2 sự trùng hợp khó tin trong lịch sử TQ, chuyện thứ nhất liên quan đến thân thế Khổng Minh

Trần Quỳnh |

Trong lịch sử Trung Quốc, có không ít câu chuyện trùng hợp cho tới ngày nay vẫn chưa có lời giải thích. Hai câu chuyện dưới đây nằm trong số đó.

Lịch sử Trung Hoa từng xảy ra không ít những sự việc trùng hợp. Có người cho rằng đó chỉ là ngẫu nhiên, cũng có người khẳng định đó là "thiên ý".

Trong số những sự kiện trùng hợp tới mức khó tin, không thể không kể tới 2 sự việc có liên quan tới những nhân vật lịch sử nổi tiếng Trung Hoa dưới đây.

Sự trùng hợp kỳ lạ giữa Gia Cát Lượng và Hoàng đế Hán triều

2 sự trùng hợp khó tin trong lịch sử TQ, chuyện thứ nhất liên quan đến thân thế Khổng Minh - Ảnh 1.

Việc Gia Cát Lượng trùng năm sinh, năm mất với Hán Hiến Đế đã để lại nhiều nghi vấn cho đời sau. (Ảnh minh họa).

Gia Cát Lượng và Hán Hiến Đế là hai nhân vật lịch sử cùng thời, lại có cùng năm sinh, năm mất. Điều trùng hợp này đã khiến người đời đoán giá đoán non hết thời này qua thời khác.

Phàm là người đọc qua Tam Quốc đều biết, Gia Cát Lượng có hiệu là "Ngọa Long". Mà vào thời xưa, "long" (rồng) chỉ dùng cho Hoàng đế, người bình thường sao dám dùng chữ này?

Lại có giai thoại truyền rằng, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp năm xưa từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh nên mới được Đổng Trác lập làm người kế vị, nhưng lớn lên thì tài trí mất sạch.

Trong khi đó, tài cơ trí của Gia Cát Lượng tới khi trưởng thành càng trở nên nổi bật. Liệu rằng hai người này có tồn tại mối quan hệ nào hay không?

Sau này, có không ít người tin vào một giả thuyết: Rất có thể Hán Hiến Đế và Gia Cát Lượng vốn là một người, mà lý tưởng của người đó chỉ có một – phục hưng Hán thất.

Nếu chiếu theo suy đoán này, thì kể từ lúc Gia Cát Lượng đi phò tá Lưu Bị, vị Thiên tử trong tay Tào Tháo chẳng qua chỉ là một nhân vật thế thân mà thôi!

Mặc dù giả thuyết này chưa có căn cứ cụ thể, nhưng chỉ riêng việc Gia Cát Lượng và Hán Hiến Đế có cùng năm sinh, năm mất (181-234) đã khiến hậu thế không khỏi "đoán già đoán non".

Nghi án Thái tử nhà Tùy vượt qua ngàn năm để "báo thù" em trai

Khai quốc Hoàng đế nhà Tùy là Dương Kiên có 5 người con trai: Thái tử Dương Dũng, Tấn vương Dương Quảng, Tần vương Dương Tuấn, Thục vương Dương Tú và Hán vương Dương Lượng.

2 sự trùng hợp khó tin trong lịch sử TQ, chuyện thứ nhất liên quan đến thân thế Khổng Minh - Ảnh 3.

Bi kịch Hoàng tộc thời nhà Tùy do Tùy Dạng Đế Dương Quảng gây nên chính là nguồn cơn của sự trùng hợp kỳ lạ này. (Ảnh minh họa).

Sau khi Dương Kiên qua đời, ngai vị Hoàng đế đáng lý ra phải thuộc về người con trưởng là Dương Dũng. Nhưng con thứ Dương Quảng tìm cách mưu hại đại ca, chiếm đoạt ngai vàng, trở thành Tùy Dạng Đế đầy tai tiếng trong lịch sử.

Khi Dương Quảng qua đời, ngôi mộ của ông chỉ được hạ táng qua loa, không người trông coi. Gần một thiên niên kỷ sau đó, mộ Tùy Dạng Đế được phát hiện. Sự việc trùng hợp tới mức khó tin cũng phát sinh vào lúc này.

Khi đó, có người vì muốn mở rộng công xưởng nên đã xây nền móng trên mảnh đất có ngôi mộ của Tùy Dạng Đế. Điều khiến hậu thế giật mình hơn cả là người này cũng tên Dương Dũng – trùng tên với vị Thái tử Tùy triều bị em trai cướp ngôi năm nào.

Dương Dũng năm xưa bị Dương Quảng mưu hại, đoạt quyền, mà cả thiên niên kỷ sau đó, một người khác cũng mang cái tên này lại đào ra ngôi mộ của Tùy Dạng Đế.

Sự việc trùng hợp đến kỳ lạ ấy khiến cho hậu thế không khỏi hoài nghi, phải chăng đây chính là đòn "trả thù" vượt thời gian của vị Thái tử họ Dương năm nào?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại