại lý trong và ngoài nước.
Cả 3 người con của bà đều là những nhà nghiên cứu giống mẹ. Họ vừa làm khoa học, vừa chia nhau quản lý hoạt động của các công ty tại Singapore, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Đam mê nghiên cứu nhưng để đến với thành công ở vai trò là nhà kinh doanh như hôm nay, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hòe đã phải trải qua những giai đoạn vất vả.
Đã có thời, bà từng phải vay mượn nhiều nơi với lãi suất cao, thậm chí bán cả chiếc xe máy duy nhất để gom góp được vỏn vẹn 500 USD sang Mỹ hợp tác nghiên cứu công nghệ mới.
Sang Mỹ, hành lý của bà Hòe chỉ là một va-li toàn mẫu gạch ngói, đất đá và mì ăn liền. Bà đã ăn mỳ trong 2 tháng, gầy nhom do suy dinh dưỡng. Tiền mang theo cũng ít nên đã có những khoảng thời gian bà Hòe phải ở nhờ, thậm chí ngủ dưới gầm cầu thang sân bay chỉ để thỏa đam mê.
Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, bà Hòe được mời sang Mỹ nhận giải thưởng Kovalevskaya vì những cống hiến cho khoa học. Ngay sau khi nhận giải thưởng, một hãng sơn của Mỹ mời bà về để giúp nhiệt đới hóa sản phẩm sơn của họ.
Lúc đó, ngành công nghiệp sơn ở Mỹ vốn phát triển từ lâu, nhưng khi mang sang những thị trường nóng ẩm như Việt Nam, Trung Quốc hay Singapore thì lại không đạt yêu cầu do khác biệt khí hậu.
Nhớ lại ngày đầu kinh doanh sơn của mình, bà Hòe chia sẻ: "Ban đầu, tôi bán sơn bằng can, không biết cách in tên thương hiệu lên vỏ hộp. Tất cả đều rất thô sơ. Mãi đến lần sang Mỹ tiếp theo, tôi mới xách về một vỏ thùng, đưa cho một xí nghiệp bao bì ở quận 6, TP.HCM làm mẫu rồi mất hai năm mới ra được vỏ thùng".
Ngoài Singapore, sơn Kova tiếp tục đầu tư mạnh vào Malaysia, Indonesia và Myanmar. Bên cạnh đó, châu Âu cũng là một thị trường rất tiềm năng của sơn Kova.
Công ty đang lên kế hoạch cho 4 dự án hợp tác tại châu Âu với đối tác là các hãng tàu biển, khách sạn 5 sao... Có thể tin rằng, không xa nữa, sơn Kova "Made in Vietnam" sẽ tiếp tục khẳng định được chất lượng ở trời Tây.