Ngày 19/11 tờ Business Standard (Ấn Độ) đăng tải bài viết với tiêu đề "Không phải 'chuỗi ngọc trai' mà là 'rồng' ở Ấn Độ Dương - Hãy quên cách Trung Quốc dùng lý thuyết 'chuỗi ngọc trai' bao vây Ấn Độ trên biển đi".
Theo tờ này, thực tế, không chỉ ở trên biển mà trên đất liền và trên không, Bắc Kinh đều tham gia sâu rộng vào nền kinh tế khu vực Nam Á và ngoài Nam Á.
Business Standard cho biết, vào ngày 14/11, từ hai sự việc phát sinh ở những nước láng giềng của Ấn Độ đã cho thấy mức độ ảnh hưởng rộng lớn của Trung Quốc.
Thứ nhất, cảng nước sâu Gwadar của Pakistan chính thức đi vào sử dụng. Cảng này hiện do Công ty điều hành cảng hải ngoại Trung Quốc (OPHL) quản lý sau lễ ký kết giữa hai nước hồi tháng 2/2013.
Thứ hai, phía Bangladesh tuyên bố nước này đã tiếp nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên từ Trung Quốc.
"Chuỗi ngọc trai" là chiến lược mà Bắc Kinh chưa từng thừa nhận sự tồn tại, bị Ấn Độ cáo buộc là nhằm gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc thông qua tiếp cận các cảng và sân bay, phát triển các quan hệ ngoại giao và hiện đại hoá quân sự từ biển Đông thông qua eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương, và đến vịnh Ba Tư.
Với Ấn Độ, "chuỗi ngọc trai" giống như chiếc thòng lọng bao vây, ngăn cản ảnh hưởng của New Delhi đối với khu vực Ấn Độ Dương truyền thống.
Ngoài ra, tuần trước đó, lượng hàng hóa lớn đầu tiên rời Gwadar, đánh dấu việc vận hành của cảng này dưới sự thiết kế và xây dựng của Bắc Kinh.
Đây cũng được cho là sự đánh dấu công trình xây dựng cảng được hoàn thành sau hai năm xây dựng của "hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan".
Báo Ấn Độ cho hay, so với bước đi nhanh chóng của Trung Quốc tại Pakistan thì hiệp định giữa ba nước Ấn Độ - Iran - Afghanistan lại phát triển khá chậm chạp.
Nội dung của hiệp định này nhấn mạnh việc khai thác phát triển cảng Chabahar trong nội địa Iran và xây dựng một hệ thống đường sắt bắt đầu từ cảng Chabahar đi qua Afghanistan, kéo dài đến Trung Á.
Hạng mục này đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ, đối tác Nhật Bản cũng đã cam kết hỗ trợ nhưng không lâu trước đó, một quan chức Nhật cho biết vẫn chưa nhận được thông tin về các nhà tài trợ tham gia dự án này.
Đặc biệt trong thời gian qua, khi quân đội Bangladesh đã hoàn toàn bắt tay với Trung Quốc, Bắc Kinh cũng can thiệp song song vào Myanmar và Nepal thì Ấn Độ cũng thông qua các khoản đầu tư và dự án chủ động bắt tay với các nước.
Do đó, ngoài đối phó với "chuỗi ngọc trai", Ấn Độ còn phải lo lắng hơn để đối phó với "con rồng Trung Quốc" ở Ấn Độ Dương.